Phát hiện mới hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của các lãnh đạo Trung Quốc về việc người Duy Ngô Nhĩ đã tìm được việc làm và các trại tập trung đã trống không.
Cờ Trung Quốc trên bức tường có dây thép gai ở Kashgar (Kashi), Tân Cương, Trung Quốc
Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) do Bộ Quốc phòng Úc; Đại sứ quán Nhật Bản tại Úc; Văn phòng Đài Loan tại Úc; Lockheed Martin và Hệ thống Hàng không Vũ trụ Anh tài trợ thành lập, gần đây đã tiết lộ vị trí của các trại tập trung ở Tân Cương. Tuy nhiên, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Uông Văn Bân (Wang Wenbin), hôm 25/9 tuyên bố rằng, đây là “một khu dân cư 5 sao”.
Hôm 24/9, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã công bố một báo cáo nghiên cứu thống kê các trại tập trung được xây mới hoặc mở rộng kể từ năm 2017. Có 380 trại tập trung ở Tân Cương, mức độ an ninh được chia thành 4 cấp. Báo cáo cho thấy rõ vị trí của trại tập trung thông qua biểu thị bản đồ, thậm chí công bố ảnh vệ tinh có độ phân giải cao.
ASPI cũng đề cập rằng, từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2020, có ít nhất 61 trại tập trung được xây dựng và mở rộng, bao gồm ít nhất 14 cơ sở vẫn đang được xây dựng trong năm 2020.
ASPI đăng trên Twitter: “Hôm nay ASPI ra mắt ‘Dự án Dữ liệu Tân Cương’ lập bản đồ hệ thống giam giữ của Tân Cương với 380 địa điểm trại cải tạo, trung tâm giam giữ và nhà tù bị nghi ngờ đã được xây dựng hoặc mở rộng từ năm 2017…”
Tài khoản người dùng Twitter bằng tiếng Trung này đăng tin: “Một tổ chức tư vấn của Úc đã phát hiện qua vệ tinh rằng các trại tập trung ở Tân Cương vẫn đang được mở rộng! Không giống như tuyên bố của Vương Nghị rằng “Người Duy Ngô Nhĩ đã tìm được việc làm và các trung tâm giáo dục đã trống trơn”.
Phản hồi lại thông tin của ASPI, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Uông Văn Bân chủ trì một cuộc họp báo thường kỳ vào hôm 25/9, đã tuyên bố rằng “báo cáo liên quan chỉ là tin đồn và vu khống”.
Ông Uông phủ nhận có các trại tạm giam ở Tân Cương và khẳng định: “Địa chỉ của những cái gọi là trại tạm giam ở Tân Cương mà ASPI công bố là một số khu công nghiệp điện tử, thậm chí là một khu dân cư được khen ngợi – 5 sao”.
Theo Aljazeera, Bắc Kinh gần đây đã xuất bản sách trắng bảo vệ các chính sách của mình ở khu vực bán tự trị, rằng tại đây đã triển khai các chương trình đào tạo, kế hoạch làm việc và giáo dục tốt hơn có nghĩa là cuộc sống đã được cải thiện.
Hôm thứ Năm (24/9), Thời báo Hoàn cầu đã đưa tin rằng hai học giả người Úc Clive Hamilton và Alex Joske đã bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc. Hamilton là giáo sư tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, trong khi Alex Joske là nhà phân tích tại ASPI chuyên về quân đội Trung Quốc và ảnh hưởng quốc tế của ĐCSTQ.
Joske, tuyên bố rằng lệnh cấm là “hành động mới nhất trong một loạt các nỗ lực của ĐCSTQ nhằm trừng phạt những người soi mói hoạt động của đảng này”.
Do sự đàn áp và bức hại lâu dài của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố rằng, họ sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất ở Tân Cương. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích việc ĐCSTQ đàn áp Tân Cương là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất.
Tuy nhiên, vào ngày 24/9, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Uông Văn Bân cũng đã lớn tiếng hô hào rằng, chính quyền ĐCSTQ “rất chú trọng đến việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc không chấp nhận những lời giáo huấn của các “giáo sư về nhân quyền”.
Cái gọi là không chấp nhận “giáo sư nhân quyền” của ĐCSTQ là những gì Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nói khi đáp lại lời chỉ trích của các nhà lãnh đạo liên minh EU về vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và các vấn đề nhân quyền khác của Trung Quốc.
Về thái độ ngạo mạn của ĐCSTQ trước sự lên án của cộng đồng quốc tế về các vấn đề nhân quyền, giáo sư chính trị học Lý Dậu Đàm (Li Youtan) của Đài Loan trước đó đã nói: “Chỉ khi bạo quyền Trung Quốc sụp đổ, mới có thể coi trọng nhân quyền”.