Hôm 30/9, tàu tuần tra biển trọng tải cực lớn Haixun 09 (Hải Tuần 09 đã được hạ thủy thành công tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là tàu tuần tra do Cục Hải sự Quảng Đông quản lý. Nhưng sự thực thì nó không màn màu sắc dân sự đơn thuần.
Biển Đông đang trong thời kì căng thẳng. Tàu tuần tra biển lớn nhất của Trung Quốc hạ thủy và đóng vai trò tàu chỉ huy tại khu vực nóng bỏng này. Điều đó như một tuyên ngôn bất thành văn của Bắc Kinh về hai vấn đề:
Một, khả năng đóng tàu lớn của Trung Quốc không thua bất cứ một quốc gia nào.
Hai, nhiệm vụ của tàu tuần tra là thực hiện các hoạt động trên biển của Bắc Kinh. Khi xảy ra các đụng độ quân sự thì các tàu này sẽ trở thành loại khí tài hiện đại, đủ khả năng đè bẹp đối phương.
Hãy nói chuyện “dân sự” về tàu Hải Tuần 09. “Quái thú” này sẽ là anh cả trong việc chỉ huy đội tàu ở Biển Đông. Tới đây nó có thể triển khai hành trình cứu hộ trên toàn cầu. Tàu dài tới 165 m, lượng choán nước thiết kế 10.700 tấn, (lớn hơn cả các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052 của hải quân đi cùng tàu sân bay), lượng giãn nước đầy tải 13.000 tấn. Đặc biệt nó có thể mang trên mình nhiều máy bay trực thăng và phối hợp tiếp nhiên liệu, cứu sinh, tìm kiếm.
Các quan chức ở Cục Hải sự Quảng Đông được thể khoác lác về con tàu “khủng” này. Rằng trên tàu có một trung tâm dữ liệu hàng hải, mạng riêng của biên đội, trung kế kỹ thuật số và các phương thức liên lạc khác. Nó cũng được trang bị nhiều hệ thống liên lạc vệ tinh, trong đó có Bắc Đẩu (Beidou), có khả năng nhận biết, giám sát và cảnh báo sớm, thu thập, xử lý và truyền tải thông tin, chỉ huy tổng hợp, giám sát hàng hải…
Các phương tiện thông tin liên lạc trên tàu hiện đại nhất từ trước tới nay, có thể phủ sóng đầy đủ các vùng bờ, biển gần và xa. Tàu mang theo các xuồng thực thi pháp luật tiên tiến, thông qua hệ thống điều khiển định vị, hệ thống cảm biến, hệ thống thông tin liên lạc và nhiều tính năng vượt trội mà các quốc gia khác chưa thể có loại khí tài, thiết bị nào tối ưu như thế.
Sau khi Hải Tuần 09 được đưa vào biên chế, Cục Hải sự Quảng Đông sẽ trở thành cục an toàn hàng hải đầu tiên của Trung Quốc sở hữu hai tàu tuần tra biển cỡ lớn dài 100 mét. Từ đây năng lực tuần tra giám sát, chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, ứng phó khẩn cấp của Trung Quốc ở vùng biển phía Nam sẽ được tăng cường gấp bội.
Bình luận về việc Bắc Kinh đưa “quái thú” xuống biển, giới phân tích cho rằng, Hải Tuần 09 có thể là dấu hiệu của một hành động phiêu lưu mới, tiếp tục gia tăng căng thẳng trên biển của Trung Quốc. Mà điều căng thẳng dễ thấy nhất là sự rạn nứt giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, không chỉ ở Châu Á mà cả ở Châu Âu. Ngày càng có thêm nhiều nước gửi công hàm đến Liên hợp quốc phản đối hành động vừa ăn cướp vừa la làng của Trung Nam Hải.
Nhà chức trách Cục Hải sự Quảng Đông lấp liếm rằng, tàu tuần tra có thể được sử dụng trong các hoạt động cứu hộ quốc tế với sự hợp tác cùng các nước khác. Nghe ra có vẻ từ đây tàu bè các nước láng giềng có thể “yên tâm” dựa vào “ông bạn vàng” có tàu siêu khủng giúp rập khi hoạn nạn (!)
Thật ra, đó chỉ là miếng mồi nhử. Con tàu dân sự trá hình này được có thể sẽ được sử dụng để thúc đẩy “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Chiến thuật này bao gồm các hành động gây rối, ngăn chặn, cưỡng chế, có thể dẫn tới phản ứng quân sự. Bởi những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông thường không nằm trong phạm vi quản lý của Cục Hải sự. Thế nhưng khi Quân đội Trung Quốc củng cố các tiền đồn ở Biển Đông, không có lí các con tàu “dân sự” khổng lồ lại không nhúc nhích.
Từ lâu Bắc Kinh đã sử dụng rộng rãi các tàu phi quân sự, trong đó có tàu tuần duyên, tàu đánh cá, để tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Ở đó suốt mấy năm qua Trung Quốc đã cố hết sức xây dựng trái phép, quân sự hóa các thực thể trên biển. Và lần này khi con tàu Hải Tuần 09 được tung xuống biển thì phía sau còn bao nhiêu chuyện phải bàn.
Rồi đây, chắc không khó để dự đoán một con tàu “dân sự” siêu khủng nào đó của Mỹ, Nga, hay Nhật sẽ xuất hiện. Cũng không cần tuyên bố ồn ào, vì đó là thực hiện quyền tự do hàng hải. Bắc Kinh sẽ chả có cách nào lên án, ngăn chặn. Xưa nay chân lí vẫn thường thuộc về kẻ mạnh.