Ngày 3/10, Ấn Độ khánh thành đường hầm Atal, dài hơn 9km tại bang miền Bắc Himachal Pradesh.
Công trình hầm dài nhất thế giới này sẽ tăng cường năng lực vận tải của Ấn Độ tại khu vực núi Himalaya trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời, giúp đảm bảo an ninh quốc phòng tại biên giới phía Bắc.
Hầm Atal dài 9km, nằm ở độ cao 3.000m trên dãy Himalaya là công trình hạ tầng quan trọng giúp Ấn Độ đảm bảo tự chủ chiến lược về an ninh, kinh tế tại khu vực biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc và Pakistan.
Nhờ có đường hầm này, việc vận chuyển hàng hóa, lương thực, và cả quân đội vũ khí của Ấn Độ sẽ vẫn được đảm bảo bất chấp mùa đông khắc nghiệt tại dãy Himalaya.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của con hầm này trong việc kết nối hạ tầng giao thông Ấn Độ, phục vụ sự phát triển tại các bang miền Bắc như Ladakh, Jammu và Kashmir.
“Hầm Atal sẽ mang tới sức mạnh mới cho hạ tầng biên giới của Ấn Độ. Đây là ví dụ về kết nối hạ tầng biên giới ở tầm thế giới. Từ lâu, chúng ta đã có nhu cầu lớn phải nâng cấp hạ tầng tại khu vực này nhưng các dự án đã không thể hiện thực hóa hay bị bỏ dở giữa chừng. Kết nối giao thông là sự liên kết trực tiếp tới phát triển. Kết nối các khu vực biên giới liên quan trực tiếp tới an ninh của chúng ta”, ông Modi nói.
Hầm Atal do Tổ chức Đường bộ Biên giới Ấn Độ (BRO) thi công giúp kết nối thị trấn Manali với thung lũng Lahaul- Spiti, đảm bảo giao thông thông suốt tới các quận nằm biệt lập tại bang Himachal Pradesh cũng như vùng lãnh thổ liên bang Ladakh.
Từ tháng 11 năm trước tới tháng 4 năm sau, các khu vực này gần như bị phong tỏa do đèo Rohtang bị tuyết bao phủ. Đường hầm này cũng giúp giảm 46km quãng đường nối từ Manali tới thị trấn biên giới Leh ở Ladakh và giảm thời gian đi lại từ 4- 5 tiếng.
Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng, công trình này sẽ giúp thúc đẩy du lịch và các hoạt động thể thao mùa đông tại khu vực này.