Friday, October 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDoanh nghiệp bán dự án điện gió cho người Thái ?

Doanh nghiệp bán dự án điện gió cho người Thái ?

Có tình trạng doanh nghiệp trong nước lợi dụng chính sách ưu đãi phát triển điện sạch, xin dự án rồi bán lại kiếm lời.

Nhiều dự án điện tái tạo đang được bán lại cho nhà đầu tư ngoại trong thời gian qua

Ngày 2/10/2020, theo thông tin từ tờ Nhịp sống kinh tế, HBRE Group (Việt Nam) đã bán lại hai dự án điện gió tại Gia Lai và Phú Yên đầu năm 2019 cho Công ty SUPER (Thái Lan) khi mà gần như chưa triển khai được nhiều hạng mục, thu về số tiền 400 tỷ đồng.

HBRE Group là doanh nghiệp nội tỏ ra ưa thích với các dự án điện gió. Trong quá khứ, công ty này được giao trọng trách đầu tư HBRE Tây Nguyên (GĐ 1 – 28 MW), HBRE An Thọ (Phú Yên – 200 MW), HBRE Chư Prông (Gia Lai – 50 MW).

Nhưng cho tới thời điểm này, 2/3 dự án điện gió của HBRE Group đã bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài dưới dạng chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp.

Trao đổi với Đất Việt về thương vụ này, nhiều chuyên gia lĩnh vực kinh tế năng lượng tỏ ra không bất ngờ, bởi hiện tượng doanh nghiệp Việt Nam ồ ạt xin dự án đầu tư điện gió sau đó bán lại dự án cho doanh nghiệp nước ngoài kiếm lời đã được cảnh báo từ lâu.

Trước thương vụ mua bán 2 dự án điện gió giữa HBRE Group và Công ty SUPER diễn ra, dự án điện mặt trời VSP Bình Thuận II tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận hay bộ đôi điện mặt trời HCG&HTG tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, xã Tiên Thuận & Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh cũng đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư ngoại.

Tiếp đến tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản, yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo gấp về thông tin một số doanh nghiệp yếu kém năng lực song vẫn xin được dự án năng lượng tái tạo rồi bán cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời.

TS Nguyễn Đình Sáng – chuyên gia năng lượng cho biết, nguyên nhân dẫn đến xu hướng mua đi bán lại dự án điện tái tạo là bởi giá bán điện gió đang được Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi phát triển năng lượng sạch.

Một trong những ưu đãi lớn nhất là giá điện gió bán cho người dân hiện cao hơn so với giá giá bán lẻ điện bình quân.

Chính giá điện gió cao ngất ngưởng đã thu hút sự đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân. Bởi vậy, bản chất của việc mua bán này chính là mua bán ưu đãi. Tức là để phát triển nguồn điện này thì có thể không cần đến ưu đãi đó.

Việc mua bán dự án là xu thế bình thường của thị trường nhưng ông Sáng lưu ý việc mua bán dự án điện gió nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ làm ảnh hưởng tới tốc độ phát triển ngành điện nói chung và quy hoạch điện tái tạo nói riêng.

“Các dự án điện tái tạo hiện any đang được quy hoạch tầm nhìn tới năm 2030 nhưng thực tế nhiều dự án điện gió được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng cho tới nay có chưa đầy 10 dự án chính thức đi vào hoạt động.

Điều này một phần đến từ việc nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm làm dự án điện gió nhưng vẫn muốn đầu tư dự án với mục đích bán dự án để kiếm lời nhanh. Trong khi đó, cả năng lực của chủ đầu tư bán đầu và doanh nghiệp mua lại không được xác định rõ, từ đó có thể dẫn tới tình trạng một dự án điện gió có thể được mua đi bán lại nhiều lần mà không thể triển khai” – ông Sáng quan ngại.

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng cũng cho rằng, có nhiều rủi ro từ việc sang nhượng, mua bán dự án điện tái tạo.

Thứ nhất là về giá, do chắc chắn sẽ có thay đổi, cải tiến về mặt công nghệ và thực hiện theo lộ trình giá, giá mua điện tái tạo trong tương lai sẽ rẻ rất nhiều so với hiện nay.

Nếu nhà đầu tư bán lại dự án cho một doanh nghiệp khác thì tại thời điểm bán, giá được xác định trên cơ sở ưu đãi lớn, tính hấp dẫn cao nhưng đưa vào vận hành, mua bán điện thực tế sau này thì lợi ích sẽ giảm sút.

Thứ hai, việc xin dự án rồi sang nhượng, mua bán có thể khiến kéo dài thời gian thực hiện, triển khai dự án, ảnh hưởng đến tiến độ đưa nguồn điện vào vận hành trong bối cảnh năng lượng điện có nguy cơ thiếu hụt không nhỏ.

“Thực ra, năng lượng tái tạo  đóng vai trò không lớn trong tổng nguồn điện. Thậm chí, bùng nổ năng lượng tái tạo tại một khu vực có thể gây mất cân đối cục bộ lưới truyền tải, mất cân đối về nguồn.

Áp lực tăng cường các nguồn khác để điều hòa công suất khi phát điện tái tạo sụt giảm bởi thời tiết cũng lớn hơn. Nếu còn thêm cả việc buôn bán dự án tự phát thì việc kiểm soát nguồn càng khó” – ông Sơn phân tích.

Ông Sơn cho rằng, để chặn tình trạng sang nhượng dự án không kiểm soát được, có thể áp dụng đấu thầu dự án ngay từ khi cấp phép. Đồng thời, cân nhắc kỹ giá mua điện tái tạo cũng như thời gian ưu đãi để ngăn tình trạng doanh nghiệp chạy đua với giá trong khi mục tiêu chính của nhà nước là phát triển năng lượng tái tạo lại không đạt được.

Hoặc thay vì yêu cầu cam kết năng lực nhà đầu tư bởi e ngại phát sinh giấy phép con thì có thể quy định thời hạn triển khai dự án. Cụ thể, đối với dự án được cấp phép đầu tư, địa phương quy định thời hạn triển khai dự án, nếu quá hạn sẽ tước giấy phép, thu hồi đất.

Việc này sẽ tránh tình trạng “chạy” dự án, giải phóng mặt bằng rồi chờ khách sang nhượng, gây lãng phí tài nguyên, không giải quyết được bài toán thiếu điện.

RELATED ARTICLES

Tin mới