Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐiểm tinCông chức phải 'nhịn' tăng lương: Ba nghịch lý

Công chức phải ‘nhịn’ tăng lương: Ba nghịch lý

Ở Việt Nam, tiền lương mang tính danh nghĩa nhiều hơn và còn quá nhiều chi phí lãng phí được bao cấp, nên cần nghiên cứu, điều tra tỷ mỷ.

Nghịch lý

Sau 3 năm liên tục lương cơ sở được duy trì ở mức 1.150.000 đồng/tháng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết không có nguồn để tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước năm tới do ngân sách eo hẹp. Nếu như vậy, năm 2016 sẽ là năm thứ 4 lương cơ sở trong khu vực này không tăng.

Trao đổi với báo chí, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi,  một thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chia sẻ lý do chưa thể tăng lương, trước hết là do ngân sách chưa đáp ứng được mà tiền lương khu vực này là hoàn toàn do ngân sách chi trả, không như với khu vực sản xuất kinh doanh thực hiện lương thỏa thuận.

“Vấn đề là ngân sách, ngân sách không có, trong khi ta liên tục nói thực hiện tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, giảm nhẹ bộ máy, nhưng cho đến nay bộ máy của ta vẫn chưa cải cách, tinh giản được gọn nhẹ và năng suất lao động của khu vực công rõ ràng đang có vấn đề. Người ta vẫn đang nói một bộ phận cán bộ viên chức năng suất làm việc thấp, chất lượng công việc không tốt… thì làm sao chúng ta cải cách được tiền lương?”, ông Lợi nhấn mạnh.

Chia sẻ với lo ngại này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, về nguyên tắc phải tăng lương công chức đảm bảo mức sống trung bình khá trong xã hội, thế nhưng lộ trình tăng lương là điểm đang bị vướng.

“Hiện nay, trừ lao động thủ công, đã là công chức Nhà nước thì đều là cán bộ quản lý, cũng tương đương với trưởng phòng, phó giám đốc… bên doanh nghiệp. Thế nhưng lương của cán bộ quản lý bên doanh nghiệp cao hơn so với lương công chức.

Do đó, phải tìm cách để tăng lương, còn nếu cứ để thế này thì bộ máy Nhà nước sẽ bị hạ thấp, công chức thiếu động lực để yên tâm phấn đấu. Bây giờ đi đâu người ta cũng nói làm thế nào để công chức sống bằng đồng lương và khiến họ toàn tâm toàn ý làm việc. Thực tế cho thấy nhu cầu sinh hoạt của gia đình, từ các chi phí, dịch vụ đến học phí… đều tăng, tác động ngược trở lại đời sống của công chức khiến họ không yên tâm, phải đi làm thêm bù cho cuộc sống”, ông Tri nói.

Dù vậy, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính cũng phải thừa nhận thực tế rằng dù kêu lương không đủ sống nhưng bộ máy công chức vẫn cứ phình ra.

“Cơ chế của Việt Nam chưa thực sự công khai nên những con số công bố ra chưa chắc đã là con số không thực. Ở nước ngoài, mức lương của tổng thống bao nhiêu, chi tiêu thế nào… đều rất rõ ràng, còn ở Việt Nam vẫn còn nửa bao cấp, tiền lương mang tính danh nghĩa nhiều hơn, không phải là toàn bộ chi phí trong quá trình hoạt động. Có những chi phí rất lãng phí như chế độ về tài liệu, thông tin…, do đó cần phải tính toán lại, nghiên cứu, điều tra tỷ mỷ để thấy được con số thực” – ông Tri phân tích.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính (Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) chỉ ra một số nghịch lý của xã hội mà Nhà nước cần tính tới.

“Một là, tại sao công chức kêu lương thấp nhưng các kỳ thi công chức lại có hiện tượng quá đông thí sinh so với yêu cầu. Tại sao những người thấy lương thấp không ra khỏi công vụ, lại ở lại để kêu lương thấp.

Hai là, những nơi công chức kêu lương thấp, đã ai yêu cầu lãnh đạo bộ phận (như cấp phòng, cấp sở…) rằng họ cần số lượng công chức ít hơn so với số lượng hiện có? Rất tiếc khi tuyển dụng hay cất nhắc họ cũng không có quy định nào về yêu cầu đó.

Thứ ba, và để giải thoát câu hỏi thứ nhất, lại có tình huống đặt ra: nếu ai đó không ở cơ quan nhà nước (công sở, trường học công, bệnh viện, viện nghiên cứu công…) thì họ đi đâu? Nên nhớ rất nhiều thanh niên muốn việc làm để sống chứ không phải họ là lớp người chây lười.

Mỗi một vấn đề của xã hội cứ cắt khúc ra để đặt vấn đề thì không giải quyết được. Công chức vào bằng được công sở, nhưng vào rồi họ lười hay chăm cũng khó phân biệt. Thế nên các khẩu hiệu đều khó chuyển biến”, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển thẳng thắn.

RELATED ARTICLES

Tin mới