Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLá cờ ghép bằng gốm rộng 310 m2: Một biểu tượng chủ...

Lá cờ ghép bằng gốm rộng 310 m2: Một biểu tượng chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa

BienDong.Net: Đầu tháng 6 này tại đảo Trường Sa Lớn, quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa đã khánh thành bức tranh bằng gốm in hình lá cờ Việt Nam lớn kỉ lục, có thể nhìn thấy qua các bức ảnh chụp từ vũ trụ.

Lá cờ nặng 3,5 tấn, có diện tích 310m2 này được ghép từ 310.000 viên gốm mosaic, là ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả con đường gốm sứ nổi tiếng ở Hà Nội. Từ ngày 24.12.2011 đến 3.1.2012, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và đồng nghiệp đã ra thăm, khảo sát vị trí làm cờ ở đảo Trường Sa Lớn.

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, công trình quốc kỳ Việt Nam nên xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo, gần đường băng sân bay. Sau hai cuộc họp và thảo luận, Bộ Tư lệnh Hải quân nhất trí nên đưa lá cờ gắn gốm lên nóc tòa nhà hội trường ở trung tâm đảo Trường Sa. Khi chụp ảnh từ vệ tinh hay search Google Earth, lá cờ sẽ xuất hiện ở vị trí trung tâm đảo Trường Sa Lớn.

Dự án triển khai từ cuối tháng 2.2012, bắt đầu ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thực hiện, với sự hỗ trợ của Ngân hàng VP Bank. Sau khi nhận được những góp ý kiến để chỉnh sửa và hoàn thiện phác thảo, 30 họa sĩ và thợ gắn gốm đã ra đảo Trường Sa Lớn thực hiện dự án này.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy giới thiệu tranh gốm vẽ các chiến sĩ Trường Sa ( Ảnh TTVH )

Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng đảo Trường Sa nhận xét: “Đây là ý tưởng mới, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thông qua nghệ thuật. Dự án phát huy chất liệu gốm sứ truyền thống lâu đời của cha ông có tính bền vững và trường tồn với thời gian”.

Phát biểu với báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Thu Thuỷ nói: Khó khăn lớn nhất của các nghệ sĩ với tác phẩm này chính là vấn đề vận chuyển. Bức tranh gốm được cắt thành các tấm 1m x 1m, xếp chồng lên nhau và đóng gói kỹ trong các bao ni lông và thùng gỗ. Các tác phẩm gốm phải vượt gần 2.000km đường bộ sau đó tập kết tại hai điểm lớn là Cam Ranh và Cát Lái trước khi lên tàu ra đảo.

Chị Thuỷ cho biết đã có những nghiên cứu về độ bền của men gốm khi tiếp xúc với muối biển qua các cuộc khai quật khảo cổ những con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Cau (Vũng Tàu), Hòn Dầm (Kiên Giang), Bình Thuận. Sau nhiều thể nghiệm, gốm phủ men nặng lửa màu đỏ tươi sẽ đảm bảo chịu được mưa nắng ngoài trời, độ mặn của muối biển và không bị bay màu. Thêm nữa, trước khi triển khai công trình này, chúng tôi cũng đã tìm hiểu và lựa chọn nhiều loại chất liệu kết dính chống muối biển ăn mòn và cuối cùng loại xi măng chịu mặn của Bộ Quốc phòng đã đạt được tiêu chuẩn như mong muốn.

Lá cờ Việt Nam bằng gốm trên đảo Trường Sa ( ảnh TTVH )

Với diện tích lớn , lá cờ gắn gốm không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mang tính khẳng định chủ quyền mà còn được sử dụng như một bề mặt thu nước mưa khổng lồ góp phần tích trữ nước ngọt trên đảo.

Ngoài lá cờ lớn kỉ lục, Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội còn hoàn thành 4 bức tranh gốm trên hai bức tường (cao 2,8m, dài 9m) hướng về phía đường băng trung tâm đảo, thể hiện lịch sử lâu đời của dân tộc Việt nam gắn bó với quần đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa, thể hiện nét đẹp văn hóa của ba miền Bắc-Trung-Nam và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Hoa Biển ( tổng hợp )

RELATED ARTICLES

Tin mới