Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinSân tennis cho huyện nghèo, dân choáng với xe công

Sân tennis cho huyện nghèo, dân choáng với xe công

Huyện Trà Bồng nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất nước, nhưng ở đây vẫn có sân tennis 1 tỷ đồng cho cán bộ.

Chắc quý bạn đọc vẫn còn nhớ câu chuyện của huyện nghèo Trà Bồng (Quảng Ngãi) với vụ việc mạnh tay chi 260 triệu đồng tiền ngân sách để xây cổng chào nguy nga cho thôn 2 xã Trà Thủy. Còn tại thị trấn Trà Xuân, trước khi được tách và nâng từ 3 lên 7 tổ dân phố như hiện nay, vào đầu năm 2015, huyện Trà Bồng đã đầu tư ngân sách xây 3 cổng chào ở 3/3 tổ dân phố.

Đọc mà thấy không tin nổi vào mắt mình. 3/3 tổ dân phố tại thị trấn đều có cổng chào. Không hiểu cái huyện này yêu quý nhau đến đâu mà đi đâu cũng thấy cổng chào tràn lan như vậy. Ra ngõ là gặp công chào, chào nhau đến độ mỏi cả đầu cả cổ. Vậy phải chăng, thế mạnh của huyện Trà Bồng chính là ở “sự nghiệp xây cổng chào”?

Chưa hết, bài báo: “Những công trình “lạ” và dự án của huyện nghèo 30a” trên trang Trí thức và công luận còn cho biết: “Hiện toàn huyện ước có khoảng 1.000 gia đình đang trông chờ hỗ trợ để làm nhà ở. Thế nhưng vừa qua Trà Bồng vẫn lấy nguồn ngân sách của địa phương gần 1 tỷ đồng, để xây sân tennis ở tại trung tâm huyện là thị trấn Trà Xuân phục vụ giải trí cho cán bộ”.

 Thật là ngưỡng mộ cái tinh thần thể dục thể thao của đội ngũ cán bộ nơi đây. Bất chấp 1.000 hộ gia đình đang trông chờ tiền để xóa nhà tranh tre nứa lá dột nát, các quan vẫn phải xây cho mình cái sân quần phục vụ nhu cầu giải trí cái đã. Nhà dân có sập cũng mặc kệ.

Trong khi rất quan tâm đến sự nghiệp thể thao thì sự nghiệp thủy lợi của huyện lại có phần bê trễ.  Cũng theo bài báo trên cho biết thì công trình thủy lợi Nà Cà Tu được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 30a, có tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, dự kiến cung cấp nước tưới cho khoảng 7 ha lúa.

Thế nhưng sau khi đưa vào sử dụng từ năm 2013 cho đến nay, công trình này chỉ cung cấp nước tưới cho khoảng 2-3 đám ruộng, với diện tích khoảng 1.000m2 nằm ở khu vực trũng thấp phía dưới. Sau đó, vào năm 2014, do mưa lũ sạt lở, huyện lại chi tiếp 1 tỷ đồng để sửa chữa.

Chỉ một vài ví dụ được dẫn ra trong bài báo cũng đủ biết hiện nay, đồng vốn cả nước chắt chiu để dành cho các huyện nghèo trong chương trình 30a đang được sử dụng thế nào, phung phí ra sao. Xây cổng chào, xây sân tennis, xây công trình thủy lợi nhưng chỉ tưới được những mảnh ruộng bé tin hin, còn dân nghèo vẫn hoàn nghèo.

Thật là đau lòng, xót ruột vì bệnh lãng phí. Thà là nhà giàu có, làm ra lắm tiền nhiều của thì thói chi tiêu “ném tiền qua cửa sổ” còn đi một nhẽ, đằng này cả huyện vẫn còn 1.000 hộ dân đang chờ tiền hỗ trợ để sửa nhà mà các cán bộ vẫn bốc tiền ra xây sân tennis để chơi với nhau. Không thể nào lý giải nổi.

Mà ở đời nhiều chuyện khiến chúng ta choáng lắm thưa bạn đọc. Chẳng hạn liên quan đến việc 40.000 “ông” xe công đang tiêu tốn gẩn 13.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm, các công ty cho thuê xe tư nhân đã đồng loạt kêu: “Choáng váng với con số 320 triệu đồng/xe mỗi năm”.

Họ bảo không thể nào có cái giá cao ngất ngưởng như vậy cả. Đặt cạnh những hợp đồng thuê xe của các công ty nước ngoài, nhu cầu đi lại rất nhiều nhưng cũng chỉ trên dưới 20 triệu đồng/tháng (tức vào khoảng 240 triệu/năm) thì không hiểu các “ông” xe công đi đứng kiểu gì mà tiêu như phá mả.

Những ai kêu rằng “choáng váng vì xe công” thật là những người cạn nghĩ, biết một mà chẳng biết hai. Một bên là đồng tiền máu thịt từ túi cá nhân bỏ ra, với một bên là tiêu pha tiền chùa, tiền ngân sách, tiền thuế của dân thì so thế nào được mà so? Đúng là bì phấn với vôi.

Cái truyền thống “nghèo vẫn phải tiêu sang” nó đã ăn vào máu của một bộ phận cán bộ công chức chúng ta từ lâu rồi. Huyện nghèo vẫn phải có cổng chào, vẫn phải xây sân tennis. Nước nghèo nhưng cán bộ không nghèo, đi một bước cũng phải có xe công đưa đón, như những ông quan có lọng điều võng tía ngày xưa.

Cán bộ cứ tiêu pha như thế, dân không nghèo mới là lạ. Nói cách khác, thì dân ta nghèo rất… đúng quy trình.

RELATED ARTICLES

Tin mới