Mới đây, hôm 19/10, Bắc Kinh công bố dữ liệu cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,9% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên tuyên bố này của Bắc Kinh vấp phải nghi ngờ cao độ của giới chuyên gia.
Các nhà phân tích trong giới công nghiệp cho rằng, kinh tế Trung Quốc phần nhiều dựa vào các gói kích thích kinh tế, nhưng điều đó không thể bền vững lâu dài. Hơn nữa, các dữ liệu kinh tế như sức tiêu dùng thực tế của Trung Quốc, tình hình việc làm trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp đều khiến người ta không khỏi nghi hoặc.
Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 3 cao hơn quý 2, đồng thời, sản lượng công nghiệp trong tháng 9 tăng 6,9% và doanh thu bán lẻ tăng 3,3%.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 19/10 dẫn một bài phân tích cho hay, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc phần lớn đến từ các gói kích thích kinh tế của chính phủ, bao gồm các hoạt động của doanh nghiệp, tiêu thụ bất động sản và cơ sở hạ tầng đều nằm dưới sự điều hành của chính phủ.
Chí Thanh, một nhà nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu Đông Á cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng, tính bền vững trong số liệu tăng trưởng do ĐCSTQ công bố là đáng nghi ngờ.
Bà nói rằng chính phủ đổ lượng lớn tiền vốn vào như vậy sẽ tạo ra một vài tác động kích thích nền kinh tế, nhưng tác dụng của nó chỉ là tạm thời; hơn nữa kiểu đầu tư này của chính phủ thường là hiệu quả thấp, ví như đầu tư của Trung Quốc đối với đường cao tốc, đường sắt cao tốc…
Chí Thanh cho rằng, trên thực tế, sức sống tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là đến từ các doanh nghiệp tư nhân. Theo số liệu chính thức từ ĐCSTQ, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 60% vào GDP của Trung Quốc và đóng góp hơn 50% vào khoản thuế thu.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, ĐCSTQ đã yêu cầu các công ty tư nhân thành lập chi bộ đảng và thực hiện mặt trận thống nhất. Giới doanh nghiệp cho rằng, ĐCSTQ làm như vậy sẽ làm giảm hiệu quả sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Truyền thông Hoa Kỳ CNBC trích dẫn phân tích hôm 19/10 cho hay, mặc dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố dữ liệu kinh tế đã tăng trưởng, nhưng sự phục hồi chậm của mức tiêu dùng ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Theo số liệu chính thức, tổng doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm nay.
Theo Bruce Pang, trưởng phòng Nghiên cứu Chiến lược và Đầu tư vĩ mô Hoa Hưng, thất nghiệp ở Trung Quốc phát sinh, thu nhập hộ gia đình thấp, tất cả đều ảnh hưởng đến sự đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng kinh tế, Bắc Kinh có thể sẽ nghiêng về đầu tư và xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, điều này cũng phải đối mặt với một hoàn cảnh toàn cầu không chắc chắn.
Báo cáo của CNBC cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong cuộc khảo sát tại các thành thị của ĐCSTQ đã giảm xuống còn 5,4% vào tháng 9, nhưng giới doanh nghiệp vẫn rất nghi ngờ tính chính xác của dữ liệu chính thức này.
Vào tháng 4 năm nay, ĐCSTQ chính thức tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 6%. Nhưng theo báo cáo của Giám đốc Viện Nghiên cứu chứng khoán Trung Thái Lý Tấn Lôi, cho thấy vào thời điểm đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đã vượt quá 20%, trong đó chưa kể đến tỷ lệ thất nghiệp của nông dân và dân công. Sau khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát, lượng lớn dân công buộc phải về quê sinh sống, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động.
Gần đây, Tống Hiểu Ngô, cựu chủ tịch Hiệp hội Cải cách hệ thống Kinh tế Trung Quốc, trong một bài viết được đăng tải cho biết, dựa theo số liệu điều tra hộ gia đình của Viện Nghiên cứu Phân bổ Thu nhập thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc có 710 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 6,4 triệu VNĐ).
Trước đó, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 5 năm nay cũng thừa nhận rằng, có 600 triệu người tại Trung Quốc có mức thu nhập hàng tháng dưới 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,2 triệu VNĐ).