Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế Việt, năm 2021 tăng kiểu gì?-

Kinh tế Việt, năm 2021 tăng kiểu gì?-

PGS.TS Phạm Thế Anh đã nói như vậy để nhấn mạnh rằng Chính phủ cần cẩn trọng về mặt tài khóa trong năm 2021.

Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6%. Đây được cho là mục tiêu tương đối khả thi, vì tăng trưởng năm nay được dự báo ở mức rất thấp (2% – 3%).

Tuy vậy, điều hành như thế nào để đạt được mức tăng trưởng 6% trong năm 2021 vẫn đang là một vấn đề để ngỏ.

Để góp một góc tiếp cận, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR):

– Tăng trưởng của Việt Nam trong mấy năm qua đều dựa vào việc “bơm tiền”. Ông có nghĩ năm tới, đây vẫn là phương thức thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Trước hết có thể thấy năm nay tăng trưởng tín dụng giảm khá mạnh, 9 tháng chỉ tăng 6,09%, giảm 3,31 điểm phần trăm so với năm trước (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước), do nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp sụt giảm.

Sự sụt giảm của tăng trưởng tín dụng không tương ứng với sự sụt giảm của tăng trưởng GDP. Cụ thể, tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm giảm hơn 2/3, trong khi tăng trưởng tín dụng giảm 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Điều này có thể là do tín dụng đi vào sản xuất không nhiều như kì vọng của Chính phủ.

Thực tế, chúng tôi đã hơn một lần chỉ ra chính sách tiền tệ sẽ không phát huy tác dụng nhiều trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành (ở Việt Nam hoặc trên thế giới). Nguyên nhân là chịu tác động của dịch bệnh, nhu cầu của nhiều ngành sẽ biến mất, lãi suất thấp cũng không tạo ra động lực để doanh nghiệp vay vốn. Nói một cách hình ảnh thì như chiếc xe bị chết máy, chúng ta có đổ bao nhiêu xăng vào, xe cũng không thể chạy được.

Vì vậy, trong trường hợp dịch bệnh tái phát ở Việt Nam hoặc tiếp tục lan rộng trên thế giới trong năm 2021, hạ lãi suất không còn là phương thức tăng trưởng hiệu quả nữa, ngược lại sẽ làm tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế.

– Vậy còn tăng đầu tư công thì sao? Năm nay, đầu tư công chính là phương thức hỗ trợ tăng trưởng tốt nhất?

Tôi đồng ý rằng việc giải ngân đầu tư công khá tốt đã hỗ trợ cho tăng trưởng GDP năm nay. Tuy nhiên, con số gần 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần/được giải ngân năm 2020 là nhờ sự tích lũy từ các năm trước. Vậy sang năm, chúng ta đào đâu ra con số khổng lồ đó?

Cần thấy rằng thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2020 cao hơn các năm, dao động 5% – 6% GDP, do thu ngân sách giảm 14% – 15% trong khi mức chi ngân sách không giảm tương ứng. Thâm hụt đã lớn, nguồn lực nhà nước lại hạn hẹp thì khả năng hỗ trợ về mặt tài khóa sẽ rất nhỏ nếu bệnh dịch tiếp tục kéo dài sang cả năm 2021.

– Thế nên…?

Thế nên cần có cái nhìn xa hơn, đừng bày vẽ nhiều gói kích thích hỗ trợ không cần thiết nữa. Lúc kinh tế bị phong tỏa, người dân, doanh nghiệp cần được hỗ trợ thì chính quyền làm rất chậm, giờ kinh tế trong nước tạm ổn rồi còn bày ra các gói hỗ trợ khác làm gì.

Hãy làm thật tốt các gói hỗ trợ lần 1 bằng cách xác định đúng trọng tâm, chi tiêu tiết kiệm, hỗ trợ ai thực sự cần thiết. Quan điểm của chúng tôi là Chính phủ hãy hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức.

Bên cạnh đó, Chính phủ hãy hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng như miễn giảm phí công đoàn, lãi vay, tiền thuê đất… Còn tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập nên dẹp bỏ.

Covid-19 vẫn là một ẩn số, đồng nghĩa tương lai của nền kinh tế vẫn còn bất định. Trong lúc chính sách tiền tệ ít phát huy tác dụng, Chính phủ cần thận trọng về tài khóa. Tài khóa đã hạn hẹp thì không thể vung tay quá trán. Vì thế, điều quan trọng là tiết kiệm.

– Ông đã nói về chính sách tài khóa và tiền tệ, về đầu tư công, trong “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng năm nay còn có xuất khẩu và tiêu dùng, liệu hai cửa này có sáng trong năm 2021?

Có thể nói năm nay là một năm hết sức khó khăn nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi dấu ấn nổi bật với thặng dư thương mại cao nhất trong 15 năm qua, đạt 16,52 tỷ USD (kết thúc 9 tháng năm 2020). Chúng ta kì vọng và có cơ sở để tin tưởng xuất khẩu sẽ là một động lực quan trọng của tăng trưởng năm 2021.

Nhưng về tiêu dùng, chúng ta khó có thể kỳ vọng lĩnh vực này có sự gia tăng đột biến trong năm sau khi đại dịch chưa biến mất hoàn toàn. Khi thu nhập sụt giảm và tương lai trở nên bất định hơn, người dân sẽ có xu hướng cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, tiết kiệm nhiều hơn để phòng thủ.

– Ngoài các yếu tố nói trên, ông có nhận thấy một động lực tăng trưởng nào khác của Việt Nam trong năm 2021?

Tôi kỳ vọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ là điểm sáng trong năm 2021, tuy nhiên điều đó phải với điều kiện bệnh dịch trên thế giới nằm trong tầm kiểm soát và các hoạt động giao thương, đầu tư trên thế giới dần trở lại bình thường một cách vững chắc. Điều này thật khó và chúng ta phải chờ đến khi vắc-xin được sử dụng một cách hiệu quả và rộng rãi.

– Ở trên, ông đã đưa ra khuyến nghị cụ thể về chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2021. Ông có muốn bổ sung thêm các khuyến nghị khác?

Nhìn chung chính sách tiền tệ ít phát huy tác dụng trong khi nguồn lực tài khóa là rất hạn hẹp trong điều kiện hiện nay. Tương lai về Covid-19 là rất bất định do vậy chúng ta cần phải tiết kiệm nguồn lực và dự phòng cho kịch bản xấu.

Gói đầu tư công cũng không nhất thiết phải giải ngân hết trong năm nay nếu không đảm bảo về tính thiết thực và hiệu quả. Nền kinh tế sẽ còn cần nhiều nguồn lực này trong năm tới.

Kích thích tài khóa hay tiền tệ đều phải đánh đổi với rủi ro bất ổn vĩ mô. Cải thiện môi trường kinh doanh và giữ ổn định vĩ mô vẫn phải là ưu tiên hàng đầu chứ không phải việc bày vẽ ra các gói hỗ trợ không phù hợp.

RELATED ARTICLES

Tin mới