Friday, November 15, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững doanh nghiệp Việt nào lỗ lớn trong quý 3

Những doanh nghiệp Việt nào lỗ lớn trong quý 3

Nhóm doanh nghiệp vận tải, du lịch vẫn là nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hậu Covid – 19.

Đầu tiên phải kể đến ông lớn ngành hàng không Vietnam Airlines, hiện doanh nghiệp này chưa công bố BCTC quý 3 tuy nhiên tại cuộc gặp mặt báo chí, lãnh đạo doanh nghiệp đã tiết lộ doanh thu 9 tháng của Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, mã CK: HVN) đạt 23.948 tỷ đồng, giảm 58,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng, hãng thực hiện 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hóa. Thị phần của Vietnam Airlines Group là 51,7% hành khách nội địa. Tuy nhiên, doanh thu quý 3 chỉ tăng 4,5% và chi phí tăng 5,9% so với quý II do việc các hãng hàng không dư thừa máy bay, liên tục tăng chuyến khiến giá vé giảm. Vì vậy, 3 hãng bay lỗ hợp nhất 4.187 tỷ đồng và lỗ riêng lẻ của Vietnam Airlines là 3.626 tỷ đồng, tăng lỗ so với 2 quý đầu năm. Lỗ hợp nhất trước thuế 9 tháng là 10.750 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch lỗ năm 2020. Riêng Vietnam Airlines lỗ 8.737 tỷ đồng, bằng 60,3% kế hoạch lỗ 2020.

Năm nay chắc chắn sẽ là một năm đáng quên với Đông Phương và khách sạn Sheraton Đà Nẵng, ảnh hưởng của đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, bao gồm dịch vụ khách sạn – nghỉ dưỡng. Trong quý 3/2020, Đông Phương tiếp tục ghi nhận mức lỗ ròng 87 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Khách sạn Sheraton đóng cửa từ 28/7 đến 8/9, khiến doanh thu giảm 103 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương chỉ còn 7,4%. Trong khi đó, chi phí cố định gần như không đổi, ngoài ra khấu hao và lãi vay cao khiến Đông Phương lỗ nặng. Lũy kế 9 tháng, công ty đem về doanh thu thuần 63 tỷ đồng, giảm 78%; lỗ ròng 233 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm tăng số lỗ lũy kế của Công ty Đông Phương lên 571 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu cũng âm 317 tỷ đồng.

Tiếp đó là khoản lỗ của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – FTM), với doanh thu còn vỏn vẹn chưa đầy 5 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính trong quý gần 22 tỷ đồng, bên cạnh đó, trong quý 3 vừa qua Đức Quân Fortex còn ghi nhận khoản chi phí khác hơn 22 tỷ đồng – là chi phí dừng sản xuất. Kết quả, quý 3 Đức Quân Fortex lỗ 49,3 tỷ đồng, lỗ sâu hơn so với số lỗ 12,3 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3 năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 Đức Quân Fortex đạt 44,6 tỷ đồng doanh thu và ghi lỗ 150,5 tỷ đồng sau thuế.

Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) mặc dù có doanh thu quý 3 tăng 35% so với cùng kỳ nhưng chi phí lãi vay cao do các khoản vay nợ lớn khiến Nhiệt điện Cẩm Phả vẫn lỗ hơn 52,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ hơn 115 tỷ đồng – giảm được một nửa. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 3.098 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ và lỗ hơn 116,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ hơn 79,7 tỷ đồng ghi nhận trong 9 tháng đầu năm ngoái. Số lỗ này góp phần nâng tổng lỗ lũy kế của công ty lên 1.189 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 780 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 1.970 tỷ đồng.

Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS) – chủ sở hữu thương hiệu taxi Vinasun cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 3. Theo đó, doanh thu thuần chỉ đạt 221 tỷ đồng, bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp doanh thu Vinasun đi xuống. Giá vốn bán hàng tiếp tục âm 243 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Đến cuối kỳ, VNS ghi nhận lỗ sau thuế 57 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ quý thứ 3 liên tiếp của hãng taxi này. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của VNS đạt 743 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức âm 185 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi 94 tỷ đồng.

Điện lực Khánh Hòa (KHP) tiếp tục gây thất vọng khi thua lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý 3/2020, cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp. Trong quý 3/2020, KHP ghi nhận doanh thu thuần gần 1,283 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực chi phí vẫn cao khiến KHP lỗ hơn 40 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng gần 87 tỷ đồng). Cộng với 2 quý bết bát đầu năm, doanh nghiệp thủy điện này đã lỗ lũy kế gần 271 tỷ đồng. KHP cho biết do tác động của dịch Covid-19 cùng với chính sách miễn/giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng khiến doanh thu tiền điện 9 tháng đầu năm giảm hơn 539 tỷ đồng so cùng kỳ.Mới đây, quỹ America LLC đã bán bớt cổ phiếu KHP và không còn là cổ đông lớn.

Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với kết quả doanh thu bán hàng giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 45 tỷ đồng. Công ty báo lỗ quý 3/2020 25,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Công ty lỗ 43,2 tỷ đồng. Công ty cho biết, đại dịch Covid-19 khiến một số hãng bay quốc tế dừng bay và các hãng nội địa giảm mạnh số chuyến bay, từ đó kéo giảm sản lượng suất ăn của Công ty.

Quý 3/2020 của Vosco (VOS) ghi nhận doanh thu tiếp tục giảm 12% so với cùng kỳ xuống còn 293 tỷ đồng. Giá vốn lên đến 301 tỷ đồng khiến công ty tiếp tục ghi nhận mức lỗ sau thuế 22 tỷ đồng trong quý 3, giảm so với mức lỗ 73 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vosco đạt 970 tỷ đồng về doanh thu, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 140 tỷ đồng, giảm 5 tỷ đồng so với 9 tháng đầu năm 2019. Theo giải trình từ Vosco, thị trường vận tải biển trong thời gian qua tiếp tục gặp nhiều khó khăn với tác động từ đại dịch COVID-19. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu đang đối mặt với trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ qua, do đó vận tải biển cũng chịu ảnh hưởng nặng nề theo diễn biến chung của nền kinh tế.

Quốc tế Hoàng Gia (RIC) công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với doanh thu thuần lao dốc gần 60% so cùng kỳ, về còn 34 tỷ đồng. Kỳ này RIC kinh doanh dưới giá vốn khi chiếm hơn 38 tỷ đồng khiến lỗ gộp hơn 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gộp 24 tỷ đồng. Mặc dù RIC cố gắng cắt giảm chi phí bán hàng và quản lý lần lượt về còn hơn 3 tỷ và 9 tỷ, nhưng sau cùng công ty vẫn lỗ ròng 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 8 tỷ đồng. Đây là mức lỗ quý thứ 3 liên tiếp trong năm nay của RIC. Theo RIC, doanh thu quý 3/2020 sụt giảm nghiêm trọng do kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi bùng phát từ quý 4/2019 và đến hết quý 3/2020 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. RIC ước tính không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu quý 3/2020 mà cả những tháng tiếp sau đó. Trước tình hình đó RIC buộc phải bố trí nhân viên nghỉ giãn công, tiền tip cho nhân viên giảm, doanh thu đền bù bát đĩa đồ dùng của khách hàng cũng giảm…

Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (HKB) tiếp tục chìm trong thua lỗ, riêng quý 3 do doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến HKB lỗ ròng hơn 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 13 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp HKB chìm trong thua lỗ. Theo giải trình của HKB, Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vốn tín dụng với các ngân hàng nên chưa đáp ứng đủ nguồn vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HKB tăng 91% so cùng kỳ, đạt hơn 2 tỷ đồng, và con số lỗ ròng ghi nhận hơn 49 tỷ đồng. Nâng lỗ lũy kế lên con số 196 tỷ đồng. Trước đó, năm 2017 và 2018 HKB đã lỗ lần lượt 67 và 142 tỷ đồng.

Ngoài ra mặc dù không thua lỗ quá lớn nhưng khoản lỗ của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) vẫn khiến nhà đầu tư bất ngờ, NT2 cho biết nhà máy điện Nhơn Trạch 2 dừng máy để trung tu mở rộng định kỳ tại 75.000 giờ vận hành tương đương đầu tiên (EOH) trong tháng 9/2020. Việc này khiến doanh thu sản xuất điện bị sụt giảm trong khi các chi phí cố định như khấu hao, lãi vay… không biến động nhiều. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 94% còn 3 tỷ đồng do cùng kỳ công ty lãi lớn từ đánh giá lại số dư các khoản vay có gốc ngoại tệ với giá trị 49,6 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 44% lên 48,5 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái gần 21 tỷ đồng. Những nguyên nhân trên khiến NT2 nhận khoản lỗ gần 6 tỷ đồng trong quý 3, quý lỗ đầu tiên kể từ quý 3/2013.

Bên cạnh đó sau 3 quý đầu năm liên tục báo lãi lớn so với cùng kỳ, Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating – PVB) cũng gây bất ngờ khi báo lỗ gần 7,4 tỷ đồng. Trong quý, doanh thu thuần đạt 49,2 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí giá vốn cao hơn cả doanh thu, dẫn đến số lỗ gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận hơn 1,3 tỷ đồng. Trừ thêm các chi phí, thuế các loại, quý 3 PV Coating lỗ hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên 2 quý đầu năm công ty đã lãi hơn 87 tỷ đồng, nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 PV Coating vẫn lãi sau thuế gần 80,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ hơn 39 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, kết quả này vẫn giúp PV Coating duy trì tỷ lệ vượt 65% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Ngoài những khoản lỗ kể trên tính đến thời điểm này có khoảng hơn 60 doanh nghiệp đã báo lỗ trong quý 2 tuy nhiên tình trạng lỗ đã được cải thiện đáng kể so với 2 quý đầu năm theo đó có tới trên 50% các doanh nghiệp báo lỗ dưới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa công bố BCTC quý 3 trong đó có những doanh nghiệp trước đó trong 2 quý đầu năm đã báo lỗ lớn như FLC, Vietravel, ROS, Pomina, Đức Long Gia Lai…

RELATED ARTICLES

Tin mới