Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngBộ Quốc phòng TQ dọa Mỹ: "Đừng càng đi càng xa" ở...

Bộ Quốc phòng TQ dọa Mỹ: “Đừng càng đi càng xa” ở Biển Đông

Trung Quốc dọa: Mỹ đừng càng đi càng xa trên con đường sai lầm, Trung Quốc có đầy đủ sức mạnh và nhiều phương án lựa chọn để chống lại Mỹ ở Biển Đông.

Theo báo chí Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 29 tháng 10 đã trả lời phỏng vấn báo chí về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Báo chí Nhật Bản gần đây cho rằng, Trung Quốc đang đồng thời chế tạo 2 tàu sân bay ở nhà máy đóng tàu Đại Liên và Thượng Hải, trên mạng cũng liên tục có hình ảnh tiến triển chế tạo tàu sân bay nội. Nhưng Dương Vũ Quân cho hay, ông không có bất cứ thông tin gì để cung cấp.

Quan chức cấp cao quân đội đến Đông Nam Á và Nam Á

Dương Vũ Quân cho biết, từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, thượng tướng Thường Vạn Toàn sẽ đến Kuala Lumpur tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ 3 (10+8), đồng thời tiến hành thăm chính thức Malaysia và Campuchia.

Trong thời gian hội nghị này (từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 11), ông Toàn sẽ có bài phát biểu, trình bày về những chủ trương và biện pháp của Trung Quốc trong việc “bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”, tăng cường giao lưu, hợp tác lĩnh vực quốc phòng-an ninh với các nước trong khu vực, giới thiệu “lập trường nguyên tắc” của Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.

Về chương trình hoạt động song phương trong thời gian hội nghị, Trung Quốc đang tiến hành phối hợp với các nước liên quan.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn chuẩn bị đến Đông Nam Á tuyên truyền chủ trương của Trung Quốc về vấn đề an ninh khu vực

Trong thời gian thăm Malaysia và Campuchia, ông Thường Vạn Toàn sẽ gặp gỡ lãnh đạo chính phủ và quân đội hai nước, bàn về quan hệ quân đội, các vấn đề như tình hình an ninh khu vực.

Dương Vũ Quân còn cho biết, căn cứ vào kế hoạch giao lưu đối ngoại của quân đội năm 2015, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, thượng tướng Phạm Trường Long sẽ thăm Pakistan và Ấn Độ vào trung tuần tháng 11 tới.

Chuyến thăm này nhằm thực hiện đồng thuận của các nhà lãnh đạo, tiếp tục tăng cường giao lưu hữu nghị với quân đội hai nước, cùng “bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực”.

Về vấn đề biên giới Trung-Ấn, Dương Vũ Quân cho biết, từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 10 tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức tham vấn về vấn đề biên giới và hội nghị công tác phối hợp.

Hai bên đã nhìn lại tình hình khu vực biên giới hai nước 1 năm qua và tình hình thực hiện các biện pháp tăng cường lòng tin, đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định của khu vực biên giới hai nước.

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long (bên phải) chuẩn bị thăm Pakistan và Ấn Độ

Ngoài ra, theo Dương Vũ Quân, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ theo năng lực cho quân đội hai nước Afghanistan và Pakistan tham gia hoạt động chống động đất, cứu nạn ở nước họ.

Về việc quân đội hai nước Trung-Ấn đã tổ chức diễn tập chống khủng bố liên hợp 5 lần, Dương Vũ Quân cho biết, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc nhất quán phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, nỗ lực tăng cường hợp tác chống khủng bố quốc tế. Quân đội Trung Quốc đảm đương nhiệm vụ chống khủng bố, sẽ căn cứ vào triển khai thống nhất quốc gia, làm tốt công việc liên quan.

Quan hệ Trung-Nhật

Theo bài báo, ngày 19 tháng 10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2015, để ứng phó máy bay Trung Quốc có thể xâm phạm không phận, số lần điều động máy bay chiến đấu khẩn cấp cất cánh của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã lập kỷ lục mới.

Máy bay chiến đấu F-15 ở căn cứ Naha của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản

Tờ “Mainichi Shimbun” Nhật Bản cũng cho biết, Nhật Bản có kế hoạch tăng máy bay chiến đấu F-15 của căn cứ Naha, Okinawa lên 2 phi đội, hiện nay, căn cứ này ở trạng thái hoạt động toàn diện để thực hiện nhiệm vụ cất cánh khẩn cấp ứng phó máy bay quân sự Trung Quốc.

Đối với vấn đề này, Dương Vũ Quân cho rằng, Nhật Bản công bố những số liệu này cho thấy, từ lâu, Nhật Bản đã theo dõi và “gây phiền phức” ở cự ly gần đối với tàu chiến và máy bay Trung Quốc, “đe dọa” an toàn của tàu chiến, máy bay Trung Quốc, dễ dẫn đến những vấn đề an toàn trên biển, trên không giữa Trung-Nhật.

Dương Vũ Quân cho rằng, máy bay quân sự Trung Quốc được hưởng “tự do bay” theo luật pháp ở vùng trời liên quan. Trung Quốc thúc giục Nhật Bản chấm dứt gây các hành vi trở ngại cho “tự do bay của Trung Quốc”.

Biển Đông

Về quan hệ hải quân Trung-Mỹ và vấn đề tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông, Dương Vũ Quân cho rằng, tối ngày 29 tháng 10, Tư lệnh Ngô Thắng Lợi sẽ điện đàm video với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson.

Ngày 29 tháng 10 năm 2015, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ điện đàm

Ngô Thắng Lợi đã bày tỏ lập trường nghiêm túc của Trung Quốc với Mỹ về việc tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển ven đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Đây cũng là lần đầu tiên điện đàm sau khi Bộ Quốc phòng hai nước Trung Quốc và Mỹ ký kết phụ lục bổ sung “Hai cơ chế tin cậy lẫn nhau” vào tháng 9 năm 2015.

Về việc Trung Quốc tuyên bố “sẽ áp dụng tất cả các biện pháp bảo vệ an ninh tự thân”, Dương Vũ Quân dọa: “Quân đội Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia. Quân đội có quyết tâm mạnh mẽ, có sức mạnh đầy đủ, cũng có rất nhiều phương án lựa chọn. Chúng tôi sẽ căn cứ vào nhu cầu, áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, ứng phó các loại mối đe dọa an ninh”.

Về việc báo chí Mỹ cho rằng, tàu khu trục USS Lassen đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông là dựa vào nguyên tắc tự do đi lại của luật pháp quốc tế, Dương Vũ Quân cho rằng, Trung Quốc đã nhiều lần trình bày lập trường về tự do hàng hải.

Dương Vũ Quân nói: Trung Quốc luôn “tôn trọng tự do đi lại và tự do bay của các nước được hưởng theo luật pháp quốc tế, nhưng Trung Quốc phản đối tất cả các nước lấy danh nghĩa tự do hàng hải, làm tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của các nước duyên hải”.

Tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ vừa tiến hành tuần tra trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Theo Dương Vũ Quân, Mỹ đã bất chấp sự phản đối nhiều lần của Trung Quốc, điều tàu khu trục USS Lassen đi vào vùng biển gần đá ngầm ở quần đảo Trường Sa.

Dương Vũ Quân lừa đảo: “Hành vi của Mỹ đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đe dọa an toàn của nhân viên và công trình trên đá ngầm, đe dọa an toàn hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân Trung Quốc, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.

“Đối với hành vi của Mỹ, tàu khu trục tên lửa Lan Châu và tàu tuần tra Đài Châu của Hải quân Trung Quốc dựa vào pháp luật, đã tiến hành theo dõi chặt chẽ và cảnh cáo đối với tàu chiến Mỹ”.

“Quân đội Trung Quốc cũng thông qua nhiều kênh, đã đưa ra giao thiệp nghiêm túc với Mỹ. Người phụ trách Văn phòng đối ngoại Bộ Quốc phòng và tùy viên quân sự quốc phòng Sứ quán Trung Quốc tại Mỹ lần lượt hẹn gặp quan chức Mỹ, yêu cầu Mỹ ngăn chặn sự kiện tương tự tiếp tục xảy ra”.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry B Harris (bên trái)

Có tin cho biết, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris có kế hoạch thăm Trung Quốc 3 ngày kể từ ngày 2 tháng 11 tới, ông sẽ tham quan một số cơ sở quân sự. Ngoài ra, ông cũng sẽ tìm kiếm xây dựng một số cơ chế để tránh hai bên xảy ra tình huống “lau súng cướp cò” (xung đột).

Được biết, Đô đốc Harry Harris cũng đã chỉ huy toàn bộ nhiệm vụ tuần tra Biển Đông lần này.

Về vấn đề này, Dương Vũ Quân cho biết, căn cứ vào kế hoạch giao lưu quân sự Trung-Mỹ năm 2015, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris sẽ thăm Trung Quốc trong năm. Hiện nay, hai bên đang duy trì trao đổi về vấn đề này.

Theo phóng viên, Hải quân Mỹ đã cho biết sẽ điều nhiều tàu chiến hơn đến Biển Đông tiến hành tuần tra tương tự. Dương Vũ Quân cho rằng: “Chúng tôi khuyên Mỹ không nên càng đi càng xa trên con đường sai lầm.

Nhưng, nếu Mỹ cố tình làm theo ý mình, chúng tôi sẽ căn cứ vào nhu cầu, áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết. Quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi luôn vững như bàn thạch”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình

Cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Do đó, mọi hành động (xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa…) của Trung Quốc ở hai quần đảo này đều bất hợp pháp, đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh của ổn định khu vực; chứ đừng nói đến cái gọi là Trung Quốc “bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia” – PV.

Về vấn đề Mỹ điều tàu chiến đến Biển Đông tuần tra, ngày 29 tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, VN tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển.

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)​”.

Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, tiếp tục xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam như xây đảo nhân tạo, quân sự hóa, xây hải đăng v.v…
RELATED ARTICLES

Tin mới