Tuesday, December 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVùng đặc quyền kinh tế trên biển của VN có bao nhiêu...

Vùng đặc quyền kinh tế trên biển của VN có bao nhiêu dầu?

Cập nhật về kết quả khảo sát, thăm dò dầu khí tại các vùng biển ngoài khơi có độ sâu trên 1.000 mét cho thấy:

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xác định rõ hơn tiềm năng dầu khí ở trong nước, với trữ lượng 2P (cấp tương đối chắc chắn) tại chỗ khoảng 4,27 tỷ m3 quy dầu; trữ lượng 2P đã phát hiện khoảng 1,52 tỷ m3 quy dầu (trong đó 784 tỷ m3 khí).

Cụ thể, trong thời gian quan, PVN đã tích cực triển khai thực hiện theo đúng chủ trương Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị định hướng tại Nghị quyết 41 ngày 23/7/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1749/QĐ- TTg ngày 14/10/2015.

Theo đó, PVN đã, đang thực hiện đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở trong nước, nhất là ở những vùng nước sâu, xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, phấn đấu đến năm 2035, cơ bản đánh giá được trữ lượng dầu khí trên toàn thềm lục địa Việt Nam.

Mặt khác, PVN đẩy mạnh công tác tận thăm dò đối với các khu vực đang khai thác nhằm duy trì và gia tăng sản lượng; tích cực nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí than, khí nông, khí đá phiến sét, khí hydrate…) để bổ sung trữ lượng phục vụ khai thác dầu khí.

Kết quả tìm kiếm, thăm dò từ năm 2016 đến nay, PVN đã hoàn thành công tác thu nổ địa chấn 2D thuộc dự án PVN-15 và thu nổ địa chấn 3D theo chương trình công tác hàng năm của các lô hợp đồng dầu khí, góp phần tăng cường sự hiện diện, khẳng định chủ quyền của Việt Nam và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Cụ thể, PVN đã xác định rõ hơn tiềm năng dầu khí ở trong nước, với trữ lượng 2P tại chỗ khoảng 4,27 tỷ m3 quy dầu; trữ lượng 2P đã phát hiện khoảng 1,52 tỷ m3 quy dầu (trong đó 784 tỷ m3 khí).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí của ngành Dầu khí Việt Nam ở những khu vực nước sâu, xa bờ thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể là tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến công tác tìm kiếm, thăm dò và phát triển chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Còn ở khu vực truyền thống, nước nông, khu vực có thể triển khai bình thường, nhưng tiềm năng trữ lượng còn lại không nhiều, cấu tạo nhỏ phức tạp.

Cùng với đó, giá dầu suy giảm kéo dài năm từ 2015 – 2017, tiếp tục suy giảm sâu cùng với đại dịch Covid-19 trong năm 2020 dẫn đến các nhà thầu nước ngoài xem xét lại kế hoạch và quyết định giảm khối lượng giếng khoan thăm dò thẩm lượng ở trong nước, do đó, số lượng giếng khoan thăm dò thẩm lượng 5 năm (2016 – 2020) trung bình đạt 12 giếng/năm, giảm 40% so với 5 năm trước đó (2011 – 2015).

Đặc biệt, nguồn vốn để thực hiện công tác tìm kiếm, thăm dò gặp khó khăn do cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tìm kiếm thăm dò dầu khí đã kiến nghị đề xuất trong dự thảo Quy chế Quản lý tài chính Công ty mẹ – Tập đoàn đến nay vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, Luật Dầu khí và các điều khoản hợp đồng dầu khí hiện hành (ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ- CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ) kém hấp dẫn so với các nước khu vực, không phù hợp với tiềm năng trữ lượng dầu khí hiện tại, nên không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Theo nhìn nhận của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam thì “nút thắt” cơ bản trong phát triển dầu khí của Việt Nam hiện nay liên quan đến đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, Nhà nước cần sớm điều chỉnh đồng bộ các luật chuyên ngành phù hợp với tình hình mới, theo hướng:

Thứ nhất: Luật Dầu khí điều chỉnh toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, đầu tư trong nước, cũng như của nước ngoài, dành ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm tìm kiếm các đối tác chiến lược quốc tế sẵn sàng chia sẻ, hợp tác lâu dài với Dầu khí Việt Nam.

Thứ hai: Các luật khác điều chỉnh sao cho đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí được chủ động, linh hoạt, phản ứng kịp thời với biến động thị trường và điều kiện tài nguyên dầu khí. Cần tách biệt chức năng bảo toàn, phát triển vốn với điều hành sản xuất, kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư vào dầu khí.

Thứ ba: Khung pháp lý cần tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng sản xuất, kinh doanh; tách bạch các trách nhiệm xã hội với nhiệm vụ bảo toàn vốn, phát triển doanh nghiệp cùng với chính sách tài chính, thuế, phí hợp lý.

Thứ tư: Tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có quyền tự chủ cần thiết và có đủ nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và chế biến dầu khí.

RELATED ARTICLES

Tin mới