Sự rút lui của Washington khỏi trật tự toàn cầu, cùng với sự căng thẳng nảy sinh từ sự đối đầu chiến lược Mỹ-Trung, đang tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin mới nhất tại LHQ.
Khi Liên Hợp Quốc (LHQ) kỷ niệm 70 năm thành lập hồi năm 2015, Tổng thư ký khi đó là Ban Ki-moon đã nhấn mạnh rằng: Dù đạt nhiều thành tựu, tổ chức lớn nhất thế giới vẫn còn chứa đựng nhiều bất cập.
Nếu LHQ không phải nơi để các quốc gia trên thế giới ngồi lại và thảo luận về các vấn đề, “Tôi sợ phải nói với bạn rằng thế giới có thể đẫm máu hơn và bi thảm hơn nhiều”, ông Ban Ki-moon phát biểu trong một cuộc họp báo.
LHQ đã và đang đạt được mục tiêu khi thành lập là “gìn giữ cho các thế hệ tránh khỏi mối họa chiến tranh”, và mặc dù có nhiều trục trặc, nhưng tổ chức này vẫn là động lực chính của chủ nghĩa đa phương.
Những người ủng hộ chủ chốt, đặc biệt là thành viên đóng góp lớn nhất là nước Mỹ, đã ủng hộ ý tưởng của LHQ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chúng ta phải đối mặt với câu hỏi về định hướng của cơ quan đa phương lớn nhất thế giới và 15 cơ quan chuyên môn trực thuộc.
Sự rút lui của Washington khỏi trật tự toàn cầu thời hậu chiến do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, cùng với sự căng thẳng trong LHQ nảy sinh từ sự đối đầu chiến lược Mỹ-Trung, đang tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin mới nhất tại tổ chức này.
Mô hình LHQ có còn phù hợp?
Trong cuộc phỏng vấn với SCMP, các cựu quan chức hàng đầu của LHQ và các nhà bình luận đã trích dẫn những yếu tố trên cùng với phản ứng không hiệu quả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc ứng phó đại dịch Covid-19 là những lý do chính khiến họ cảm thấy không an tâm về những gì sẽ xảy ra trong lương lai trong khía cạnh quản trị thế giới.
Hiện nay, tư cách thành viên thường trực và quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) do 5 quốc gia thắng trận sau Thế chiến II nắm giữ. Mười quốc gia khác tại các khu vực khác nhau sẽ luân phiên giữ vị trí không thường trực trong nhiệm kỳ hai năm tại hội đồng.
Nhật Bản và Ấn Độ nằm trong số ít các cường quốc tầm trung đang tìm kiếm sự hiện diện lâu dài trong UNSC, tổ chức đưa ra các quyết định về cấm vận, chiến tranh và hòa bình.
Một sự thay đổi như vậy đòi hỏi sự chấp thuận của không chỉ 5 quốc gia có quyền phủ quyết gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga mà còn phải nhận được sự đồng ý của 2/3 trong số 193 quốc gia thành viên.
Ông Takahiro Shinyo, cựu đại sứ Nhật Bản tại LHQ và Đức, cho biết trong khi LHQ tiếp tục thực hiện các công việc quan trọng trong các lĩnh vực như hỗ trợ nhân đạo và thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu, việc tổ chức bị đề cập tới về những thất bại nhiều hơn những thành công là điều không tránh khỏi.
Trong một bài phát biểu sau đó trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói rõ sự thất vọng của mình, nói rằng “người dân ở Ấn Độ lo ngại liệu quá trình cải cách này có bao giờ đạt được kết quả hợp lý hay không”.
“Một quốc gia sẽ phải chờ bao lâu, đặc biệt là khi những thay đổi to lớn diễn ra ở quốc gia đó ảnh hưởng đến phần lớn thế giới?”
Như một minh chứng cho tình trạng rối loạn, UNSC đã tranh cãi trong nhiều tháng qua về việc ban hành một nghị quyết dựa trên lời kêu gọi của Tổng thư ký Guterres hồi tháng 3 về một “tình trạng tạm dừng nhân đạo lâu dài” trong tất cả các cuộc xung đột vũ trang xảy ra trong thời đại dịch.
Nghị quyết cuối cùng đã được thông qua vào tháng 7 sau nhiều chậm trễ xoay quanh bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ về việc có nên đề cập tới WHO trong đề xuất này hay không khi mà Washington đang có mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt với tổ chức này.
Cuối cùng WHO không được nhắc tới.
Rối loạn trật tự thế giới mới
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP vào tháng 6, Tổng thư ký LHQ hiện tại là ông Antonio Guterres cho biết thành công lớn nhất duy nhất của tổ chức này trong suốt 75 năm tồn tại là tránh được “những cuộc đối đầu lớn” giữa các cường quốc.
Tuy nhiên, LHQ có những điểm hạn chế khó bỏ qua. Theo chính trị gia Ấn Độ Shashi Tharoor, đại dịch COVID đã cho thấy “thế giới của chúng ta đang ngày càng bị tàn phá bởi chủ nghĩa quốc gia và dường như các nước ngày càng không muốn và không thể hợp tác với nhau”.
Ông Tharoor cho biết, nếu việc quản lý toàn cầu hoạt động hiệu quả, thì một hồi chuông báo động về cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đáng nhẽ đã phải vang lên và giúp các nước xác định, cũng như công bố các phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn hoặc hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
“Điều này không xảy ra cho thấy một minh chứng cho sự rối loạn trật tự thế giới mới của chúng ta”, ông Tharoor đánh giá.
Theo các nhà bình luận, ngay cả khi những yếu tố xung quanh cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng chưa từng có tiền lệ dịu xuống, cuộc cạnh tranh siêu cường đang diễn ra khiến cho vai trò bảo đảm và trọng tài cho hòa bình, an ninh quốc tế của LHQ bị suy yếu.
Trong những năm gần đây, 15 cơ quan chuyên môn của LHQ đã nổi lên như một trong những đấu trường của sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, khi cả hai bên đều tìm cách tăng quyền kiểm soát các cơ quan này. Quan chức Trung Quốc hiện đứng đầu bốn trong 15 cơ quan này, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo cựu phó tổng thư ký LHQ Mark Malloch-Brown, với sự phân chia ngày càng tăng, hệ thống LHQ trong những thập kỷ tới có thể giống như những gì diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hơn là “chủ nghĩa đa phương tích cực” đã giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của tổ chức hàng đầu thế giới về an ninh, chính trị và nhân quyền trong những năm 1990.
Tương lai của Liên Hợp Quốc
Shinyo, hiện là giáo sư tại Đại học Kwansei Gakuin, cho biết ông tin rằng “LHQ có tồn tại trong 25 năm tới và đạt được kỷ niệm 100 năm thành lập hay không phụ thuộc vào quá trình cải cách tại UNSC”.
Bà Rebecca Brubaker, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Đại học LHQ, gợi ý rằng các nỗ lực ngoại giao phòng ngừa, được các nước áp dụng nhằm ngăn chặn sự tranh chấp chính trị trở thành xung đột toàn diện – có thể được đẩy mạnh thông qua việc LHQ thành lập nhiều văn phòng chính trị khu vực.
Hiện tại có ba văn phòng có chức năng như vậy tại Trung Phi, Tây Phi và khu vực Sahel, và Trung Á. Trong thập kỷ qua, các nhân viên thực địa của các văn phòng này đã giải quyết các tình huống tranh chấp căng thẳng giữa Gambia và Gabon.
Khi được hỏi các quốc gia nhỏ hơn với nguồn lực hạn chế có thể làm gì để thúc đẩy lợi ích của họ tại LHQ, trong bối cảnh các siêu cường giao kết với nhau và các cường quốc trung gian cũng tham gia vào các cuộc cạnh tranh, các chuyên gia nhấn mạnh rằng số đông sẽ tạo ra sức mạnh.
Đối với tương lai dài hạn của LHQ, các hành động của các quốc gia trong khuôn khổ của LHQ thời hậu đại dịch sẽ giúp chúng ta hình dung về những gì sắp xảy ra.
“Nếu một điều thần kỳ xuất hiện – chỉ có thể là – khi đại dịch hiện tại kết thúc, toàn thế giới tập hợp lại dưới sự bảo trợ của LHQ để xem lại bài học về những gì đã xảy ra và cùng đưa ra quyết định để cải thiện và cải cách triệt để hệ thống, cũng như thể chế quốc tế nhằm ngăn chặn sự tái diễn của dịch bệnh”, ông Tharoor nói.