Với lợi thế về số lượng, tàu Trung Quốc có thể sẽ vây kín và đâm va, cản phá tàu Mỹ thực hiện những chuyến tuần tra tiếp theo ở Trường Sa.
Khi tàu khu trục tên lửa USS Lassen của hải quân Mỹ tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông hồi đầu tuần, chiến hạm này đã tiến vào vùng biển đầy tàu Trung Quốc, nơi Bắc Kinh hoàn toàn chiếm lợi thế về số lượng và khoảng cách, theo Reuters.
Bình luận viên Greg Torode cho rằng dù hải quân Mỹ là lực lượng hiện đại nhất về công nghệ quân sự hiện diện ở châu Á, át chủ bài của Trung Quốc trên Biển Đông chính là sự áp đảo về số lượng, với hàng chục tàu hải quân và hải cảnh thường xuyên xuất hiện trên vùng biển chiến lược này.
Theo các sĩ quan hải quân Mỹ và nhiều nước châu Á, trước đây họ hiếm khi gặp tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng gần đây những cuộc chạm mặt như vậy thường xuyên, ngay cả ở vùng rìa của cái gọi là “đường lưỡi bò” mơ hồ và phi lý mà Trung Quốc đưa ra bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông để đòi chủ quyền.
Những cuộc chạm mặt như vậy sẽ ngày càng tăng lên, khi Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông.
“Tàu Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi, và họ luôn tìm cách cho bạn biết rằng họ đang ở đó”, một sĩ quan hải quân Mỹ giấu tên ở châu Á kể về tàu chiến và tàu hải cảnh Trung Quốc. “Nếu bạn ở Biển Đông, bạn sẽ có nhiều khả năng bị họ bám theo”, ông này nói.
Tàu khu trục tên lửa Lan Châu và tàu hộ tống Đài Châu bám theo và phát tín hiệu cảnh báo khi tàu Lassen thực hiện chuyến tuần tra ở Trường Sa. Các chuyên gia cho rằng về sau này khi các chuyến tuần tra của Mỹ tăng lên, phản ứng của các tàu Trung Quốc có nguy cơ cũng tăng lên.
Phản ứng hiện nay của Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở phản đối ngoại giao và triệu tập đại sứ Mỹ để kháng nghị, và một số quan chức Trung Quốc đã ám chỉ đến khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp để chống lại “hành động khiêu khích” của Mỹ.
Trong trường hợp xung đột nổ ra, lợi thế công nghệ của Mỹ rất quan trọng, nhưng sự áp đảo về số lượng của Trung Quốc là yếu tố cần phải tính đến, đặc biệt là trong các cuộc đụng độ trên biển, các chuyên gia an ninh cảnh báo.
Áp đảo về số lượng
Một nghiên cứu của Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 4 cho thấy hạm đội Nam Hải phụ trách khu vực Biển Đông của hải quân Trung Quốc có tổng cộng 116 tàu chiến, lớn nhất trong số ba hạm đội của Trung Quốc. Trung Quốc còn có hơn 200 tàu hải cảnh trên 500 tấn, trong đó có nhiều chiếc cực lớn trên 1.000 tấn. Đội tàu hải cảnh của Trung Quốc lớn hơn tất cả các tàu chấp pháp khác của các nước có tranh chấp chủ quyền với họ ở châu Á gộp lại.
Hạm đội 7 phụ trách tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương của Mỹ có tổng cộng 55 tàu chiến, trong đó có cụm tàu sân bay chiến đấu USS Ronald Reagan, đóng quân tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản.
Hạm đội 7 của Mỹ có 55 tàu chiến, chưa bằng một nửa số tàu của hạm đội Nam Hải. Ảnh: US Navy |
“Trung Quốc có lợi thế rất lớn. Bất cứ lúc nào họ cũng áp đảo về số lượng, và trong một số hoàn cảnh, số lượng mới là yếu tố quyết định chứ không phải chất lượng”, ông Sam Bateman, cố vấn tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết.
Các quan chức hải quân ở châu Á cho biết sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhờ sự đầu tư mở rộng quy mô của hạm đội Nam Hải và sự hợp nhất nhiều cơ quan hành pháp trên biển trở thành một lực lượng hải cảnh duy nhất.
Các tàu hải cảnh được trang bị vũ khí của Trung Quốc thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra giống như tàu hải quân trên Biển Đông, và những tiến bộ về công nghệ radar của Trung Quốc giúp tàu chiến luôn ở ngay sau những tàu chấp pháp này, các chuyên gia cho hay.
Nhiều quan chức hải quân và chuyên gia phân tích được tiếp cận với ảnh vệ tinh chụp Biển Đông trong hai năm qua đều mô tả rằng các tàu Trung Quốc luôn duy trì sự hiện diện bán thường xuyên tại những khu vực nước này tranh giành chủ quyền với nước khác, như bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines, bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền Việt Nam, hay cụm bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia.
Ông Scott Bentley, nghiên cứu viên tại Học viện Quốc phòng Australia, người từng nghiên cứu về tình hình tại cụm bãi cạn Luconia, cho rằng Trung Quốc đã luân phiên điều động các tàu hải cảnh để duy trì sự hiện diện liên tục tại khu vực này kể từ tháng 1/2013.
“Trung Quốc giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, không chỉ tuyên bố chủ quyền đối với vùng nằm trong ‘đường chín đoạn’ mà còn đang tích cực nỗ lực thực thi tuyên bố đó’, Bentley cho biết.
Nguy cơ đâm va
Ông Bateman và nhiều chuyên gia an ninh khu vực khác tin rằng trong những chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải tới đây, tàu chiến Mỹ rất có thể sẽ bị tàu Trung Quốc vây kín và cản trở quyết liệt.
Một số học giả Trung Quốc cũng đã đề ra chiến thuật cản đường và đâm va để ngăn chặn tàu Mỹ, theo một số thông tin đăng tải trên báo chí nhà nước Trung Quốc.
Tàu hải cảnh Trung Quốc cản đường một tàu tiếp tế của Philippines trên Biển Đông. Ảnh: Bloomberg |
Các quy tắc ứng xử chặt chẽ khi chạm mặt tàu nước ngoài của hải quân Mỹ sẽ khiến tàu chiến nước này không muốn nổ súng khi bị đâm va, cản phá vì lo ngại làm gia tăng căng thẳng, buộc họ phải rút lui và từ bỏ chiến dịch tuần tra, ông Bateman nhận định. Hải quân Mỹ không đưa ra bình luận gìvề nhận định này.
Gần đây, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus đã đặt ưu tiên vào việc tăng số lượng tàu chiến cho hải quân Mỹ. Trong nhiều bài phát biểu, ông đã nhấn mạnh rằng: “Số lượng cũng có chất lượng của nó”.
Hôm thứ năm, các quan chức hải quân Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc họp trực tuyến, trong đó hai bên nhất trí duy trì đối thoại và tuân thủ các quy tắc đã thống nhất để tránh va chạm trên biển.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, và hai nước sẽ tìm mọi cách để tránh những biến cố, đụng độ bất ngờ có thể leo thang thành xung đột tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.