Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamTQ đang chĩa mũi nhọn gây sức ép lên Việt Nam

TQ đang chĩa mũi nhọn gây sức ép lên Việt Nam

Trước những động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông và trong quan hệ với các nước ASEAN gần đây, các nhà quan sát đều cho rằng Trung Quốc đang chĩa mũi nhọn gây sức ép lên Việt Nam nhằm buộc Việt Nam đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh.

1. Trên Biển Đông, Trung Quốc đang lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để củng cố sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, mở rộng các yêu sách của họ vào sâu hơn vùng biển của các nước láng giềng. Đặc biệt, Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động ở Biển Đông nhằm vào Việt Nam. Thời gian qua, Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi tranh chấp chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc và trong Vịnh Bắc Bộ, nơi mà Việt Nam và Trung Quốc đã phân định vùng biển từ năm 2000.

Từ ngày 25 đến 28/7/2020, lực lượng không quân Chiến khu miền Nam, Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự ở Vịnh Bắc Bộ. Từ ngày 25/7 đến 02/8/2020 một cuộc tập trận khác lấy tên “cuộc diễn tập tấn công mục tiêu bắn đạn thật” được Trung Quốc tiến hành ở vùng biển phía Tây bán đảo Lôi Châu, cực Nam tỉnh Quảng Đông, phía Tây hướng vào Vịnh Bắc Bộ và phía Đông hướng ra Biển Đông. Trong cuộc tập trận, lực lượng Hải quân của Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam Trung Quốc bắn đạn thật xuống mục tiêu trên biển. Cùng với các cuộc tập trận, Trung Quốc ngang nhiên điều máy bay tiêm kích – ném bom JH-7 và chiến đấu cơ J-11B đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Từ ngày 12 đến 14/8, Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ. Đây là lần thứ hai Trung Quốc tiến hành tập trận ở vịnh Bắc Bộ trong vòng 2 tuần lễ. Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận trong vịnh Bắc Bộ làm cho tình hình trên biển ngày càng căng thẳng, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang phải tập trung ứng phó với đại dịch.

Đáng chú ý nhất là cuộc tập trận quy mô lớn với khu vực diễn ra tập trận rộng gần 49.000 km2 được Trung Quốc tiến hành ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 24 đến 29/8 và Đông Nam đảo Hải Nam. Đây là lần thứ hai Trung Quốc tổ chức tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trong vòng hai tháng. Trong cuộc tập trận này, Trung Quốc đã bắn hai tên lửa đạn đạo diệt hạm từ tỉnh Thanh Hải và Chiết Giang của Trung Quốc ra vùng biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải có tầm bắn 4.000 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, có thể dùng để tấn công mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Tên lửa DF-21D được phóng từ Chiết Giang có tầm bắn khoảng 1.800 km và truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả phiên bản DF-21D là tên lửa đạn đạo diệt hạm đầu tiên trên thế giới hay “sát thủ diệt tàu sân bay”.

Việc Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo trong cuộc tập trận khiến Washington hết sức bất bình, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ động thái này của Bắc Kinh. Trong tuyên bố được đưa ra, Lầu Năm Góc nhấn mạnh: “Cuộc tập trận quân sự này (của Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa) là hành động mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của CHND Trung Hoa nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á trên Biển Đông”; “các hành động này của Bắc Kinh, bao gồm cả các vụ thử tên lửa, càng gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông”.

Cuối tháng 9/2020, Bắc Kinh tiến hành 5 cuộc tập trận đồng thời trên vùng biển bao quanh Trung Quốc, trong đó có hai cuộc gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Gần đây nhất là cuộc tập trận bắn đạn thật trong vịnh Bắc Bộ từ ngày 21 dến 22/10/2020. Đài CCTV của Trung Quốc ngày 23/10 đưa tin lực lượng không quân, hải quân thuộc Chiến khu miền Nam của Trung Quốc đã bắn hàng chục tên lửa không đối không trong cuộc tập trận ở Vịnh Bắc Bộ trong hai ngày 20 và 21/10. Tài khoản weibo của kênh CCTV Quân sự đăng tải một đoạn clip và cho biết gần 100 phi công đã tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía Tây đảo Hải Nam này.

Trước đó, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam liên tiếp đưa ra hai thông báo cho biết Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ từ ngày 18 đến ngày 21/10 (thông báo ngày 17/10 cho biết cuộc tập trận được tiến hành ở khu vực phía tây Hải Nam từ 18 đến 19/10, trong khi thông báo ngày 19/10 cho biết cuộc tập trận sẽ tiếp tục diễn ra ở cùng khu vực trong ngày 20 và 21/10).

Các nhà quan sát nhận định việc Bắc Kinh dồn dập tiến hành diễn tập quân sự bắn đạn thật ở Vịnh Bắc Bộ và khu vực quần đảo Hoàng Sa (những nơi chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc), kể cả bắn tên lửa đạn đạo là nhằm hù dọa và gây sức ép lên Hà Nội. Cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ diễn ra khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang có mặt tại Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức từ ngày 18 đến 20/10. Nhiều khả năng cuộc tập trận này là cách Trung Quốc bày tỏ thái độ đối với chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản, trong đó bao gồm thỏa thuận về việc xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc thường xuyên cho các tàu hải cảnh, tàu khảo sát, tàu dân quân biển, tàu cá xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ Bắc xuống Nam, có lúc vào cách bờ biển Việt Nam chỉ vài chục hải lý. Mặt khác, các tàu Trung Quốc thường xuyên uy hiếp, đe dọa tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại các vùng biển của Việt Nam, thậm chí đâm chìm hoặc đâm hư hỏng tàu cá Việt Nam.

2. Với các nước ASEAN, Bắc Kinh đang tìm cách phân hóa, chia rẽ các nước nhằm cô lập Việt Nam. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các quan chức ngoại giao, quốc phòng hàng đầu Trung Quốc đã lần lượt thăm 9 nước ASEAN trừ Việt Nam. Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Singapore tháng 8/2020; Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa thăm Brunei, Malaysia, Indonesia và Philippines tháng 9/2020; ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm 5 nước Campuchia, Malaysia, Singapore, Lào và Thái Lan trung tuần tháng 10/2020. Đặc biệt, trung tuần tháng 1/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Myanmar, đây được coi là công du nước ngoài hiếm hoi của ông Tập trong năm 2020.

Một chủ đề quan trọng trọng các chuyến thăm kể trên là Trung Quốc kêu gọi các nước Đông Nam Á không ngả theo Mỹ. Các giới chức lãnh đạo Bắc Kinh đã cáo buộc chiến lược của Mỹ khuấy động một cuộc cạnh tranh địa chính trị tại Biển Đông cũng như ở nhiều nơi khác trong khu vực; hối thúc các nước ASEAN “cảnh giác” với những rủi ro mà chiến lược của Mỹ mang lại.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc không có bất cứ chuyến thăm nào tới Việt Nam ngoại trừ một cuộc gặp ngắn giữa Ngoại trưởng hai nước ở khu vực biên giới nhân kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc hồi cuối tháng 8/2020. Điều đáng nhấn mạnh ở đây Việt Nam lại là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020, đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Giới chức Bắc Kinh luôn bày tỏ ủng hộ Việt Nam hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, song lại không có bất cứ quan chức cao cấp nào của Trung Quốc đến Hà Nội là điều rất không bình thường khiến dư luận hết sức quan tâm.

Với động thái kể trên, nhiều chuyên gia nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi phải chăng Bắc Kinh đang tìm cách “cô lập” Hà Nội về mặt ngoại giao, đồng thời hoài nghi về thiện chí của Bắc Kinh trong việc ủng hộ Việt Nam hoàn thành các trọng trách khu vực và quốc tế trong năm 2020. Thậm chí các ý kiến còn cho rằng Bắc Kinh đang tập trung gây áp lực với Việt Nam để làm giảm uy tín của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.

3. Vì sao Bắc Kinh lại chĩa mũi nhọn sức ép lên Hà Nội vào lúc này, một số nhà quan sát đã đưa ra những phân tích ban đầu:

Một là, Việt Nam là nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc ở Biển Đông, lại là nước có lập trường kiên định nhất, không chịu khuất phục trước áp lực từ Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông. Giới cầm quyền Bắc Kinh cho rằng Việt Nam là nước “cứng đầu, cứng cổ nhất” ở khu vực, nếu ép được Hà Nội đi theo quỹ đạo của Bắc Kinh thì việc các nước khác sẽ đơn giản, do vậy họ tìm cách phân hóa chia rẽ Việt Nam với các nước láng giềng khác, tập trung chĩa mũi nhọn gây sức ép lên Hà Nội.

Hai là, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, Việt Nam vẫn phát huy được vai trò nước chủ nhà các hội nghị ASEAN, tổ chức thành công các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN dưới hình thức trực tuyến mặc dù các múi giờ giữa Hà Nội và các đối tác của ASEAN rất khác nhau. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong việc tạo đồng thuận trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông ở mức độ cao hơn trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Điều này rõ ràng làm giới cầm quyền Bắc Kinh không hải lòng. Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh tập trung các cuộc tập trận và các hoạt động trên biển nhằm vào Việt Nam và phân hóa Việt Nam với các nước khác nhằm chuyển đi thông điệp cảnh cáo, răn đe giới chức ở Hà Nội.

Ba là, trong khi Trung Quốc tìm mọi cách để đẩy Mỹ, Nhật và các nước khác ra khỏi Biển Đông, ra khỏi khu vực thì quan hệ giữa Việt Nam và những nước này lại không ngừng phát triển, đồng thời Việt Nam hoan nghênh sự đóng góp và khuyến khích các nước này phát huy vai trò tích cực đối với khu vực, bao gồm Biển Đông. Trong khi các nước, nhất là Mỹ, Nhật coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam không chỉ ở Biển Đông hay khu vực Đông Nam Á mà còn cả trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì Trung Quốc lại không hài lòng với điều này. Rõ ràng một Việt Nam không làm theo yêu cầu của Bắc Kinh sẽ là “cái gai” trong con mắt của giới cầm quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cách làm nói trên của Bắc Kinh chỉ càng làm cho Hà Nội thấy rõ bản chất bá quyền của Bắc Kinh và đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ, Nhật và các nước khác. Điều này không làm uy tín, vị thế Việt Nam giảm đi mà trái lại các nước lại càng coi trọng Việt Nam hơn. Giới chức Bắc Kinh không thăm Việt Nam thì Thủ tướng mới của Nhật Bản Suga lại chọn Việt Nam là nước thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại bất ngờ thăm chính thức Hà Nội khi chưa lên kế hoạch trước bất chấp đại dịch Covid-19. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ rất tức tối, hằn học trước những chuyến thăm Hà Nội này của lãnh đạo Nhật, Mỹ. Nhưng họ hãy xem lại cách hành xử của mình nếu không sẽ lại càng làm xấu thêm hình ảnh của Bắc Kinh. Những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông cùng với sự khác biệt mà Bắc Kinh thể hiện ra trong cách đối xử với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sẽ chỉ là “gậy ông đập lưng ông” mà thôi.

RELATED ARTICLES

Tin mới