Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLuật hải cảnh TQ gây mối lo ngại lớn ở khu vực

Luật hải cảnh TQ gây mối lo ngại lớn ở khu vực

Giữa lúc thế giới tập trung theo dõi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thì ngày 04/11/2020 Trung Quốc đã công bố dự luật hải cảnh cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ khí với tàu nước ngoài tại những vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc quyền tài phán của họ. Dự luật này đã được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc từ trung tuần tháng 10/2020 và có khả năng sẽ được Quốc hội Trung Quốc thông qua trong tháng 12/2020. 

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc được thành lập từ năm 2013 và đã được đưa vào lực lượng cảnh sát vũ trang và nằm dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương Trung Quốc từ năm 2018. Một số nội dung gây mối lo ngại của dự luật gồm:

Thứ nhất, điều 19 của dự luật trao quyền cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển hoặc đối mặt với nguy cơ sắp bị xâm phạm bất hợp pháp. Dự luật cũng làm rõ những loại vũ khí – cầm tay, trên tàu hoặc trên không – có thể được sử dụng trong các trường hợp khác nhau.

Thứ hai, dự luật cho phép lực lượng hải cảnh đưa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp, cải tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông (trong đó có 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa và các thực thể tại quần đảo Hoàng Sa) vào trong phạm vi bảo vệ của lực lượng này, cho phép họ tham gia thực thi pháp luật trên tất cả các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cả trên không. 

Thứ ba, dự luật cho phép hải cảnh dỡ bỏ các công trình do nước ngoài xây dựng tại những vùng biển thuộc “quyền quản lý” của lực lượng này. Ngoài ra, hải cảnh còn được tịch thu và tiêu hủy tàu nước ngoài nếu họ “xâm phạm trái phép vùng biển” của Trung Quốc.

Như vậy, nhiều khả năng tất cả các tàu chấp pháp và tàu cá của các nước ven Biển Đông khi hoạt động trong yêu sách “đường lưỡi bò” đều nằm trong phạm vi áp dụng điều luật này. Với nội dung cho phép quản lý cả trên không tại các vùng biển thì hải cảnh Trung Quốc sẽ sử dụng các thiết bị không người lái cỡ nhỏ để giám sát hoạt động của các tàu nước ngoài. Một số nguồn tin cho biết dự thảo luật này nhằm cho phép hải cảnh tăng cường sự hiện diện trên các vùng biển, do vậy tới đây lực lượng này sẽ đẩy mạnh hoạt động trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Giới quan sát nhận định dự luật này là bước đi nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hải cảnh và hải quân Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc đang dần dần hợp nhất với hải quân Trung Quốc. Theo quy định trong Luật lực lượng cảnh sát vũ trang sửa đổi thông qua hồi tháng 6/2020, tàu hải cảnh sẽ cùng tàu hải quân tham gia các chiến dịch tác chiến quân sự khi xảy ra chiến sự. Ngay cả trong thời bình, hải cảnh cũng sẽ tham gia huấn luyện, tập trận và cứu hộ, cứu nạn chung với hải quân. Mục đích của Trung Quốc là tạo ra trạng thái sẵn sàng và nhanh chóng chuyển từ việc bảo bệ an ninh trên biển thông thường sang hoạt động quân sự trong thời chiến. Hiện nay, người đứng đầu hải cảnh là một cựu tướng lĩnh hải quân trước đây. 

Đặc biệt, dự thảo luật này sẽ được áp dụng đối với cả các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng, cải tạo trên Biển Đông. Nếu dự thảo luật này được thông qua sẽ đẩy nguy cơ xung đột trên Biển Đông và biển Hoa Đông lên cao vì nó cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng các loại vũ khí trang bị trên tàu để tấn công các tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Dự thảo luật này cũng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên dưới biển và ngành ngư nghiệp Trung Quốc, đồng thời là dấu hiệu báo trước các vụ xâm phạm vùng biển các nước trên Biển Đông do tàu Trung Quốc thực hiện sẽ tăng lên trong thời gian tới đây. 

Mang danh là lực lượng chấp pháp “dân sự”, nhưng hải cảnh được biên chế nhiều tàu cỡ lớn, một số tàu có độ choán nước tương đương tàu khu trục. Tính tới cuối năm 2019, số tàu tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là khoảng 130 chiếc. Nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc còn được trang bị cả pháo cỡ lớn cùng nhiều loại súng máy, pháo cỡ nhỏ, như tàu hải cảnh 3901 có cả pháo cỡ lớn loại 76 mm. Đặc biệt, một số tàu hải cảnh của Trung Quốc còn có nhà chứa, bãi đáp máy bay trực thăng và mang theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm.

Hải cảnh cùng với tàu dân quân về bản chất là lực lượng “quân sự” bán chính thức mà Trung Quốc sử dụng trong các hoạt động gây hấn để củng cố cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền” trên biển. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên có hành vi như một “lực lượng hung thần” chuyên gây rối ở Biển Đông. Năm 2019, tàu hải cảnh 3901 là một trong những tàu liên tục xuất hiện để hộ tống tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 tiến hành các hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam gần 4 tháng liền. Đầu năm nay, 1 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vô cớ đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Có thể thấy đây là diễn biến hết sức đáng lo ngại, có nguy cơ châm ngòi và làm leo thang những vụ va chạm, xung đột ở Biển Đông, nếu hải cảnh Trung Quốc ngang ngược tiến hành các hành động mà họ sẽ được trao quyền, đặc biệt tại các vùng biển Trung Quốc ngụy xưng ở Biển Đông. Dự luật mới của Trung Quốc về lực lượng hải cảnh của nước này có thể dẫn đến các căng thẳng mới, thậm chí có thể xảy ra bạo lực.

Trước động thái mới này của Bắc Kinh nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ hải cảnh Trung Quốc gây đụng độ trên biển. Chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) bình luận trên Twitter: “Nếu đúng, điều này khá đáng lo ngại, sẽ dẫn đến khả năng bạo lực gia tăng ở các vùng biển tranh chấp”.

Ông Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore nhận định “Giờ đây, Trung Quốc tiếp tục sửa luật để cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực trên biển. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang muốn tiến thêm một bước trong việc sử dụng “cơ bắp” để đảm bảo điều mà họ xem là “lợi ích” của Trung Quốc”; “xét trong bối cảnh hiện tại ở Biển Đông và biển Hoa Đông, diễn biến vừa nêu có khả năng gây mất ổn định. Thêm vào đó, khi Bắc Kinh vẫn phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đối với Biển Đông thì việc trao thêm quyền cho hải cảnh Trung Quốc như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Truyền thông quốc tế cũng đã vào cuộc phê phán dự luật hải cảnh mới của Trung Quốc, lên án động thái này có thể “châm ngòi” cho các cuộc xung đột trên biển. Truyền thông Nhật Bản nhận định đây là bước đi nguy hiểm và đe dọa trực tiếp tới an ninh chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản cũng như một số quốc gia láng giềng khác với Trung Quốc. Tờ Japan Times của Nhật Bản hôm 5/11 cảnh báo dự luật này là cách để Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nhằm vào các tàu Nhật Bản đang di chuyển quanh quần đảo Senkaku.

Truyền thông và giới học giả Trung Quốc ra sức ngụy biện cho dự thảo luật hải cảnh mới sắp được thông qua. Tờ Hoàn Cầu thời báo, trực thuộc Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc có bài viết chỉ trích phương tiện truyền thông nước ngoài thổi phồng dự thảo luật hải cảnh của Trung Quốc; cáo buộc truyền thông nước ngoài đang tạo ra rắc rối và đưa ra những tiêu chuẩn kép; biện bạch rằng điều mà dự thảo luật mới của Trung Quốc đề cập cũng tương tự những gì lực lượng tuần duyên Mỹ và Nhật Bản được phép làm: cho rằng phương Tây đang cố tình thổi phồng thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” khi đề cập tới nội dung sử dụng vũ lực trong dự thảo luật mới của Trung Quốc

Ông Điền Sĩ Thần, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quan điểm quốc gia Trung Quốc nói với tờ Hoàn Cầu thời báo rằng mọi quốc gia đều có quyền thực thi pháp luật trong các vùng biển và vùng trời thuộc quyền tài phán của mình, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực, miễn là việc thực thi quyền lực này nằm trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế, hoặc không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế mà quốc gia đó đảm nhận.

Đúng là luật pháp quốc tế không cấm quyền tự vệ chính đáng của mỗi quốc gia khi chủ quyền bị xâm phạm. Nhưng đó là đối với những vùng đất, vùng biển, vùng trời được xác định thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế của quốc gia đó. Còn với Trung Quốc, họ yêu sách đến 80% diện tích Biển Đông trong phạm vi “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông hoàn toàn bác bỏ. Do vậy, Bắc Kinh không thể tự cho mình cái quyền nổ súng trong những vùng biển không thuộc về họ.

Dự luật mô tả các quy tắc mới được áp dụng cho vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, nhưng như cách hành xử lâu nay, Bắc Kinh né tránh mô tả chi tiết các vùng biển nào. Nói cách khác, từ đó, các “tàu chấp pháp” của Trung Quốc sẽ được sử dụng vũ khí ở bất cứ khu vực nào mà họ tự nhận là của mình, vào bất cứ lúc nào mà họ cho là cần thiết, như ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, rồi sau đó lại tự biện minh để hợp thức hóa hành động.

Giới quan sát cho rằng dự thảo mới của Trung Quốc về việc tăng quyền cho hải cảnh nước này sẽ làm tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bằng cách vũ trang cho tàu hải cảnh và cho phép sử dụng vũ lực, Bắc Kinh đang gia tăng thách thức đối với các bên khác trong vùng biển tranh chấp liên quan Trung Quốc. Theo thông lệ bình thường, tàu hải cảnh, tuần duyên phi vũ trang sẽ giải quyết các vấn đề liên quan các tàu phi vũ trang. Dự luật mới mà Bắc Kinh đặt ra sẽ thay đổi thông lệ đó và mở đường quân sự hóa tất cả các tàu hải cảnh, tuần duyên.

Giới chức một số nước trong khu vực đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về dự luật nguy hiểm này. Ngày 05/11, trả lời câu hỏi phóng viên tại cuộc họp báo, Hà Nội khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông. Tiếp theo sau Việt Nam hôm 10/11, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh Indonesia tôn trọng quyền của các quốc gia khác trong việc áp dụng luật trong nước; hy vọng dự luật của Trung Quốc sẽ không gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Những động thái của Trung Quốc khiến Chính phủ Nhật Bản hết sức lo ngại. Ngay sau khi có thông tin này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nhấn mạnh Tokyo sẽ nỗ lực hết sức để tiến hành các hoạt động cảnh báo và giám sát trên các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, ứng phó với các động thái của Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết, mặt khác sẽ tiếp tục phối hợp giữa các bộ ngành để thu thập thông tin về vụ việc này.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, khi chưa được “bảo kê” quyền nổ súng mà các tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoành hành khiêu khích, gây hấn với các nước láng giềng thì nếu dự luật mới có hiệu lực, nguy cơ đặt ra là hải cảnh Trung Quốc có thể dùng vũ khí tấn công tàu bè các nước, bao gồm tàu cá và tàu vận tải hoạt động hợp pháp ở Biển Đông, đe dọa tự do hàng hải và hoạt động nghề cá bình thường ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới