Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam và áp lực nợ công

Việt Nam và áp lực nợ công

Những năm gần đây, nợ công của VN liên tục gia tăng để bù đắp cho thâm hụt ngân sách. 10 năm trước, nợ công chỉ 22,3 tỉ USD, bình quân 268 USD mỗi người, thì trong một thập niên tổng nợ đã tăng hơn gấp 4.

Hết năm nay dự kiến nợ công khoảng 61,3% GDP, cuối năm 2016 ước khoảng 63,2% GDP. Dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Trong 5 năm tới, dự kiến VN phải vay trên 3 triệu tỉ đồng để bù vào bội chi và nợ gốc đến hạn.
Vấn đề đáng lưu ý là tỷ lệ nợ công của VN theo cách tính hiện nay thực chất mới là nợ Chính phủ. Trong khi đó, theo luật Quản lý nợ công, phạm vi tính nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, nợ công “vẫn trong tầm kiểm soát”, nhưng cuối tháng 9.2015, báo cáo của một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư tính toán nợ công của VN hiện ở mức cao hơn, và còn cao hơn nữa nếu tính tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước. Bởi một số liệu cho thấy, nợ của khu vực này lên tới 1,6 triệu tỉ đồng, theo Bộ Tài chính, cũng không được tính vào nợ công. Với thực trạng nợ công như vậy, không chỉ là vấn đề đáng lo ngại của tương lai, mà hiện hữu trước mắt.
Thâm hụt ngân sách cao đi kèm với nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh là nguyên nhân chính, khiến Chính phủ đang phải thực hiện hàng loạt chương trình phát hành trái phiếu, cả trong nước lẫn quốc tế, để đảo nợ. Và thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Trong 2 năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
Về góc độ này thì nợ công là đáng lo, khi ngân sách nhà nước dùng tới gần 3/4 để chi thường xuyên, tức chi ăn cho bộ máy; và trên 1/4 còn lại là chi cho đầu tư phát triển và chi trả nợ. Có nghĩa là chi đầu tư phát triển – nguồn nuôi dưỡng chính để trả lại nợ là không được đảm bảo. Vì không có tăng trưởng kinh tế, kéo theo khả năng trả nợ cũng bị thu hẹp. Đó cũng là nguyên nhân của sự vỡ nợ ở Hy Lạp, vì nước này không có khả năng trả nợ do không tăng trưởng kinh tế.
Giải pháp nào để giữ nợ công được an toàn? Chúng ta phải thực thi kỷ luật tài khóa một cách nghiêm minh, giám sát chặt chẽ các khoản chi từ trung ương cho đến địa phương, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả ngay từ khâu kiểm tra, đánh giá dự án. Tỷ trọng chi thường xuyên/chi đầu tư phải được điều tiết giảm về mức phù hợp, trong đó cần tinh gọn bộ máy hành chính trên cơ sở có lộ trình từ các biện pháp tiết kiệm đến tinh giản biên chế.
Điều quan trọng nhất là xây dựng chương trình cải cách chi tiêu công toàn diện nghiêm túc cần phải được nghiên cứu và thực hiện, bao gồm các nội dung từ việc xây dựng các quy tắc chi tiêu, cơ chế phân bổ và phân cấp chi tiêu, phân loại chi tiêu, xác định phạm vi tài trợ của ngân sách. Trong thời đại hội nhập thì minh bạch luôn là một đòi hỏi lớn. Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp là do chính phủ không minh bạch các số liệu, cố gắng vẽ nên bức tranh sáng, màu hồng về tình trạng ngân sách.
RELATED ARTICLES

Tin mới