Saturday, November 16, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐại gia Thái tiếp tục thâu tóm doanh nghiệp Việt

Đại gia Thái tiếp tục thâu tóm doanh nghiệp Việt

Số cổ phần SVI mà TCG Solution muốn mua chiếm 94,11% tổng số cổ phiếu có quyển biểu quyết đang lưu hành của Bao bì Biên Hòa.

Bao bì Biên Hòa về tay người Thái

TCG Solutions Pte.Ltd vừa thông báo đăng ký mua hơn 12 triệu cổ phiếu SVI của CTCP Bao bì Biên Hòa. Giao dịch dự kiến thực hiện thông qua hệ thống chuyển quyền sở hữu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam từ 16/12 đến 31/12/2020.

Số cổ phần SVI mà TCG Solution muốn mua chiếm 94,11% tổng số cổ phiếu có quyển biểu quyết đang lưu hành của Bao bì Biên Hòa. Hiện tại TCG không sở hữu cổ phiếu SVI nào.

Trước đó Nghị quyết mới nhất của Bao bì Biên Hòa cho thấy HĐQT cùng ban giám đốc cũ đã đồng loạt từ nhiệm. Ban Kiểm soát cũng thông qua đơn từ nhiệm của bà Đỗ Thị Ngọc Hạnh, bà Nguyễn Thị Hồng Phúc và bà Nguyễn Phương Thảo.

Thay thế là nhóm người mới thuộc nhà đầu tư mới, trong đó, ông Ekarach Sinnarong sẽ làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật nhiệm kỳ 2020-2023.

Về mối liên quan, ông Suchai Korprasertsri, người Thái Lan, Chủ tịch HĐQT của Bao bì Biên Hòa hiện tại cũng là Giám đốc của TCG Solutions và là Giám đốc điều hành của Thai Conteiners Group Co.,Ltd.

Giá trị thương vụ chưa được công bố. Còn trên thị trường cổ phiếu SVI đang giao dịch quanh mức 76.500 đồng/cổ phiếu.

SOVI là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì thành lập năm 1968. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp là 128 tỷ đồng. Năm 2019, SOVI đạt doanh thu 1.700 tỷ và lợi nhuận 141 tỷ đồng.. Tổng tài sản của doanh nghiệp đến cuối tháng 9 là 1.056 tỷ. Vốn hóa doanh nghiệp hiện hơn 1.000 tỷ đồng.

Còn tập đoàn SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992. Hiện SCG có hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm hóa dầu, bao bì và xi măng – vật liệu xây dựng. SCG trước đó đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại các doanh nghiệp Việt như Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh, Prime Group.

Dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tập đoàn Thái Lan sở hữu 100% vốn siêu dự án này.

Những năm gần đây, người  Thái đẩy mạnh thâu tóm nhiều doanh nghiệp Việt và đích ngắm của các nhà đầu tư là các công ty đầu ngành trong các lĩnh vực tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, người Thái đang nắm trên 50% thị trường Việt, thông qua việc mua lại nhiều thương hiệu bán lẻ đầu ngành. Chẳng hạn như Central Group chi 1,14 tỷ USD mua lại Big C Việt Nam vào tháng 4/2016.  Đầu năm 2015, Central Group cũng chi hơn 200 triệu USD mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Ngoài Central Group, thị trường bán lẻ của Việt Nam còn bị thâu tóm bởi tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) – một đơn vị thuộc TCC Holdings – của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Năm 2013, BJC đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart.

Cũng trong năm 2013, BJC thâu tóm 65% cổ phần của Phú Thái Group – doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại khu vực phía Bắc. Giữa năm 2014, BJC tiếp tục mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro (khoảng 880 triệu USD).

Ngoài việc thâu tóm thị trường bán lẻ – ngành hàng được đánh giá là đầu ra cho tất cả các nhà sản xuất, người Thái cũng thâu tóm rất nhiều đơn vị sản xuất tại Việt Nam.

Thương vụ đình đám nhất cho đến thời điểm hiện nay là thương vụ tỷ phú Charoen chi gần 5 tỷ USD để mua lại 53,59% vốn tại Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vào cuối năm 2017. Sabeco là doanh nghiệp chiếm gần 41% thị phần tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, C.P Vietnam, thuộc Tập đoàn C.P Group của gia đình tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont hiện đang là “vua” trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam với doanh số hơn 2,6 tỷ USD. Hiện C.P Việt Nam đang hoàn thiện mô hình ngành thực phẩm khép kín của mình bao gồm chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thủy sản.

Ngoài ra, người Thái cũng nhòm ngó nhiều lĩnh vực khác như thông qua Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL), ông Charoen mua lại 70% vốn của Công ty cổ phần phát triển nhà GHomes – công ty thành viên của An Dương Thảo Điền (HAR) năm 2016.

Hay TCC Holding cũng đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM), đơn vị nắm hơn 50% thị phần sữa tại Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới