Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCác đập TQ trên sông Mê Kông ẩn chứa những bí mật...

Các đập TQ trên sông Mê Kông ẩn chứa những bí mật gì?

Sáng 16.12, Trung tâm Stimson của Mỹ và các đối tác chính thức khởi động công cụ Theo dõi đập trên sông Mê Kông (MDM), mang đến bức tranh toàn cảnh về hoạt động của mạng lưới đập Trung Quốc trên con sông chiến lược.

 
Sự kiện công bố trực tuyến có sự góp mặt của Giám đốc Brian Eyler thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington D.C, và Chủ tịch Alan Basist thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn Eyes on Earth (Mỹ).
Các diễn giả tham gia thảo luận bao gồm Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell; Tiến sĩ Somkiat Prajamwong, Tổng thư ký Văn phòng các nguồn tài nguyên nước quốc gia Thái Lan; Đại sứ Phạm Quang Vinh, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ; Đại sứ Pou Sothirak, giám đốc điều hành Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia; ông Niwat Roykaew của Hội đồng người dân Mê Kông; Tiến sĩ Pon Souvannaseng, trợ lý giáo sư của Đại học Bentley (Mỹ).
Lần đầu tiên, với MDM, các nhà hoạch định chính sách và công chúng (bao gồm giới nghiên cứu và các nhà hoạt động môi trường) có được công cụ mang đến bức tranh đầy đủ hơn về cách thức các con đập trên sông Mê Kông, cụ thể là 11 đập thủy điện Trung Quốc, và vấn đề môi trường đang tác động đến lưu lượng nước cũng như hệ sinh thái trên sông Mê Kông.
MDM sử dụng các công cụ cảm biến từ xa, hình ảnh chụp từ vệ tinh và công cụ phân tích gọi là “Hệ thống Thông tin địa lý” (GIS) để cung cấp một nền tảng trực tuyến cho phép theo dõi, nắm bắt và tải dữ liệu ở mức độ chưa từng có về những diễn biến trên con sông đóng vai trò then chốt của khu vực.
Công cụ mới cũng hứa hẹn cung cấp những dữ liệu chưa từng được giới hữu trách tiết lộ trước đây, chẳng hạn như tình trạng trữ nước, xả nước ở các bể chứa khổng lồ của mạng lưới đập ở thượng nguồn, bao gồm đập Tiểu Loan và đập Nọa Trát Độ (Trung Quốc).
Một báo cáo trước đó của công ty Eyes on Earth phát hiện 11 đập thủy điện của Trung Quốc từ tháng 5-10.2019 đã giữ nước ở mức cao hơn bình thường vào thời điểm mực nước ở hạ nguồn Mê Kông rút xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm.
“Điều này cho thấy các đập của Trung Quốc đã giữ nước làm cho tình trạng hạn hán ở hạ lưu nghiêm trọng hơn”, theo ông Alan Basist.
Và dựa vào MDM, các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu có thể nắm được những bằng chứng trực tiếp để rút ra các kết luận mà Trung Quốc khó chối bỏ.
Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell tuyên bố “kỷ nguyên che đậy đã kết thúc”, và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia khu vực để đảm bảo sự minh bạch trong việc sử dụng sông Mê Kông vì lợi ích cho tất cả các bên.
Về phần mình, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng MDM sẽ mang đến các chứng cứ rõ ràng để phản bác hiệu quả “các tuyên bố không chính xác” về những vấn đề gây ra tình trạng hạn hán và lụt lội kỷ lục trong thời gian qua ở hạ nguồn sông Mê Kông.
RELATED ARTICLES

Tin mới