Theo truyền thông Trung Quốc, chiều ngày 21/12 tại Bắc Kinh, Viện Khoa học Xã hội đã tổ chức buổi phát hành “Sách Xanh Xã hội” năm 2021 và báo cáo tình hình xã hội Trung Quốc.
Xã hội già hóa dân số ở Trung Quốc đã bắt đầu…..
“Sách Xanh” chỉ ra rằng trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, hầu như tất cả dữ liệu điều tra lấy mẫu quy mô lớn đều cho thấy mức độ sẵn sàng sinh con của xã hội Trung Quốc còn thấp, chính quyền cần điều chỉnh chính sách dân số nhiều hơn và tự do hóa hơn nữa trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) sắp tới.
Viện Khoa học Xã hội kêu gọi nhà chức trách nới lỏng các hạn chế sinh đẻ, xây dựng các chính sách xã hội có tác dụng khuyến khích, động viên sinh đẻ, đồng thời giảm thiểu chi phí sinh đẻ, nuôi dạy con cái cho các gia đình, từng bước xây dựng hệ thống chính sách và môi trường xã hội thân thiện với sinh đẻ.
Theo Sound of Hope, vào tháng 10 năm nay, trong một bản báo cáo được Viện Nghiên cứu Hằng Đại Trung Quốc đưa ra cho thấy, mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chính sách “hai con toàn diện” từ năm 2016, nhưng với sự tăng giá nhanh chóng của nhà ở, chi phí chăm sóc y tế và giáo dục, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã liên tục giảm trong hai năm qua. Năm 2019, tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ là 10,48 ‰, tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1949 đến nay.
Báo cáo phỏng đoán, trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2025, Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng dân số âm. Năm 2022, tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 15% tổng dân số, điều này có nghĩa là Trung Quốc đã bước vào xã hội già hóa dân số.
Báo cáo đặc biệt chỉ ra rằng tỷ lệ người cao tuổi ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đạt 12,6%, nhưng GDP bình quân đầu người của họ là hơn 24.000 đô-la Mỹ; trong khi GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 10.000 đô-la Mỹ. Nếu không thay đổi được chiều hướng dân số tăng trưởng âm, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan “chưa giàu đã già”.
Ông Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian), chuyên gia về các vấn đề dân số Trung Quốc, từng chỉ ra với Đài Á Châu Tự do rằng, trên thực tế, dân số Trung Quốc đã tăng trưởng âm, dữ liệu dân số chính thức bị làm sai lệch và nhiều quyết định chính được đưa ra đều là dựa trên dữ liệu sai lệch.
Ông Dịch cho rằng Trung Quốc vốn dĩ nên dừng chính sách kế hoạch hóa gia đình sau năm 1990. Vấn đề giảm tỷ lệ sinh hiện là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia không thể xoay chuyển. Kế hoạch hóa gia đình cần bị gỡ bỏ ngay lập tức, dù có như vậy cũng phải mất ít nhất hơn mười năm nữa mới có thể xoa dịu tình hình.
Ông Châu Hiếu Chính (Zhou Xiaozheng), giáo sư đã nghỉ hưu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, cũng từng nói với Đài Á Châu Tự do rằng các chính sách sai lầm của ĐCSTQ đã gây ra các vấn đề dân số như hiện nay.
Từ năm 1980, ĐCSTQ đã chủ trương các cặp vợ chồng trên khắp cả nước chỉ nên sinh một con, đến năm 1982, chính sách “kế hoạch hóa gia đình” ra đời như một quốc sách cơ bản của Trung Quốc. Chính sách này không chỉ gây ra các vấn đề về cơ cấu dân số hiện nay, mà còn bởi nhà cầm quyền đã sử dụng những biện pháp vô cùng tàn bạo và dã man trong quá trình thực hiện chính sách này, gây nên lượng lớn thảm kịch của nhân gian.
Có học giả ước tính rằng ít nhất 400 triệu trẻ sơ sinh đã không thể chào đời do chính sách cưỡng ép phá thai của nhà cầm quyền, nhiều phụ nữ đã tử vong hoặc để lại di chứng do bị cưỡng ép phá thai một cách thô bạo.