Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”!

“Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”!

Trong khi một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ xuất hiện gần khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi đang có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan, chỉ có Bắc Kinh lên tiếng phản đối ồi ồi. Trái lại Hà Nội và Đài Bắc vẫn im hơi lặng tiếng.

Sự trái khoáy là chỗ đó. Trường Sa từ ngàn đời nay là của Việt Nam. Năm 1988 lính hải quân Trung Quốc bất ngờ đánh úp, cướp được bảy hòn đảo ở đây, trong đó có Gạc Ma, Ga Ven, Chữ Thập, Châu Viên… Trong khi Việt Nam chưa đuổi được lũ cướp biển ra khỏi đây thì Trung Quốc liên tục có những hành động quân sự hóa, xây dựng sân bay, nhà kho và nhiều cơ sở quân sự, dân sự khác. Đặc biệt, năm nào khi Mỹ cho tàu ngang qua khu vực này để thực hiện hoạt động tự do hàng hải cũng bị Trung Quốc la ó.

Hôm 22/12 , tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain (DDG-56)  của Mỹ đã di chuyển ngang qua khu vực Trường Sa. Hoạt động này diễn ra sau khi quân đội Mỹ cảnh báo trong một tài liệu công bố tuần trước rằng Mỹ sẽ “quyết đoán hơn” để chống lại các hành động ngang ngược của Bắc Kinh.   

Thông cáo báo chí của hải quân Mỹ cho biết: “Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở, và cơ hội tự do kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông”.

Trở lại sự phản đối dữ dội của chính quyền Bắc Kinh. Trong một tuyên bố hôm 22/12, ông Điền Quân Lý, phát ngôn viên của Chiến khu Nam Bộ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng: “Tàu khu trục USS John S. McCain đã đi gần quần đảo quần đảo Nam Sa. Trung Quốc kiên quyết phản đối loại hành vi này của Mỹ. Washington làm tổn hại đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đồng thời phá vỡ nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Đại diện Chiến khu Nam Bộ cho hay, tàu khu trục Mỹ đã “bị xua đuổi” sau khi bị quân đội Trung Quốc cảnh báo.

Đáp lại, Mỹ đã lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc và không quên nhắc nhở cả Đài Loan và Việt Nam. Hải quân Mỹ cho rằng, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, “các tàu của mọi quốc gia – bao gồm tàu chiến – được hưởng quyền đi lại qua vùng lãnh hải này”.

Mỹ kiên định quan điểm: Bác bỏ các quy định bất hợp pháp do Trung Quốc tự ý áp đặt.

Trước đó, tàu chiến USS Montgomery (LCS-8) hồi tháng 1/2020 đã “thực hiện hoạt động tự do hàng hải” đầu tiên của năm khi đi qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa. Tháng 11, tàu McCain cũng “thực hiện tự do hàng hải” ở vùng biển gần Vịnh Peter Đại đế, một vùng vịnh ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Nga trên Biển Nhật Bản.

Chưa thấy Việt Nam và Đài Loan có phản ứng gì. Cũng không thấy Bắc Kinh kéo Hà Nội vào cuộc. Không dám “kéo” bởi chính Bắc Kinh cũng là kẻ đi xâm lược. Giờ có kẻ mượn danh nghĩa tuần tra bảo đảm tự do hàng hải với những mưu đồ lớn hơn nhiều, Bắc Kinh như kẻ “há miệng mắc quai”.

Thành thử khi tàu chiến Mỹ di chuyển gần các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở đá Ga Ven và đá Gạc Ma (Trường Sa) đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, Bắc Kinh đành phải giở bài cũ “phản đối đanh thép”. Nhưng đơn vị đứng ra phản đối chỉ là cấp… Chiến khu Nam Bộ.

Và rồi, như một câu ngạn ngữ, nguyên thủy là của người Tây Ban Nha “chó cứ sủa, lữ hành cứ đi”, Mỹ cứ xua tàu lớn ra biển, Trung Quốc cứ la lối, bởi bây giờ không phải là lúc “im lặng chờ thời”. Chẳng hiểu nó là hành động gì nữa, ngoại giao hay quân sự?

Trong khi Mỹ còn đang mải “cãi nhau” với Trung Quốc quanh khu vực Trường Sa,  thì ở một nơi nào đó, chiến dịch “tằm ăn dâu” vẫn rào rào trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới