Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa gây áp lực và yêu cầu chính phủ Tổng thống Joe Biden phải có biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn sau khi Trung Quốc cấm vận 28 cựu quan chức trong chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20.1 tuyên bố áp đặt lệnh cấm vận đối với 28 cựu quan chức dưới thời ông Trump của đảng Cộng hòa, bao gồm cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, với lý do họ đưa ra những chính sách “điên rồ” chống lại lợi ích của Trung Quốc, theo Reuters.
Ngoài ông Pompeo, danh sách cấm vận của Trung Quốc bao gồm cựu cố vấn thương mại Peter Navarro, cựu cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và cựu bộ trưởng y tế Alex Azar.
Trên Twitter ngày 21.1, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Jim Risch cho rằng Bắc Kinh “đang thách thức quyết tâm của tân chính phủ trong việc duy trì chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”. “Cùng nhau, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ phải cho Bắc Kinh thấy rằng chúng ta sẽ không nản lòng trong việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ”, ông Risch nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Michael McCaul, nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết lệnh cấm vận là “nỗ lực trơ trẽn và vô căn cứ để bịt miệng và đe dọa” các quan chức đã vạch trần những hành vi cưỡng bức, vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.
Theo lệnh cấm vận, 28 cựu quan chức Mỹ cùng người thân gia đình sẽ bị cấm nhập cảnh Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau. Những công ty, tổ chức liên quan đến 28 người này cũng bị cấm làm ăn với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích các cựu quan chức này có những hành động, chính sách “điên rồ” nhằm can dự vấn đề nội bộ, làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hai nước.
Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm vận ngày vào ngày ông Biden nhậm chức 20.1. Trước đó, trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, chính phủ ông Trump đẩy mạnh chính sách cứng rắn chống lại Trung Quốc trong nhiều vấn đề, bao gồm thương mại, an ninh, công nghệ, nguồn gốc của virus gây Covid-19 và nhân quyền.
Vào ngày 21.1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne chỉ trích lệnh cấm vận của Trung Quốc là vô ích và nhằm gây chia rẻ giữa các đảng chính trị ở Mỹ, nhưng chưa đưa ra biện pháp đáp trả cụ thể.
Dù vậy, chính phủ ông Biden được cho là sẽ giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, theo Reuters. Trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày 20.1, ứng cử viên của Tổng thống Biden cho vị trí ngoại trưởng, ông Antony Blinken cho biết dù không đồng tình hoàn toàn nhưng ông tin rằng Tổng thống Trump đã đúng khi áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Ông Blinken lưu ý Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất đối với Mỹ và tin rằng có một nền tảng rất vững chắc để xây dựng chính sách lưỡng đảng nhằm chống lại Bắc Kinh.