Mỹ dành riêng hơn 80 triệu USD cho các hoạt động thông tin truyền thông chống Nga, điển hình như đăng tải các thông tin sai lệch, kích động…
Sở trường
Ngày 4/11, tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu-Á Benjamin Ziff cho biết trong tương lai gần, Washington sẽ gia tăng các chi phí hoạt động thông tin tuyên truyền chống Nga.
Theo ông Ziff, trong tài khóa 2016, Washington sẽ dành 83 triệu USD, tăng khoảng 26% so với năm 2015, cho mục tiêu củng cố xã hội dân sự và hỗ trợ các phương tiện truyền thông trong khu vực.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng đích thân Tổng thống Barack Obama đã chỉ thị dành số tiền như vậy từ ngân sách vào mục đích tuyên truyền chống Nga.
Thời gian qua, truyền thông Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đã sử dụng tất cả các kênh có thể nhằm hạ thấp uy tín của Nga liên quan tới chiến dịch không kích IS ở Syria.
Chiêu thức thường xuyên được sử dụng là dẫn các nguồn tin “giấu tên” khoặc không thể kiểm chứng tố cáo Nga ném bom vào phe đối lập mà Mỹ gọi là “ôn hòa”, gây thương vong cho dân thường, khiến người dân Syria phải đi tị nạn…
Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria |
Ngoài ra, truyền thông phương Tây cũng tiến hành khủng bố “tinh thần” Nga bằng cách đe dọa Nga sẽ bị IS tấn công trả đũa, bị sa lầy…
Điển hình như tờ Foreign Policy mới đây tiếp tục dọa nạt Nga rằng Điện Kremlin dường như vẫn chưa phải hứng chịu bất kỳ “tác dụng phụ” nào từ cuộc can thiệp quân sự tại Syria.
Tạp chí Mỹ sử dụng vụ máy bay A321 của Nga rơi ở Ai Cập như một cái cớ cho trò tuyên truyền. Theo đó, tai nạn thảm khốc khiến 224 người thiệt mạng làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng các tay súng Hồi giáo cực đoan đã bắn hạ chiếc máy bay này.
Kích động
Foreign Policy cho rằng vai trò của Moskva trong cuộc nội chiến Syria có thể khiến họ trở thành một “mục tiêu” hấp dẫn với các phần tử cực đoan. Tạp chí này dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho rằng chiến dịch quân sự của Nga có nguy cơ biến cuộc xung đột Syria thành một “thùng thuốc súng” với những hệ lụy nghiêm trọng đối với chính quyền Putin.
Quan chức đề nghị giấu tên này nói: “Các phần tử cực đoan từ Nga hoặc các nước thuộc Liên Xô trước đây từng ‘vuột mất cơ hội’ tham chiến ở Afghanistan và Chechnya chắc chắn sẽ không ngần ngại tham gia cuộc chiến ở Syria.
Trong tài khóa 2015, chính quyền Mỹ đã phân bổ 66 triệu USD thông qua Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) “nhằm hỗ trợ xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông độc lập tại Âu-Á và Đông Nam Âu.” Trong số đó, đầu tư vào báo chí khoảng 16 triệu USD.