Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong một cuộc họp báo hôm 2/2 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa có kế hoạch trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Biden sẽ cân nhắc vừa kiềm chế, vừa hợp tác với Trung Quốc.
Bà Psaki cho biết, với việc ông Antony Blinken đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Mỹ “sẽ có nhiều mặt hơn để hợp tác với Trung Quốc” nhưng cả bà và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price đều khẳng định việc trao đổi với các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ được đặt lên hàng đầu.
“Chúng tôi biết rằng Trung Quốc đang tham gia vào một loạt các hành vi gây tổn hại cho người lao động Mỹ. Nó làm mờ đi lợi thế công nghệ của chúng tôi. Nó đe dọa các liên minh của chúng tôi và ảnh hưởng đến các tổ chức quốc tế”, người phát ngôn nói tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao hôm 2/2.
Ông nói: “Và Trung Quốc đã tham gia vào các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng gây chấn động lương tâm. Vì vậy, chúng tôi sẽ chống lại các hành động gây hấn và cưỡng ép của Trung Quốc, duy trì các lợi thế quân sự quan trọng của chúng tôi, bảo vệ các giá trị dân chủ, đầu tư vào công nghệ tiên tiến và khôi phục là các quan hệ đối tác an ninh quan trọng.”
Theo ông Price, có những vấn đề, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, sẽ “nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ khi hợp tác với Trung Quốc”.
“Vì thế, bước đầu tiên, chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác rồi sau đó sẽ có sự hợp tác trên một vài khía cạnh với Trung Quốc” – ông Price cho hay.
Chính quyền ông Biden hiện vẫn chưa thông báo đầy đủ về chiến lược với Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng đã cho thấy rằng Mỹ sẽ tiếp tục hướng tiếp cận cứng rắn từng được thực hiện dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuần nước, Ngoại trưởng Blinken cũng đã gọi mối quan hệ Mỹ – Trung là mối quan hệ quan trọng nhất thế giới, trong khi bà Psaki khẳng định tại cuộc họp báo rằng: “Dĩ nhiên, mối quan hệ với Trung Quốc sẽ diễn ra đa tầng, chúng tôi sẽ trao đổi về khí hậu, kinh tế và an ninh”.
Trong văn bản trả lời các câu hỏi từ các nhà lập pháp hồi tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng đề cập tới thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc và cho biết Washington sẽ làm việc với các đồng minh để giải quyết những vấn đề liên quan tới Trung Quốc.
Còn theo ông Doug Barry – phát ngôn viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung Quốc, chính quyền ông Joe Biden sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại và các chính sách khác của người tiền nhiệm là hợp lý, tuy vậy, ít có khả năng sẽ hủy bỏ.
“Chúng tôi không tập trung quá nhiều về quy trình tại thời điểm này. Trung Quốc vẫn còn 11 tháng nữa để hoàn thành cam kết mua thêm 200 tỷ USD các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ”, ông Barry nhấn mạnh.
Ông Trump đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 1/2020, xoa dịu căng thẳng từ cuộc chiến thương mại kéo dài gần 18 tháng giữa hai nước.
Theo thỏa thuận, Bắc Kinh cam kết trong vòng hai năm sẽ tăng mua nông sản và hàng hóa công nghiệp, năng lượng và dịch vụ của Mỹ nhiều hơn 200 tỉ USD so với năm 2017. Tuy nhiên, lượng mua của Trung Quốc đã sụt giảm nhiều trong năm 2020.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết trong giai đoạn xem xét, đánh giá này, Washington vẫn chưa có thay đổi gì với các chính sách áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc đã thực hiện dưới thời ông Trump.