2 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới là 18.129 thì có tới 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Số liệu thống kê từ Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, 2 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới là 18.129 doanh nghiệp, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 172.844 lao động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 11.033 doanh nghiệp, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Có 11/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, các lĩnh vực có mức tăng mạnh là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas tăng 60,7%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 39%; Kinh doanh bất động sản tăng 33,6%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 19,2% và Khai khoáng tăng 19%.
Cùng đó, trong 2 tháng đầu năm 2021, có 33.611 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có, 21.636 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 8.380 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 3.595 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.595 doanh nghiệp, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.
“Có tới 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Doanh nghiệp giải thể tăng một phần nguyên nhân do dịch COVID-19 tiếp tục khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Doanh nghiệp không thể cầm cự đành tạm ngừng kinh doanh. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Vận tải kho bãi và Khai khoáng với tỷ lệ tăng lần lượt là 220%; 53,2% và 50%”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.
Hiệu quả hỗ trợ còn thấp
Từ khi dịch bệnh bùng phát, những tác động tiêu cực tới nền kinh tế là khá rõ ràng. Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân hồi giữa năm 2020 cho thấy, 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng…
Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì COVID-19, theo kết quả khảo sát, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ…
Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19, tuy nhiên khảo sát thực tế cho thấy chỉ có 22,25% số doanh nghiệp nhận được hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ được các doanh nghiệp đánh giá có tác động tích cực, chủ yếu là các chính sách tài khóa.