Oai chỉ là tâm lý trọc phú, không đáng có và không nên tồn tại ở môi trường cán bộ công chức Việt Nam.
Bình luận về con số 40.000 xe công và 13.000 tỷ đồng chi phí nuôi những chiếc xe này mỗi năm ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, sử dụng xe công phải tùy thuộc vào điều kiện, vào môi trường và năng suất làm việc.
“Đi ô tô, hay đi máy bay cũng không phải là vấn đề, vấn đề quan trọng là sử dụng ô tô thì hiệu quả công việc ra sao và đi máy bay thì làm ra cái gì. Đây mới là bản chất, là vấn đề cốt lõi.
Tôi chắc rằng, ở các nước phát triển vấn đề sử dụng xe công sẽ được tính toán vô cùng chi li, họ không hề đơn giản, xuê xoa… Vì vậy, xin đừng nhìn nước khác để so sánh với điều kiện của Việt Nam”, ông Quốc cho biết.
Theo vị đại biểu này, con số trên chỉ cho thấy nước ta nghèo nhưng tiêu hoang. Ông kể lại, đã từng có người ví von, việc sử dụng xe công giống như “một người cưỡi 3.000 con trâu”. Tất cả chỉ thể hiện sự lãng phí vô cùng lớn của những quan chức được xem là đày tớ của dân.
“Tôi khẳng định, chúng ta không quá dân túy, không đòi hỏi một sự tiết kiệm không cần thiết nhưng chúng ta phải có lương tri, có liêm sỉ. Trong xã hội ngày xưa, liêm sỉ là nhân tố rất được coi trọng. Oai chỉ là tâm lý trọc phú, không đáng có và không nên tồn tại ở môi trường cán bộ công chức Việt Nam. Thậm chí có cán bộ, lãnh đạo còn so sánh, tị nạnh xe cũ, xe mới, xe màu đỏ, xe màu đen… đây rõ ràng là tâm lý không liêm chính”, vị đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai nhắc nhở.
Những con số khiến bất cứ ai nghe đều phải suy nghĩ. Sự hoang phí là quá rõ ràng.
Với con số 40.000 xe công, chi phí cho mỗi xe trung bình là 320 triệu/xe/năm. Ngay cả khi thực hiện chủ trương khoán xe công thì chi phí cũng có thể tiết kiệm được một nửa tức là khoảng 170 triệu/xe/năm. Cả hai con số dù với phương án nào cũng khiến tất cả người dân thường cho tới cán bộ, lãnh đạo cũng phải giật mình.
Nếu tính toán, lãnh đạo từ Thứ trưởng trở xuống đang hưởng phụ cấp khoảng 1,3 hiện nay, mức lương cũng tương đương khoảng 10-12 triệu/tháng, tức là một năm tổng thu cũng chỉ vào khoảng 120 triệu/năm. Có thể thấy ngay, tiền nuôi xe còn nhiều hơn cả lương cán bộ, như vậy chỉ có hai khả năng hoặc hệ thống lương không đảm bảo. Hoặc là cán bộ không sống bằng lương như trước đó nhiều người đã nói.
Đó là chưa kể đến sự lãng phí rất lớn về mặt nguồn nhân lực. Mỗi một xe công lại phải kèm thêm một lái xe. Lái xe này sử dụng thế nào, chỉ ăn rồi nhận lương 5 triệu/tháng để mỗi ngày hai lần đưa sếp từ nhà tới cơ quan, chiều lại đón từ cơ quan về hay sẽ được điều động khi cần thì gọi… ở đây là câu chuyện sử dụng nhân sự thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm.
“Liệu có phải do lương không đảm bảo mà mới có tâm lý cái gì của công thì dùng cũng dễ, tiêu xài cũng thoải mái không? Con số chi phí cho xe công chẳng phải đã chứng minh của công cái gì có thể xài được thì xài tối đa hay sao. Đây là tâm lý có thực lại được đặt ra trong điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, thu nhập như hiện nay thì một người tâm sạch cũng khó cưỡng lại vòng cuốn “tham, sân,si”, ông Quốc đặt câu hỏi.
Thừa nhận đây là vấn đề bất cập, và lâu dài nhất, nhiều lần đưa ra mà không thành công trong quản lý và sử dụng xe công.
Ông Quốc nói việc này không có gì khó hiểu, lý do rất đơn giản ai cũng biết, khi người sử dụng xe công lại là người soạn thảo văn bản quản lý xe công thì kết quả ngày hôm nay là tất yếu.
“Nếu so sánh giữa lợi ích thiết thực cá nhân đang hưởng thụ và lợi ích vô hình mà cơ quan, tổ chức, xã hội ban thưởng chắc rất ít người chạy theo cái lợi ích vô hình mà từ bỏ cái lợi ích hữu hình đang có. Họ sẽ luôn đặt lợi ích của cá nhân họ lên hàng đầu”, ông Quốc nói.
Vị đại biểu Quốc hội cũng nói thẳng, chẳng phải lo thiệt thòi, hay vì lo nhếch nhác, không oai mà họ không muốn từ bỏ xe công đâu. “Xe công chỉ là công cụ phục vụ công việc. Lo ngại nhếch nhác, không oai chỉ là một cách nói mà cách nói này càng bộc lộ bản chất chung là muốn xài của công. Sử dụng xe công thích hơn vì nó không ảnh hưởng tới độ dày mỏng trong ví tiền của mỗi người”.
Vì vậy, giải pháp trước mắt ông Quốc đề nghị nên thực hiện khoán xe công và để người dân được giám sát.