Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐBSCL cần cảng nước sâu
Tại hội nghị diễn ra vào ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, giao thông phát triển tới đâu, kinh tế-xã hội sẽ phát triển theo, giao thông có chức năng đi trước mở đường cho nền kinh tế.
Do đó, trong nhiều nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển GTVT của khu vực ĐBSCL.
Trong Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống GTVT của vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực hai nhiệm vụ.
Thứ nhất, điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021 – 2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng.
Thứ hai, tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn.
Trong ba năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai hai nhiệm vụ này.
Về quy hoạch, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Trong quá trình làm, Bộ GTVT đã phối hợp với 13 tỉnh thành và cũng yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với hệ thống giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT của vùng và cả nước nói chung.
“Một điểm mới mang tính đột phá là sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng vùng ĐBSCL cần phải 1 cảng nước sâu, là một cửa ngõ để đưa hàng hoá của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hoá từ thế giới về vùng thông qua 1 cảng của khu vực. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể đón tàu khoảng 100 nghìn tấn. Chúng tôi sẽ xã hội hoá cảng này bằng cách kêu gọi các nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và cho rằng khi có cảng hàng không Cần Thơ và cảng biển này thì khu vực ĐBSCL sẽ có chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tốt, đặc biệt là chuyển một số vùng đất bị nhiễm mặn thành khu vực công nghiệp.
Về yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong vùng, ba năm qua, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm ĐBSCL (nối Cao Lãnh – Rạng Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang đã hoàn thành.
Cùng với đó, Chính phủ cũng giành gần 5000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, Bộ GTVT có một số dự án như: Xây dựng cao tốc nối thành phố Cà Mau – Cần Thơ, và cao tốc nối Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ và Sóc Trăng.
“Kế hoạch đầu tư công 2021-2025 đối với ngành GTVT tại vùng ĐBSCL, chúng tôi đã thống nhất với Bộ KH-ĐT là sẽ đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng, so với nhiệm kỳ vừa qua là chỉ 29 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Thu xếp vốn cho ĐBSCL thế nào?
Đề cập đến việc huy động nguồn lực cho ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương là khoảng 162.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như GTVT, NN-PTNT, Y tế… để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng.
Tổng số vốn NSNN đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của Vùng khoảng 388 nghìn tỷ đồng.
Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.
Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025 cho vùng ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.
Với quy mô vốn như vậy, sẽ hoàn thành được các công trình: đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa,…
Tuy nhiên, số vốn trên mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các địa phương, chưa thể kết nối liên tục các tuyến ven biển, còn nhiều nơi như Ben Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vẫn phải đi phà hoặc vòng sang cầu hiện hữu đã quá tải.
Do đó, để có thêm nguồn lực ngoài khoản vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ KH-ĐT đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển.
Hiện nay, hồ sơ đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu cho Vùng ĐBSCL đã được Bộ KH-ĐT hoàn thiện và đã nhận được sự đồng thuận cùa các Bộ và 13 tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách nêu trên còn gặp một số vướng mắc, do chưa nhận được ý kiến đồng thuận của Bộ Tài chính.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, các dự án tại các địa phương sử dụng vốn vay tại Khoản hỗ trợ ngân sách trên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nên không thể cấp phát 100% vốn vay, mà địa phương phải vay lại theo Nghị định số 97 về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Bộ KH-ĐT nhận thấy, các địa phương vùng ĐBSCL đa phần là các địa phương khó khăn, ít có khả năng vay lại, các dự án dự kiến triển khai là các dự án hạ tầng thiết yếu, đặc biệt quan trọng, nhưng không có khả năng thu hồi vốn, nên chưa có thể áp dụng cơ chế tại Nghị định số 97 của Chính phủ. Như vậy, cần một cơ chế đặc thù, vượt trội cho nguồn vốn này để thực hiện được mục tiêu như kết luận tại các cuộc họp trước đây của Thủ tướng Chính phủ với vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, trong thời gian tới đây, Bộ KH-ĐT sẽ tích cực làm việc với các nhà tài trợ, nhất là các nhà tài trợ đang hiện diện tại Hội nghị này để huy động đủ số vốn 2 tỷ USD mà Chính phủ đã cam kết bổ sung thêm cho vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị một số nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL.
Một là, về nguồn vốn ODA, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý tiếp nhận 2 tỷ USD hỗ trợ thêm cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, tăng thêm 950 triệu USD ngoài khoản 1,05 tỷ USD mà Ngân hàng Thế giới đã cam kết, theo cơ chế đặc thù, vượt trội và thực hiện cơ chế cấp phát 100% cho các địa phương trong vùng để hoàn thiện khép kín toàn bộ tuyến đường ven biển, hoàn thành các cầu lớn kết nối các địa phương trong vùng, các dự án thuỷ lợi liên kết vùng, có tính lan toả, tập trung phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu và một số trục giao thông động lực của Vùng.
Hai là, về công tác quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng xem xét, sớm tổ chức thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 4/2021, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn vùng.
Ba là, về phân bổ nguồn lực, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực và bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai các dự án có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tác động lan tỏa; mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho sản xuất kinh doanh, kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển; ưu tiên cho các dự án giao thông đường ven biển, nhằm kết nối khép kín tối đa tuyến đường ven biển của vùng ĐBSCL.