Ngày 11/3, trang mạng Thời báo Hoàn Cầu – ấn bản của Nhân dân nhật báo cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã đăng bài viết nhan đề “Kế hoạch cải tổ Hong Kong được thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo; các biện pháp chi tiết sẽ được công bố trước cuối tháng 3”, nhấn mạnh việc Trung Quốc thông qua quyết định về việc hoàn thiện hệ thống bầu cử của Hong Kong nhằm sửa chữa những lỗ hổng trong việc quản lý của thành phố này.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga
Ngày 11/3, các nhà lập pháp Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua quyết định về việc hoàn thiện hệ thống bầu cử của Đặc khu hành chính Hong Kong tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) khóa 13, cơ quan lập pháp cao nhất của nước này, trong một động thái nhằm sửa chữa những lỗ hổng trong việc quản lý Hong Kong.
Quyết định được thông qua với 2.895 phiếu thuận, 1 phiếu trắng và không có phiếu chống.
Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ họp Lưỡng hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết đây là quyết định rõ ràng dứt khoát và nhằm mục đích bảo vệ mô hình “một nước, hai chế độ”. Ông khẳng định nguyên tắc “những người yêu nước quản lý Hong Kong” cũng sẽ đảm bảo giữ vững mô hình này.
Theo giới chức địa phương và các học giả nổi tiếng về Hong Kong, việc thông qua quyết định trên phản ánh nguyện vọng chung của người dân Trung Quốc về việc giải quyết những mâu thuẫn chính trị sâu sắc ở Hong Kong, mà sẽ cản trở sự phát triển của thành phố này trong tương lai. Cuộc cải cách cũng phản ánh tinh thần chung của các tiến trình dân chủ của thành phố trong 25 năm tới. Theo đó, Chính quyền trung ương sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào sau khi xảy ra tình trạng hỗn loạn xã hội chưa từng có vào năm 2019, khi phe đối lập cực đoan tìm cách chi phối dư luận nhằm giành quyền kiểm soát thành phố, vốn thuộc phạm vi quản lý của Chính quyền trung ương.
Quyết định hoàn thiện hệ thống bầu cử của Hong Kong được đưa ra sau khi Trung Quốc chính thức thông qua Luật an ninh quốc gia đối với vùng lãnh thổ này vào tháng 6/2020. Luật này được coi là cơ sở để giải quyết dứt điểm các vấn đề được tích tụ trong nhiều năm kể từ khi thành phố được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, xóa bỏ những hiểu lầm bấy lâu nay về mô hình “một nước, hai chế độ” và khôi phục trật tự hiến pháp ở thành phố vốn là một trong những đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Tại sao cần thay đổi?
Quyết định đi kèm với các biện pháp chi tiết nhằm hoàn thiện hệ thống bầu cử của Hong Kong như tăng cường chức năng và vai trò của Ủy ban bầu cử Hội đồng lập pháp và Trưởng đặc khu Hong Kong, mở rộng đối tượng bầu cử để tăng tính đại diện cho các ứng cử viên và thiết lập một ủy ban xem xét lý lịch để đảm bảo các ứng cử viên là “những người yêu nước quản lý Hong Kong” – nguyên tắc cơ bản do các quan chức hàng đầu của Trung Quốc đặt ra nhằm giải quyết các vấn đề của Hong Kong.
Bản thân biện pháp mở rộng đối tượng bầu cử đã bác bỏ một số chỉ trích từ phương Tây, chủ yếu là Mỹ và Anh, cho rằng kế hoạch cải cách này nhằm mục đích làm suy yếu nền dân chủ của thành phố và đàn áp các nhóm đối lập.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của Thời báo Hoàn Cầu hôm 10/3, bà Phạm Từ Lệ Thái, cựu Chủ tịch Ủy ban bầu cử Hội đồng lập pháp và là cựu Ủy viên Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, nói: “Dân chủ là gì? Dân chủ có nghĩa là: Nếu bạn không đồng ý với tôi, thì chúng ta có thể thảo luận, nếu bạn không thích ý kiến của tôi, thì bạn có thể bỏ đi. Nhưng bạn không thể đánh bại tôi, châm lửa đốt tôi hay ném gạch vào tôi”. Bà nói thêm: “Thật không may là chúng ta đã phải chứng kiến những điều đó ở Hong Kong vào năm 2019, khi một số nhân vật cực đoan chống chính quyền nhân danh cái gọi là dân chủ, tự do và nhân quyền để che đậy những hành vi xấu xa, không tôn trọng người khác”. Bà cũng nhấn mạnh rằng những người theo đuổi dân chủ ở Hong Kong đã và đang bước vào con đường sai lầm, gây tổn hại đến sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong. Bà nói: “Cần chấm dứt tình trạng này với sự giúp đỡ của Chính quyền trung ương”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn của Thời báo Hoàn Cầu hôm 10/3, bà Lương Mỹ Phần, thành viên Ủy ban Luật cơ bản, cho rằng trong 24 năm kể từ khi Hong Kong trở về với Trung Quốc đại lục, Chính quyền trung ương đã duy trì hiện trạng và tìm kiếm sự thỏa hiệp trong việc giải quyết các vấn đề của Hong Kong. Tuy nhiên, do tác động của môi trường bên trong và bên ngoài, động thái này không còn hiệu quả và Chính quyền trung ương sẽ không thỏa hiệp trong việc quản lý Hong Kong. Bà Lương Mỹ Phần nêu rõ: “Chính quyền trung ương không sẵn sàng thực hiện sáng kiến nhằm tạo ra những thay đổi và hy vọng Hong Kong có thể tự khắc phục các vấn đề của mình. Tuy nhiên, thành phố đã không làm được điều này”.
Hàng chục nhân vật chống chính quyền ở Hong Kong, bao gồm cả các cựu thành viên Ủy ban bầu cử Hội đồng lập pháp và các ủy viên hội đồng quận – những người gần đây bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền, đã bị tống giam. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc Hạ Bảo Long, đã nhắc lại rằng đối với các công chức, việc cam kết trung thành với đất nước là tiêu chuẩn chính trị và đạo đức cơ bản. Tuy nhiên, đây là điều không phải là tiêu chuẩn thấp nhất chứ không phải cao nhất.
Điều gì sẽ thay đổi?
Để mở rộng đối tượng bầu cử và đảm bảo tỷ lệ đại diện cân bằng, số lượng ghế trong Ủy ban bầu cử sẽ tăng từ 1.200 lên 1.500 ghế. Theo quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, số lượng ghế trong Ủy ban bầu cử Hội đồng lập pháp sẽ tăng từ 70 lên 90 ghế và được phân bổ cân đối giữa các khu vực bầu cử theo địa lý, khu vực bầu cử theo chức năng và trong Ủy ban bầu cử.
Ủy ban bầu cử sẽ bao gồm 1.500 thành viên từ năm lĩnh vực cũ và một lĩnh vực mới – bao gồm cả các các nghị sĩ người Hong Kong tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, các ủy viên người Hong Kong của Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc và các thành viên người Hong Kong của các tổ chức quốc gia có liên quan. Quyết định cải tổ không đề cập đến việc liệu các ghế ủy viên hội đồng quận có bị loại bỏ hay không, khi một số người quan tâm đến vấn đề này cho rằng điều này có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc có nên loại bỏ các ghế ủy viên hội đồng quận hay không vẫn còn là vấn đề nhạy cảm và cần được thảo luận thêm. Theo đó, các biện pháp cải cách chi tiết sẽ được công bố trong các cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Với mục đích phi chính trị hóa các hội đồng quận, tổng số 117 ghế ủy viên hội đồng quận trong Ủy ban bầu cử có thể bị loại bỏ. Tuy nhiên, nghị sĩ Michael Tien Puk-sun hôm 11/3 cho rằng nên giảm bớt thay vì ủng hộ các ghế ủy viên hội đồng quận.
Ủy ban bầu cử Hội đồng lập pháp sẽ bao gồm những thành viên bị đưa ra khỏi Ủy ban bầu cử các khu vực bầu cử theo chức năng và các khu vực bầu cử theo địa lý trong cuộc bầu cử trực tiếp.
Để bịt những lỗ hổng hiện có bằng cách sàng lọc những người không đủ tiêu chuẩn tham gia chính trường của Hong Kong, một ủy ban đánh giá tư cách ứng cử viên của Hong Kong sẽ được thành lập để đảm nhận nhiệm vụ xem xét và xác nhận tư cách của các ứng cử viên cho vị trí thành viên Ủy ban bầu cử, Trưởng đặc khu và thành viên Ủy ban bầu cử Hội đồng lập pháp.
Theo ông Lưu Nhuệ Thiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Hong Kong và Macau của Trung Quốc, ủy ban đánh giá tư cách ứng cử viên nên được đặt dưới sự lãnh đạo của các quan chức chính phủ cấp cao, bao gồm cả Văn phòng bảo vệ an ninh quốc gia của Cính quyền trung ương tại Hong Kong, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục chi tiết trong việc tiến hành giám sát chính trị đối với các ứng cử viên.
Theo quyết định và Phụ lục I, Phụ lục II của Luật cơ bản đã được Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc sửa đổi, Hong Kong sẽ sửa đổi các luật liên quan của địa phương, đồng thời tổ chức và điều chỉnh các hoạt động bầu cử cho phù hợp.
Sửa đổi luật là nhiệm vụ cấp bách đối với Chính quyền Hong Kong nên dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, do cuộc bầu cử Ủy ban bầu cử, Ủy bân bầu cử Hội đồng lập pháp và Trưởng đặc khu cũng sẽ diễn ra trong những tháng tới, nên Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc sẽ họp trong những tuần tới để thảo luận về các kế hoạch chi tiết cho việc hoàn thiện hệ thống bầu cử trong khi Chính quyền Hong Kong bắt đầu công việc sửa đổi luật.
Một số nhà lập pháp dự báo rằng Chính quyền trung ương sẽ công bố các kế hoạch chi tiết trước cuối tháng 3 và trên cơ sở đó đưa ra hướng dẫn chi tiết để Chính quyền Hong Kong tiến hành cải cách toàn diện hệ thống chính trị địa phương.
“Nhẹ như lông hồng”
Một số tổ chức và quan chức từ Đại lục và Hong Kong đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định cải cách hệ thống bầu cử ở Hong Kong vừa được cơ quan lập pháp cao nhất thông qua, đồng thời cho rằng kế hoạch mới sẽ đưa thành phố này bước sang một kỷ nguyên mới.
Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Văn phòng liên lạc của Chính quyền trung ương tại Đặc khu hành chính Hong Kong, Bộ Ngoại giao, Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) đều tuyên bố rằng cải cách bầu cử sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho Hong Kong.
Các quan chức địa phương ở Hong Kong, bao gồm cả Cục trưởng Cục Tư pháp Trịnh Nhược Hoa, Vụ trưởng Vụ Hành chính Trương Kiến Tông và Cục trưởng Cục Tài chính Trần Mậu Ba, đều hoan nghênh quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, coi việc cải cách là một bước cần thiết để đảm bảo mô hình “một nước, hai chế độ” được thực hiện một cách đúng đắn và bền vững.
Chính quyền Hong Kong cho biết họ sẽ cung cấp cho Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thông tin về thành phần của Ủy ban bầu cử, nhằm đảm bảo Ủy ban bầu cử đáp ứng các yêu cầu về tính đại diện rộng rãi và phản ánh lợi ích chung của người dân Hong Kong.
Sau khi Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong được thực thi vào năm 2020, một số quốc gia, đặc biệt là nhóm Ngũ nhãn, đã bày tỏ lo ngại và đe dọa trừng phạt các quan chức hàng đầu của Trung Quốc và một số quan chức ở Hong Kong liên quan đến vấn đề này.
Nhà báo Khuất Dĩnh Nghiên ở Hong Kong cho rằng tình trạng hỗn loạn xã hội do các cuộc biểu tình chống chính quyền gây ra đe dọa an ninh và hạnh phúc của người dân Hong Kong, khiến họ phải suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của dân chủ, điều không nên được định nghĩa bởi dư luận do phương Tây dẫn dắt. Nhà báo Khuất Dĩnh Nghiên nói: “Liệu cái mà các nước phương Tây gọi là dân chủ có phải là hệ thống tốt nhất cho Hong Kong hay không? Sau khi chứng kiến tình trạng bất ổn xã hội và đại dịch COVID-19, tôi tin rằng nhiều người sẽ mong đợi một hệ thống quản lý và các chính sách hữu hiệu hơn là dân chủ”.
Đối với một số quan chức cấp cao đã bị Mỹ trừng phạt vì vấn đề Hong Kong, bất kỳ hành động can thiệp trắng trợn nào từ nước ngoài vào công việc nội bộ của Trung Quốc, bao gồm cả vấn đề Hong Kong, đều không làm lung lay quyết tâm của họ trong việc thúc đẩy các luật có liên quan nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của đất nước. Họ cũng đều nhất trí coi các biện pháp trừng phạt “nhẹ như lông hồng”.
Ông Đàm Diệu Tông, thành viên Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thuộc đoàn đại biểu Hong Kong, nói với Thời báo Hoàn Cầu: “Đây không phải là vấn đề về tiến trình dân chủ của Hong Kong, mà là vấn đề về sự lật đổ”. Trong khi đó, chuyên gia Lưu Nhuệ Thiệu nhấn mạnh: “Không cần phải nhìn vào nền dân chủ kiểu phương Tây. Những gì phù hợp với Hong Kong sẽ là nền dân chủ tốt nhất cho Hong Kong”.