Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngHàng trăm tàu dân binh TQ xuất hiện tại Trường Sa?

Hàng trăm tàu dân binh TQ xuất hiện tại Trường Sa?

Hình ảnh ngày 7.3 cho thấy hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc ngang nhiên dàn hàng gần đá Ba Đầu tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Reuters hôm qua 21.3 đưa tin Lực lượng chuyên trách biển Tây Philippines (NTF-WPS) đã nhận được báo cáo của lực lượng tuần duyên nước này về việc hàng trăm tàu dân binh của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực đá Ba Đầu (Whitsun), thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) cho hay khoảng 220 tàu được cho là điều khiển bởi lực lượng dân quân biển Trung Quốc dàn đội hình hàng ngang gần đá Ba Đầu vào ngày 7.3.
Theo thông tin của NTF-WPS, dù thời tiết quang đãng nhưng những tàu của Trung Quốc vẫn không tham gia hoạt động đánh bắt, mà chỉ bật nhiều đèn trắng lên vào ban đêm. NTF-WPS cho rằng sự việc trên gây quan ngại về khả năng Trung Quốc đánh bắt quá mức và hủy diệt môi trường biển, cũng như gây nguy cơ đối với an toàn hàng hải. Thông cáo cho biết Philippines sẽ tiếp tục quan sát tình huống trên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận về các thông tin trên.
Nhận định về sự xuất hiện của các tàu dân binh Trung Quốc, Giáo sư Alexander L. Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu (Mỹ) cho rằng Trung Quốc có thể đang dùng thủ đoạn ở bãi cạn Scarborough nhằm ngang nhiên giành quyền kiểm soát trên thực tế tại đá Ba Đầu vốn có vị trí chiến lược. “Trung Quốc từng tìm cách chiếm đá này vào thập niên 1990 nhưng không thành công, nhưng lần này có thể khác”, ông cảnh báo. Ông nhắc lại việc Việt Nam là bên đầu tiên lên tiếng về đá Ba Đầu, phản đối việc Trung Quốc cho các binh sĩ đổ bộ lên đó vào năm 1992, nên Trung Quốc có thể đã thay đổi chiến lược.
Năm ngoái, hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc cũng hiện diện tại đá Ba Đầu và Én Đất, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khi đó, tại buổi họp báo chiều 14.5.2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi luôn theo sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển”.
RELATED ARTICLES

Tin mới