Cục diện thế giới đang chứng kiến những diễn biến đối đầu đầy căng thẳng, nhất là mối quan hệ giữa 2 “gã khổng lồ kinh tế” Mỹ -Trung. 5 liên minh mới có thể hình thành nếu Chiến tranh Lạnh mới nổ ra.
30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã có những lo ngại rằng thế giới có thể bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Nhưng mối lo ngại lớn hơn là, cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nếu bùng nổ, sẽ nguy hiểm hơn, kéo dài hơn và gây ảnh hưởng sâu rộng hơn rất nhiều. Trong khi Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ-Liên Xô chủ yếu xoay quanh hai lãnh vực quan trọng – vũ khí và không gian, cuộc đua mới giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thiết yếu đến trí tuệ nhân tạo và 5G.
Trong bối cảnh bối cảnh toàn cầu khác trước, có nguy cơ những trục liên minh khác nhau có thể hình khác nếu Chiến tranh Lạnh mới nổ ra.
Liên minh kinh tế
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh nguyên lý kinh điển: “An ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia”. Trong khi đó, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – cũng tận dụng triệt để sức mạnh kinh tế của mình trong các chính sách. Vì vậy, theo các chuyên gia, trong bối cảnh này, thế giới cần một cơ chế an ninh kinh tế tập thể, tương tự liên minh quân sự NATO, để chống lại mọi hành động “lạm quyền kinh tế” của bất kỳ quốc gia nào.
Một trong những nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, thể hiện trong điều khoản số 5. Điều khoản này quy định, “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh” và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ các thành viên khác của một cuộc tấn công như vậy “ngay lập tức”. Theo các chuyên gia, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể khó lường trước và chống đỡ một gã khổng lồ kinh tế nếu họ muốn “làm bừa”, vì vậy thế giới cần một Điều V tương tự về kinh tế.
Liên minh công nghệ toàn cầu
Việc Bắc Kinh đang dần cho thấy vị thế số 1 trong lĩnh vực công nghệ, nhất là sự lớn mạnh của công nghệ 5G, khiến Mỹ và các nước phương Tây không mấy vui vẻ. Trong cuộc đối đầu công nghệ này, Washington đang dẫn đầu nỗ lực thành lập liên minh bảo vệ công nghệ toàn cầu.
Đã có một số sáng kiến đầy hứa hẹn, trong đó có 2 sáng kiến nổi bật trong năm 2020. Một là đề xuất “Bộ luật chung cho các chính sách công nghệ” của 3 tổ chức trải dài 3 lục địa: Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) của Mỹ, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) của Đức và Sáng kiến châu Á-Thái Bình Dương (APIJ) của Nhật Bản. Hai là đề xuất “Cạnh tranh bất đối xứng: Chiến lược cho Trung Quốc và Công nghệ” của Nhóm Chiến lược Trung Quốc (CJG), một cơ quan tư vấn do cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt thành lập.
Các liên minh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương
Sức ép từ Bắc Kinh đang lan rộng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cùng những luận điệu ngày càng mang tính dân tộc chủ nghĩa của Bắc Kinh khiến nhiều nước lo ngại. Vì vậy, theo các chuyên gia, các nước trong khu vực cần bắt tay phối hợp hành động cần thiết. Bởi lẽ, theo họ, mô hình liên minh Quad (Bộ Tứ kim cương) của Chiến tranh Lạnh cũ đặt Mỹ vào vị trí trung tâm, đã khiến Washington khó hành động vì “nước xa khó cứu được lửa gần”, và Mỹ cũng thường phản ứng chậm chạp.
Liên minh khu vực châu Âu
Các quốc gia “lục địa già” thường không có cách tiếp cận kiểu “Thách thức Trung Quốc” như Mỹ hoặc các đối tác khác vì Bắc Kinh không phải mối nguy cơ trực tiếp. Hơn nữa, mối quan hệ kinh tế giữa châu Âu với Trung Quốc rất lớn mạnh và họ hiển nhiên không muốn xung đột chính trị để tránh thiệt hại kinh tế.
Tuy nhiên hiện nay, các nước châu Âu đang có cái nhìn khác dần và mối quan hệ song phương đang suy yếu. Hiện nay, “nối gót” Mỹ, một số quốc gia châu Âu cũng loại các thiết bị của gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi chính sách lắp đặt mạng viễn thông… Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự. Anh, Pháp và Đức đã cử lực lượng hải quân đến Biển Đông và cam kết có nhiều hoạt động hiện diện hơn vào năm 2021.
Liên minh các nước đang phát triển
Các nước đang phát triển được xem là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nhất là các quốc gia châu Phi. Họ là nguồn cung cấp nguyên liệu thô và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của nền kinh tế số 2 thế giới… Tuy nhiên, trục chính này đang có nguy cơ lung lay. Tân Tổng thống Tanzania John Magufuli mới đây đã hủy bỏ thỏa thuận xây cảng trị giá 10 tỷ USD mà người tiền nhiệm của ông đã ký với Trung Quốc vì lo ngại bẫy nợ. Chính phủ mới ở Malaysia mới đây cũng đã đàm phán giảm 30% một thỏa thuận đã ký trước đó với Trung Quốc. Trước thế lung lay này của Bắc Kinh, Mỹ cùng các nước phương Tây đang nỗ lực thế chân, tìm kiếm ảnh hưởng lớn mạnh hơn và củng cố vị thế.