Sau những tuyên bố mạnh mẽ tại cuộc gặp thượng đỉnh của “Bộ tứ kim cương” và sau hàng loạt động thái của các nước đồng minh Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “ngoại giao chiến lang” ở tầm cấp mới. Những hành động gây hấn trên Biển Đông gần đây được xem là “phép thử” của Bắc Kinh đối với Washington.
Hành động ngang nhiên thách thức dư luận quốc tế nhất là hơn 200 tàu đánh cá trá hình của Trung quốc tiếp tục từ đá Ba Đầu (Philippines) tràn xuống chung quanh khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn lải nhải rằng: Chúng tôi đâu có làm phiền các bạn. Chúng tôi chỉ tạm đưa tàu đánh cá vào trú mưa bão đấy chứ (!), nhưng thực ra, đây là một kế hoạch căn cơ đã chuẩn bị trước.
Kế hoạch gặm nhấm của một con chuột cống trên tấm thảm xanh Biển Đông, nói một cách văn hoa là “lát cắt salami”. Đưa hơn 200 tàu vỏ thép vào khu vực thuộc chủ quyền nước khác, người điều khiển là dân quân biển, sẵn sàng nổ súng vào đối phương theo Luật hải cảnh Trung Quốc, Bắc Kinh muốn thử xem Washington phản ứng ra sao.
Và Lầu Năm Góc đã tỏ thái độ. Sự kiện mới nhất, hôm 5/4, nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ lần thứ hai đi vào Biển Đông kể từ đầu năm 2021. Nhóm tàu này đang tiến hành các hoạt động diễn tập trên không, tấn công trên biển, săn ngầm, huấn luyện chiến thuật phối hợp… ở Biển Đông.
Gọi là diễn tập nhưng đằng sau chuyện này ai cũng hiểu là tàu Mỹ đang sẵn sàng đọ súng với tàu Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc chưa chịu rút đoàn tàu vỏ sắt kiên cố kia ra khỏi khu vực tranh chấp thì Mỹ còn liên tục đưa các đợt tàu khác kế tiếp nhau vào đây.
Theo Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9, sứ mệnh của nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt lần này nhằm trấn an các đồng minh và đối tác. Mỹ muốn răn đe Trung Quốc rằng, chúng tôi vẫn duy trì cam kết đối với tự do hàng hải. Chúng tôi đã thể hiện cam kết đối với trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách phối hợp với những người bạn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Malaysia.
Bao trùm lên tất cả là thông điệp của Washington: Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với những nước ủng hộ tầm nhìn chung về an ninh, ổn định tại một trong những khu vực quan trọng nhất và cũng nhiều bất ổn nhất trên thế giới hiện nay.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt quay trở lại Biển Đông giữa lúc căng thẳng tiếp tục gia tăng. Gây nên tình trạng nóng này, Trung Quốc muốn thăm dò phản ứng của Tổng thống Joe Biden. Bởi ông Biden đã cam kết hợp tác với các đồng minh, đối tác ở khu vực sẽ đè bẹp hành động xâm lược của Bắc Kinh. Trung Quốc coi đây là phép thử để xem chính quyền Biden sẽ làm gì. Phản ứng của Mỹ sẽ đưa đến cho Trung Quốc những phép thử tiếp theo. Đây là cái cách “dò đá qua sông” bao đời nay của Trung Quốc.
Một vấn đề rất khó đặt ra đối với Washington là, phản ứng lại những hành vi khiêu khích của Trung Quốc như thế nào cho hiệu quả nhất? Trung Quốc sử dụng tàu đánh cá thương mại là hành động nằm trong chiến thuật “vùng xám”, họ tuyên bố không làm gì sai (!). Vậy nếu Mỹ triển khai tàu sân bay hoặc tàu chiến đến gần đá Ba Đầu có thể bị xem là phản ứng thái quá. Nhưng nếu Mỹ lặng im thì Trung Quốc được đà lấn tới.
Không chỉ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông cũng là một điểm nóng. Hôm 3/4, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ hoạt động ở biển Hoa Đông và đã tiến sát sông Dương Tử của Trung Quốc. Cùng ngày, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua eo biển Miyako gần quần đảo Okinawa của Nhật Bản. Tokyo lập tức triển khai tàu khu trục JS Suzutsuki, máy bay tuần tra hàng hải P-1 và máy bay tuần tra chống ngầm P-3C để thu thập thông tin và theo dõi nhóm tàu Trung Quốc.
Như vậy, Trung Quốc đang “dò đá” không chỉ qua sông mà là qua hai khu vực lớn trên đại dương mênh mông. Việc của Mỹ và đồng minh là không để cho người khổng lồ nham hiểm Trung Quốc dễ dàng lần tìm đường đi trên những tảng đá ngầm đầy bất trắc.