Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biển“Tứ Sa”: Chiến thuật mới của TQ tại Biển Đông?

“Tứ Sa”: Chiến thuật mới của TQ tại Biển Đông?

Ngày 21/9/2017, trang mạng FreeBeacon (Mỹ) đưa tin Trung Quốc đã đưa ra quan điểm về yêu sách chủ quyền đối với “Tứ Sa” thông qua một số lập luận pháp lý thay thế cho yêu sách “đường đứt đoạn” trong một đối thoại kín giữa quan chức Trung Quốc và Mỹ về luật pháp quốc tế cuối tháng 8/2017.

Mặc dù những nội dung trên không được phía Mỹ xác nhận, cách lập luận mới này được đánh giá là một bước chuyển chiến thuật mới thông qua công cụ pháp lý nhằm phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Theo báo chí Mỹ đưa tin, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân đã đưa ra khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với “Tứ Sa” bao gồm bốn nhóm đảo: Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa (Macclesfield); đồng thời, cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng biển rộng lớn (gần như toàn bộ Biển Đông) xung quanh bốn khu vực quần đảo này. Ông Mã cũng nhấn mạnh rằng khu vực này là vùng nước lãnh hải lịch sử của Trung Quốc và cũng là một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng yêu sách quyền sở hữu bằng việc khẳng định “Tứ Sa” là một phần của thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.

Như vậy, lập luận pháp lý mà Trung Quốc đưa ra chủ yếu dựa trên: Một là, yêu sách “vùng nước lãnh hải lịch sử” của Trung Quốc; Hai là, cho rằng khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được xác định từ phần lãnh thổ Trung Quốc có chủ quyền; Ba là, đáng chú ý Trung Quốc cũng đòi hỏi yêu sách chủ quyền thông qua việc khẳng định “Tứ Sa” là một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.

Bản chất của Lập luận “Tứ Sa”

Nội hàm của yêu sách “Tứ Sa” thực chất phản ánh tham vọng không thay đổi của Trung Quốc đó là tiến tới độc chiếm hoàn toàn Biển Đông. Trên thực tế, yêu sách và cơ sở pháp lý Trung Quốc đưa ra đối với “Tứ Sa” không mới, thậm chí đã xuất hiện từ lâu trong các văn kiện pháp lý và tuyên bố chính thức của quốc gia này. Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992 của Trung Quốc đã khẳng định, lãnh thổ của Trung Quốc bao gồm 04 nhóm đảo là “Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”. Tháng 7/2016, sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc chính thức công bố lập trường và quan điểm về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông thông qua “Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển tại Nam Hải (Biển Đông)”, Sách trắng “Trung Quốc kiên trì giải quyết tranh chấp liên quan giữa Trung Quốc và Phi-líp-pin thông qua đàm phán” phát hành ngay sau Phán quyết của Toà Trọng tài cho rằng chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc bao gồm: i) chủ quyền đối với các đảo ở “Nam Hải” là quần đảo Đông Sa, “Tây Sa”, Trung Sa và “Nam Sa”; ii) các đảo ở “Nam Hải” của Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; iii) các đảo ở “Nam Hải” của Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; và iv) Trung Quốc có quyền lợi lịch sử tại “Nam Hải”.

Như vậy, thông qua việc khẳng định chủ quyền với “Tứ Sa” và việc kết luận rằng các cấu trúc tại đây có nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, có thể thấy chiến thuật “Tứ Sa” giúp cho Trung Quốc yêu sách vùng biển có phạm vi gần như không khác biệt nhiều so với chiến thuật “đường đứt đoạn” trước đây.

Bước chuyển chiến thuật về yêu sách và diễn giải yêu sách tại Biển Đông lần này của Trung Quốc đem đến một số hàm ý chính sách quan trọng. Một là, Trung Quốc đang sử dụng sự “mập mờ” trong yêu sách chủ quyền để có thể biến hóa nhiều cách diễn giải khác nhau. Hai là, hiện nay Trung Quốc đang tiến hành “mặt trận pháp lý” ở Biển Đông, biến pháp lý trở thành công cụ trong chính sách Biển Đông, từng bước “hợp thức hóa” yêu sách chủ quyền, và tuyên truyền Luật biển theo quan điểm của Trung Quốc. Ba là, Trung Quốc đang tính đến khả năng vẽ đường cơ sở quần đảo đối với 3 trong số 4 quần đảo còn lại thuộc “Tứ Sa” (như đã làm đối với quần đảo Hoàng Sa), và đưa ra yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định dựa trên đường cơ sở quần đảo này. Như vậy vùng biển mà Trung Quốc yêu sách được tạo ra từ đường cơ sở thẳng của các quần đảo này sẽ có phạm vi rộng hơn cả vùng biển tạo ra bởi yêu sách “đường đứt đoạn” trước đây – vùng biển của Trung Sa sẽ bao gồm cả bãi cạn Scarborough và điểm cực Nam của Trung Quốc sẽ đến tận James Shoal (thuộc vùng biển của Trường Sa).

Trung Quốc tiếp tục quan điểm bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời, tăng cường khống chế, kiểm soát toàn bộ Biển Đông dưới nhiều hình thức và bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó vận dụng cả mặt trận pháp lý (Trung Quốc vốn bị xem là yếu thế), thông qua việc khẳng định chủ quyền đối với “Tứ Sa”, để từ đó tiến tới yêu sách các vùng biển rộng lớn, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý, cũng giống như yêu sách “đường đứt đoạn” trước đây, yêu sách các vùng biển dựa trên chủ quyền đối với “Tứ Sa” cũng chỉ là một phiên bản mơ hồ, thiếu rõ ràng, lập luận pháp lý không có căn cứ và thiếu logic, cụ thể là:

Thứ nhất, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để thiết lập đường cơ sở quần đảo đối với bất cứ nhóm đảo nào thuộc “Tứ Sa”. Đối chiếu với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Trung Quốc không phải là quốc gia quần đảo. Vì vậy, Trung Quốc không thể áp dụng phương pháp vẽ đường cơ sở thẳng quần đảo, và cho dù Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng như vậy thì cũng không thể đáp ứng được yêu cầu tỉ lệ diện tích nước so với diện tích đất nằm trong khoảng 1/1 và 9/1 theo quy định của UNCLOS. Trên thực tế, phán quyết của Toà trọng tài đã bác bỏ khả năng Trung Quốc có thể vẽ đường cơ sở thẳng quần đảo đối với Trường Sa.

Thứ hai, chính Trung Quốc cũng thừa nhận trong Sách trắng 2016 rằng nhiều cấu trúc tại các quần đảo này có điều kiện tự nhiên khác nhau bao gồm đá ngầm, bãi cạn, cồn cát… Do đó, một số cấu trúc chỉ có thể tạo ra vùng biển tối đa 12 hải lý theo quy định của UNCLOS – phạm vi nhỏ hơn rất nhiều so với vùng biển mà Trung Quốc muốn yêu sách.

Ý đồ đằng sau Yêu sách “Tứ Sa”

Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào Đại hội 19, đánh dấu việc kết thúc chặng thứ nhất của chiến lược xây dựng “cường quốc biển”, tạo tiền đề bước vào giai đoạn thực hiện mục tiêu “trăm năm thứ nhất – 2021”. Với việc đề cập yêu sách “Tứ Sa” với nội hàm cơ bản giống với yêu sách “đường đứt đoạn”, có thể thấy, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang sử dụng vấn đề Biển Đông để tạo hiệu ứng tuyên truyền nội bộ về quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, và thành tích đạt được trên trường quốc tế để tăng uy tín chính trị trước Đại hội 19.

Thêm vào đó, tình hình Triều Tiên đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng leo thang căng thẳng, buộc Mỹ phải có những thỏa hiệp nhất định để đánh đổi sự ủng hộ của Trung Quốc khi đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Triều Tiên. Đồng thời, chính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời chính quyền Trump chưa được định hình rõ ràng. Nhiều khả năng sự quan tâm đối với tình hình Biển Đông và sự ủng hộ đối với các nước yêu sách khác trong khu vực của Mỹ sẽ suy giảm. Vì vậy, Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội để triển khai chiến thuật mới khẳng định chủ quyền đối với “Tứ Sa”.

Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố phủ nhận và không tuân thủ phán quyết – vốn đã bác bỏ tính hợp pháp của yêu sách “đường đứt đoạn”, song về bản chất Trung Quốc hiểu rằng nếu tiếp tục thực thi yêu sách này sẽ gây tổn hại đến uy tín và vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng hình ảnh là một quốc gia có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế, tương xứng với vị thế “cường quốc kiểu mới”, Trung Quốc cần nhanh chóng tìm ra một chiến thuật mới “có vẻ” phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng vẫn đảm bảo được yêu sách của mình trên Biển Đông. Do đó, việc Trung Quốc thay đổi chiến thuật từ “đường đứt đoạn” sang “Tứ Sa” để đáp ứng nhu cầu này.

Quan trọng hơn hết, chính sách Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi từ trước đến nay, từ kiểm soát tiến tới độc chiếm Biển Đông bằng nhiều biện pháp khác nhau. Diễn biến trên Biển Đông trong thời gian qua có thể thấy Trung Quốc đã linh hoạt điều chỉnh các bước đi trên cơ sở, đa dạng trong công cụ, cách thức, đối tượng và thời điểm triển khai để tăng cường ảnh hưởng chính trị, khẳng định vai trò “cường quốc biển”. Trong bối cảnh tiềm lực quốc gia đã được nâng cao, Trung Quốc đã từng bước tiến hành đồng thời cả hai hướng hợp tác và đấu tranh, bao gồm kết hợp đưa ra các sáng kiến hợp tác kinh tế trong khi tiếp tục mở rộng yêu sách chủ quyền và chiếm đóng trên thực tế.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins nhắc lại lập trường nhất quán của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đó là “các yêu sách biển của các quốc gia phải phù hợp với luật biển quốc tế được phản ánh trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”. Trong khi đó, cựu Tư lệnh tình báo Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Jim Fanell cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với “Tứ Sa” sẽ là bước đi logic tiếp theo trong chiến lược “lát cắt salami” nhằm yêu sách toàn bộ Biển Đông của quốc gia này, thay thế cho yêu sách “đường đứt đoạn” vốn bị phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Báo chí Trung Quốc không đưa tin nhiều về động thái này. Tuy nhiên các diễn đàn không chính thống ở Trung Quốc trước đây cũng đã từng đề cập đến “Tứ Sa”, trong đó nêu 08 sách lược Trung Quốc cần áp dụng đối với “Tứ Sa”, cụ thể là: i) thống nhất và đoàn kết với Đài Loan trong kiểm soát đảo Thái Bình và Đông Sa; ii) hợp tác với Nga và Trung Á trong việc khai thác dầu khí, đảm bảo các tuyến đường trên biển; iii) xây dựng sức mạnh quân đội, đặc biệt là lục quân và hải quân; iv) diễn tập mô hình chiến tranh hiện đại và toàn diện, bao gồm cả việc tổng kết bài học lịch sử mà theo Trung Quốc là hai cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988; v) triển khai các thiết bị quân sự, duy trì chủ quyền theo “đường đứt đoạn”; vi) đẩy mạnh xây dựng các công trình trên các thực thể và hoạt động cải tạo đảo; vii) hiện thực hóa các công trình phục vụ cho mục đích dân sự và quân sự trên biển, đảo; và (viii) tăng cường quân đội đóng tại “Nam Sa”.

Giới học giả quốc tế đã nhanh chóng nhận ra mục đích của Trung Quốc và đã đưa ra những phân tích tập trung nhiều vào khía cạnh pháp lý trong yêu sách “mới” này của Trung Quốc. Michael Pillsbury, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hudson, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc (Mỹ), nhận định Trung Quốc đang có sự chuẩn bị kĩ lưỡng các chiến thuật pháp lý nhằm thách thức đối với các quy chuẩn quốc tế. Hai chuyên gia luật pháp quốc tế Julian Ku và Christopher Mirasola nhìn nhận, mặc dù chiến thuật mới yếu về mặt pháp lý (thậm chí yếu hơn cả “đường đứt đoạn”), nhưng vẫn đem lại cho Trung Quốc một số lợi ích nhất định. Thứ nhất, việc đưa ra yêu sách “đường đứt đoạn” trước đây đã khiến Trung Quốc trở thành tâm điểm của nhiều chỉ trích, trong khi yêu sách chủ quyền đối với “Tứ Sa” có thể vấp phải ít chỉ trích hơn. Thứ hai, Trung Quốc có thể làm giảm thiểu sự phản đối của cộng đồng quốc tế và giành được sự ủng hộ của các đối tác tiềm năng trong khu vực (như Philippines) nhờ việc tuyên bố yêu sách với câu chữ gần với quy định của UNCLOS hơn. Thứ ba, với vai trò là một cường quốc đang nổi lên, Trung Quốc rất muốn tham gia vào việc định hình luật chơi, cụ thể là tìm cách giải thích lại các quy định của UNCLOS và các quy định hiện hành của luật pháp quốc tế theo hướng phù hợp với lợi ích quốc gia của mình. Trung Quốc có thể dựa vào đội ngũ luật sư và học giả luật pháp quốc tế để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế – đây chính là chiến lược chiến tranh pháp lý, kết hợp với chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý, mà Trung Quốc đang muốn triển khai để củng cố yêu sách trên Biển Đông.

Kết luận

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã đẩy mạnh nghiên cứu các chiến thuật pháp lý, đồng thời tăng cường tiến hành các hoạt động trên thực địa nhằm bảo vệ yêu sách của mình trên Biển Đông. Thông tin mà báo chí đăng về việc có khả năng Trung Quốc đang muốn sử dụng yêu sách “Tứ Sa” thay cho yêu sách “đường đứt đoạn” cho thấy nước này đang chủ động thăm dò phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế thông qua việc đưa ra nhiều giả thiết về yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền. Qua đó, Trung Quốc muốn lợi dụng sự mập mờ để có thể triển khai nhiều cách diễn giải khác nhau trước khi đưa ra một tuyên bố chính thức có lợi nhất, trong khi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa nhằm củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông.

Th.S. Nguyễn Hoàng Minh là nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

RELATED ARTICLES

Tin mới