Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngPhilippines nói TQ tiếp tục đưa thêm tàu đến Trường Sa

Philippines nói TQ tiếp tục đưa thêm tàu đến Trường Sa

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Rodrigo Duterte, Trung Quốc đã điều thêm nhiều tàu đến Biển Đông dù chưa rút hết các tàu ở đá Ba Đầu.

Thành viên tàu tuần duyên Philippines quan sát tàu Trung Quốc trên Biển Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đang xem xét tiếp tục có động thái phản đối khi các tàu Trung Quốc trong vùng biển tăng lên gần 300 chiếc từ hơn 200 chiếc hồi tháng 3.

“Đây là điều cần thiết bởi vì bạn không thể bỏ qua bất kỳ sự việc nào”, ông nói với Bloomberg TV hôm 12/5.

Truyền thông Philippines dẫn tin từ lực lượng đặc nhiệm nước này cho biết tổng cộng 287 tàu dân quân biển Trung Quốc được nhìn thấy ở nhiều địa điểm khác nhau gần Trường Sa, tính đến 9/5. Trong số này, 34 tàu Trung Quốc được cho là vẫn neo đậu ở đá Ba Đầu.

Ngày 12/5, lực lượng đặc nhiệm Philippines cũng báo cáo việc các tàu hải cảnh Trung Quốc “bám theo và thách thức” tàu của lực lượng tuần duyên và cục thủy sản Philippines gần bãi cạn Scarborough.

Căng thẳng trên Biển Đông trong những tháng qua liên quan đến việc hơn 200 tàu cá Trung Quốc được phát hiện neo đậu ở khu vực đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines cho rằng các tàu này liên quan đến lực lược dân quân Trung Quốc, liên tục phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút tàu. Trong khi đó, Trung Quốc nói đây chỉ là tàu cá đang “tránh gió”.

Việt Nam khẳng định hành động của các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu nằm trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện UNCLOS 1982, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới