Một khi kế hoạch xây dựng đảo Thị Tứ thành căn cứ hậu cần quan trọng của Philippines hoàn thành, nó có ý gì với Mỹ – quốc gia đang cực kỳ khó chịu trước sự lộng hành của Trung Quốc trên Biển Đông?
Đảo Thị Tứ là đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích. Từng thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, từ năm 1970, Philippines sau cuộc đổ bộ bí mật thành công, đã nắm quyền kiểm soát đảo này. Dù vậy, tới nay Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan vẫn tuyên bố, coi Thị Tứ là của mình. Đặc biệt, với những gì diễn ra, đảo san hô Thị Tứ lâu nay được coi là một “điểm nóng” trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Cũng vì thế, vài năm nay ngay cả khi ông Duterte mới ngồi vào ghế tổng thống, được cho là “đang trong tuần trăng mật với ông Tập Cận Bình”, các quan chức quốc phòng của Philippines vẫn nhiều lần đến đảo Thị Tứ để giám sát các hoạt động cải tạo, mở rộng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự ở đảo Thị Tứ…
Một kế hoạch tham vọng nhằm biến Thị Tứ thành một căn cứ hậu cần quan trọng hẳn phải được khảo sát, nghiên cứu công phu từ lâu. Tuy nhiên, việc đàn tàu dân quân biển trá hình tàu cá của Trung Quốc đông hàng vài trăm chiếc triển khai và ở lỳ tại nhiều khu vực Philippines coi là họ có chủ quyền hàng tháng nay, rất có thể càng làm Philippines quyết tâm hơn trong việc triển khai kế hoạch kia, nhằm thay đổi tương quan lực lượng, khả năng trinh sát, khả năng tác chiến của các lực lượng bảo vệ biển của Philippines – lực lượng vốn được cho là yếu thế hơn, ngay cả khi so với các quốc gia khác, chứ chưa nói so với hải quân Trung Quốc. Trang mạng Asia Times đã dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines – trung tướng Cirilito Sobejana, nói toạc ý đồ này: “Chúng tôi đề xuất cải tạo đảo Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần để tiếp tế cho tàu thuyền của chúng ta, thay vì phải đi mất quãng đường dài 480 km để quay trở lại thành phố Puerto Princesa (thuộc đảo Palawan) để tiếp liệu. Việc biến Thị Tứ thành một trung tâm hậu cần sẽ giúp các hoạt động tuần tra chủ quyền của chúng ta ở Biển Tây Philippines không bị gián đoạn”. Khi “vụ Ba Đầu” xảy ra, cũng ông này còn lên tiếng kêu gọi quốc hội Philippines “tăng cường chi tiêu cho công cuộc hiện đại hóa quân đội để có thể mua thêm nhiều tàu thuyền hơn nữa”.
Giới thạo tin còn nhận định chắc nịch rằng: Manila sẽ lắp đặt hệ thống camera độ phân giải cao để giám sát các hoạt động của các nước đối địch. Không nói ra, nhưng ai cũng biết, cái gọi là “các nước đối địch” thực ra là chỉ Trung Quốc mà thôi.
Một câu hỏi đặt ra là: Một khi kế hoạch xây dựng đảo Thị Tứ thành căn cứ hậu cần quan trọng của Philippines hoàn thành, nó có ý gì với Mỹ – quốc gia cũng đang cực kỳ khó chịu trước sự lộng hành của Trung Quốc trên Biển Đông? Câu trả lời phải chăng là: Quá tốt, nếu như Philippines đồng ý cho Mỹ đặt các thiết bị do thám, khí tài quân sự trên đảo Thị Tứ, bởi điều đó sẽ tạo ra lợi thế cho Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, một khi ông Duterte còn tại vị, rất có thể chưa thể có cơ hội cho điều “quá tốt” trên với Mỹ. Bởi dù đã căm Trung Quốc, nhưng ra tạo điều kiện cho Mỹ tới mức ấy, ông Duterte sẽ bị Bắc Kinh cho là kẻ “cạn tàu, ráo máng”, đồng thời có những hành động trả đũa khốc liệt.
Vậy nên, có nôn nóng, Mỹ cũng phải…chờ thôi!