Mỹ đã cử chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan – lần thứ 5 kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức – và vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ quân đội Trung Quốc.
Giới phân tích nói rằng việc Hải quân Mỹ cử tàu băng qua tuyến đường biển nhạy cảm này đang dần trở thành thông lệ, và cả những lời cảnh báo từ quân đội Trung Quốc (PLA). Những sự việc như vậy có thể làm tăng rủi ro xảy ra xung đột, trong bối cảnh hai nước đang căng thẳng và thiếu sự liên lạc.
Hạm đội 7 của Mỹ cho hay khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của họ, USS Curtis Wilbur, đã thực hiện hành trình “băng qua eo biển Đài Loan như thường lệ”, phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việc con tàu di chuyển qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” – tuyên bố của Hạm đội 7 có đoạn – “Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu, máy bay và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”.
Phát ngôn viên của Chiến khu Đông bộ PLA, Zhang Chunhui, hôm 19/5 đã gọi động thái mới của Mỹ là “khiêu khích”.
“Động thái của Mỹ đã gửi đi những tín hiệu lệch lạc tới những lực lượng thiên về độc lập ở Đài Loan, làm gián đoạn và hủy hoại tình hình trong khu vực, gây nguy hiểm cho hòa bình và sự ổn định ở eo biển Đài Loan” – ông nói.
Trong lúc khu trục hạm USS Curtis Wilbur đang băng qua eo biển Đài Loan, một máy bay do thám và tuần tra chống hạm cùng một máy bay do thám khác của Mỹ đã bay qua Biển Đông; theo tổ chức Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI). Tổ chức phân tích đặt trụ sở tại Bắc Kinh này viết trên Twitter rằng “có khả năng máy bay trên đang cung cấp thông tin tình báo cho chiến hạm” băng qua eo biển Đài Loan.
Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế thuộc ĐH Renmin ở Bắc Kinh, nói rằng cả PLA và quân đội Mỹ đều công nhận rằng eo biển Đài Loan có thể trở thành “một nơi nguy hiểm” nếu như căng thẳng tiếp tục leo thang.
“Rủi ro đang tăng dần, khi gần như tất cả các kênh liên lạc giữa hai bên đã ngừng hoạt động kể từ sau cú điện đàm đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Biden (trong tháng 2) và cuộc gặp Mỹ – Trung ở Anchorage, Alaska” – ông Shi nói, nhắc tới vòng đàm phán căng thẳng được tổ chức hồi tháng 3.
“Nhưng dường như quân đội hai nước đang áp dụng cách tiếp cận khác khi mà các vụ điều tàu băng qua và những lời cảnh báo đa trở thành thường lệ”, ông Shi nói, thêm rằng thực tế chứng minh cho điều trên là lần này PLA đã đưa ra lời chỉ trích chứ không phải là Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Chiến khu Đông bộ của PLA – chịu trách nhiệm quản lý các vùng biển phía Đông và eo biển chia tách Đại lục với Đài Loan – từng đưa ra một tuyên bố tương tự sau khi Mỹ điều tàu USS John Finn băng qua eo biển Đài Loan trong tháng 3 năm nay.
Chi Le-yi, chuyên gia quốc phòng Đài Loan, nói rằng động thái mới nhất của Mỹ có thể được xem như thông điệp của Washington rằng họ sẽ giữ vững cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
“Hành động mới của Mỹ là nhằm cảnh báo Trung Quốc không tính toàn sai lầm tình hình hiện tại, và nó cũng là lời cảnh báo PLA không nên hấp tấp” – ông Chi nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng chiến hạm của Mỹ đã tránh đi qua đường trung tuyến trên eo biển, được coi như biên giới không chính thức giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. “Nếu các tàu Mỹ băng qua đường trung tuyến đó, PLA sẽ có cớ để đưa ra cách phản ứng mạnh mẽ”, ông nói.