Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếHợp tác tuần duyên Mỹ - Đài Loan và hệ lụy đối...

Hợp tác tuần duyên Mỹ – Đài Loan và hệ lụy đối với Biển Đông

Ngày 25/3, người đứng đầu cơ quan đại diện Đài Loan tại Mỹ Tiêu Mỹ Cầm và đại diện phía Mỹ là Giám đốc điều hành Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan Ingrid Larson đã ký “Bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm công tác tuần tra trên biển” giữa Mỹ và Đài Loan (Bản ghi nhớ). Lễ ký kết được tổ chức với sự tham gia của ông Sung Kim, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương và bà Ann Castiglione-Cataldo, cố vấn về quan hệ quốc tế cho Lực lượng Tuần duyên Mỹ. Đây là thỏa thuận đầu tiên được ký giữa Mỹ và Đài Loan dưới thời Tổng thống Biden, thể hiện rõ sự coi trọng hợp tác hàng hải với Đài Loan và các đối tác khu vực trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Mặc dù Bản ghi nhớ không bộc lộ rõ những biện pháp thực chất, song theo phía Mỹ cho biết “Nhóm công tác tuần duyên” sẽ hỗ trợ các hoạt động bảo tồn tài nguyên biển, đặt mục tiêu giảm tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định. Nhóm công tác cũng sẽ hợp tác tuần tra tìm kiếm-cứu nạn trên biển và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển. Cùng với việc ký Bản ghi nhớ, Mỹ khẳng định ủng hộ sự đóng góp của Đài Loan trong các vấn đề toàn cầu quan tâm, bao gồm an ninh và an toàn hàng hải, và xây dựng mạng lưới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin thực thi pháp luật hàng hải và hợp tác quốc tế.

Giới quan sát cho rằng việc Mỹ ký với Đài Loan Bản ghi nhớ rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc vì những hành động ngày càng hiếu chiến của nước này trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc, bao gồm Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan; động thái mới này của Mỹ như “một quả đấm” vào sau lưng Bắc Kinh bởi đây là sự kiện mang tính bước ngoặt trong chiến lược của Mỹ đối với Đài Loan. Phải chăng chiến lược của Washington trên vấn đề Đài Loan đang từ sự mơ hồ trong quá khứ chuyển sang hướng rõ ràng hơn. Một điều có thể khẳng định, chính sự hung hăng của Bắc Kinh là động lực khiến chính quyền của Tổng thống Biden cần phải thể hiện rõ ràng hơn chiến lược của Washington đối với Đài Loan.

Thứ nhất, việc ký Bản ghi nhớ được tiến hành ngay sau khi Trung Quốc thông qua Luật hải cảnh, có hiệu lực từ đầu tháng 2/2021. Trước đó, Mỹ đã cùng với Nhật Bản và các đối tác khu vực lên án mạnh mẽ Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài – một động thái của Bắc Kinh gây nguy cơ xung đột, đe dọa tự do, an toàn hàng hải trên biển. Ngày 26/3, Thủ tướng Đài Loan Tô Chấn Xương nhấn mạnh Trung Quốc đã đơn phương ban hành “Luật hải cảnh” mới để sử dụng vũ lực, gây căng thẳng và áp lực đối với các nước láng giềng. Dựa trên các giá trị chung, cùng nhau hiệp lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định của khu vực ông Tô Chấn Xương kêu gọi Bắc Kinh không tiếp tục làm sâu sắc thêm căng thẳng trong khu vực. Sự hợp tác về tuần duyên giữa Mỹ và Đài Loan được coi là dấu hiệu tăng cường hợp tác giữa hai bên nhằm đối phó Luật hải cảnh mới của Bắc Kinh.

Một số nhà phân tích cho rằng Luật hải cảnh mới của Trung Quốc như “giọt nước làm tràn ly” là nguyên nhân trực tiếp khiến Mỹ phải có biện pháp tức thời để đáp trả bằng việc ký Bản ghi nhớ với Đài Loan. Thực ra, Mỹ đã có sự hợp tác trên thực tế với Đài Loan trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển từ trước, việc ký Bản ghi nhớ chỉ là thể hiện việc chính thức hóa, quy phạm hóa, thể chế hóa hợp tác giữa hai bên.

Thứ hai, Đài Loan có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực do Đài Loan án ngữ cửa ngõ phía Đông ngăn Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương và được coi là “tàu sân bay không thể đánh chìm”. Cùng với việc tuyên bố “sẵn sàng sử dụng vũ lực thống nhất Đài Loan” của giới cầm quyền Bắc Kinh, những động thái của Trung Quốc liên tiếp cho tàu chiến, máy bay uy hiếp Đài Loan thời gian qua, nhất là kể từ sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, khiến chính quyền mới ở Washington phải hành động để đáp trả. Việc ký Bản ghi nhớ là bước đi cụ thể để đáp lại sự hung hăng ngày càng gia tăng trên biển của Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược “vùng xám” với lực lượng bán quân sự “dân quân biển” núp dưới danh nghĩa tàu cá để thúc đẩy các yêu sách vùng biển phi lý ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, Mỹ đã điều thêm tàu chiến đấu ven bờ thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ (vốn lâu nay chỉ thực thi pháp luật gần bờ biển Mỹ) bổ sung vào lực lượng của Hạm đội 7 để chia sẻ gánh nặng tham gia các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) bảo vệ luật pháp quốc tế trên các vùng biển ở khu vực. Cùng với việc triển khai các tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa thuộc hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, tháng 3/2019, tàu tuần duyên Berthoff và tàu Curtis Wilbur của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan.

Thứ ba, ở một khía cạnh khác, nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bên cạnh việc tăng cường củng cố lực lượng hải quân, không quân trong khu vực, Washington còn chủ trương tăng cường hoạt động của lực lượng tuần duyên thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, trong đó có việc tăng cường hợp tác tuần duyên với các nước trong khu vực, bao gồm hỗ trợ các nước nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Bản ghi nhớ có thể là cơ sở để Mỹ tăng cường hỗ trợ Đài Loan nâng cao năng lực của lực lượng tuần tra trên biển và cũng là cơ sở để Mỹ khuyến khích Đài Loan tham gia sâu thêm vào các hoạt động hàng hải, tuần tra trên biển, cứu hộ cứu nạn của khu vực. Sau khi Mỹ và Đài Loan ký Bản ghi nhớ, người đứng đầu lực lượng tuần tra trên biển của Đài Loan Chu Mỹ Ngũ phát biểu rằng trong tương lai, hai bên sẽ đẩy mạnh sâu rộng hợp tác giao lưu tuần tra trên biển dựa trên khuôn khổ Bản ghi nhớ, Đài Loan sẽ cùng Mỹ bắt tay hợp tác với những “người bạn có chung lợi ích” trong khu vực, cùng nhau duy trì một đại dương tự do rộng mở, hòa bình và ổn định.

Việc ký Bản ghi nhớ không chỉ có ý nghĩa riêng với Mỹ và Đài Loan hay đối với eo biển Đài Loan mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, bao gồm Biển Đông ở một khía cạnh rộng lớn hơn, thể hiện trên một số điểm sau:

Trước hết, như đã nêu ở trên Bản ghi nhớ nhằm ứng phó với việc Trung Quốc áp dụng luật lệ của riêng mình trên vùng biển các nước khác và vùng biển quốc tế như Luật hải cảnh, hay mới đây nhất là Luật An toàn giao thông hàng hải (được thông qua hồi cuối tháng 4/2021); ngăn chặn việc Bắc Kinh sử dụng những luật này để thúc đẩy các yêu sách phi lý. Như vậy, rõ ràng là Bản ghi nhớ sẽ có tác động tích cực tới Biển Đông.  

Hai là, Bản ghi nhớ sẽ tạo cơ sở cho Mỹ can dự sâu thêm vào Biển Đông nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, đặc biệt đây là căn cứ để Mỹ có thể triển khai thêm tàu tuần duyên của lực lượng bảo vệ bở biển Mỹ ở khu vực, bao gồm Biển Đông để tham gia vào các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Sau khi Mỹ và Đài Loan ký Bản ghi nhớ, Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ viết trên trang Twitter: “Mỹ không thể tự hào hơn khi được sát cánh cùng một người bạn tốt như Đài Loan để giải quyết các thách thức của thế giới”.

Ba là, Bản ghi nhớ có thể tạo ra những hệ lụy thách thức đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông là Đài Loan có thể dựa vào Bản ghi nhớ này để tăng cường hoạt động của lực lượng tuần duyên Đài Loan ở vùng biển xung quanh Ba Bình – đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, hiện đang do Đài Loan đóng giữ, thậm chí lực lượng tuần duyên Đài Loan và Mỹ sẽ cùng hiện diện ở Ba Bình và phối hợp tiến hành tuần tra ở khu vực này. Điều này có thể tạo ra những khó khăn nhất định cho các bên tranh chấp khác nhất là Việt Nam, Philippines.

Tuy nhiên, có thể thấy Đài Loan không phải là đối thủ chính của các nước có tranh chấp Biển Đông mà là Trung Quốc. Trước đây, đã từng xuất hiện nhiều mối lo ngại về khả năng hợp tác, phối hợp giữa Trung Quốc và Đài Loan trên vấn đề Biển Đông tạo thách thức lớn đối với các nước ven Biển Đông. Bản ghi nhớ sẽ ngăn cản khả năng “bắt tay” giữa Bắc Kinh và Đài Bắc trên vấn đề Biển Đông.

Có thể thấy mỗi vấn đề đều có tác động hai mặt thuận và không thuận. Xét tổng thể thì việc Mỹ ký với Đài Loan Bản ghi nhớ có nhiều tác động tích cực hơn là hạn chế bởi nó sẽ khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Đài Loan, mặt khác lại thúc đẩy hợp tác nhiều bên trong bảo vệ tự do, an ninh hàng hải trên Biển Đông và trong khu vực.

Chính vì lẽ đó, Bắc Kinh đã có những phản ứng rất mạnh mẽ trước việc Mỹ và Đài Loan ký Bản ghi nhớ. Ngay ngày hôm sau 26/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phản đối; nhấn mạnh thỏa thuận về hợp tác tuần duyên giữa Mỹ và Đài Loan đã vi phạm các cam kết của Washington với Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới