Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinLiệu có xảy ra Chiến tranh Lạnh mới

Liệu có xảy ra Chiến tranh Lạnh mới

Thứ trưởng Quốc phòng Nga nhận định, có xu hướng các quốc gia bị lôi kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Trước thềm Hội nghị Moscow lần thứ 9 về An ninh quốc tế, dự kiến ​​diễn ra vào ngày 22-24/6 tại thủ đô của nước Nga, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin nhận định:

“Ngày nay chúng ta đang chứng kiến ​​sự hình thành của một trật tự thế giới mới. Chúng tôi nhận thấy xu hướng các quốc gia bị lôi kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, ở đó các quốc gia được chia thành ‘chúng ta’ và ‘họ’, ‘họ’ được định nghĩa rõ ràng trong các tài liệu học thuyết là kẻ thù”.

Theo ông Fomin, hệ thống quan hệ quốc tế cũng như khuôn khổ an ninh đang bị phá hủy một cách có hệ thống. Vai trò của các tổ chức quốc tế với tư cách là công cụ ra quyết định tập thể trong lĩnh vực an ninh đang bị giảm sút.

Trong vài năm qua, đặc biệt là dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều thỏa thuận quốc tế đã không còn tồn tại. Trên thực tế, chỉ có một hiệp định chính giữa Washington và Moscow – hiệp ước NEW START – vẫn còn, sau khi Tổng thống Joe Biden đồng ý gia hạn thêm 5 năm.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga cũng lưu ý sự xuất hiện của các hệ thống vũ khí mới, cũng như nỗ lực của một số quốc gia nhằm đưa chiến tranh vào những khu vực chưa từng thấy trước đây, càng làm tăng tốc sự xuất hiện của một “trật tự thế giới mới”.

“Các loại vũ khí mới về cơ bản làm thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực trong thế giới hiện đại đang xuất hiện, với chiến tranh xâm nhập vào các lĩnh vực mới – vào không gian và không gian mạng. Điều này, tất nhiên, dẫn đến sự thay đổi trong các nguyên tắc và phương pháp chiến tranh”, ông nói thêm.

Hội nghị Moscow lần thứ 9 về An ninh quốc tế năm nay quy tụ các quan chức quân sự và chuyên gia an ninh từ các quốc gia khác nhau, với khoảng 49 quốc gia đã xác nhận tham gia.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Fomin, hội nghị sắp tới rõ ràng là một sự kiện phi đảng phái và các nước đều được mời tham gia, bất kể mối quan hệ hiện tại của họ với Nga như thế nào.

Các cuộc thảo luận như tại diễn đàn Moscow đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chính trị và an ninh của thế giới hiện đang trải qua những thay đổi lịch sử, với trật tự thế giới cũ đang sụp đổ, Thứ trưởng Fomin cho biết.

Nguy cơ chiến tranh lạnh kiểu mới giữa các cường quốc thực sự hiện hữu. Mới đây, Nghị sĩ Đức Gunnar Lindemann đã đưa ra lời cảnh báo về khả năng bùng phát căng thẳng như kiểu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố các lệnh trừng phạt mới nhất hồi tháng 3/2021.

Theo vị nghị sĩ Đức, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang “gây tổn hại đến nền kinh tế của châu Âu và trong đó có Đức”, đồng thời kêu gọi Berlin chấm dứt các lệnh trừng phạt vô nghĩa nhằm tránh dẫn tới kịch bản leo thang một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Cùng với đó, các định chế quốc tế giờ đây cũng không còn có sự ràng buộc, Mỹ, Nga đều lần lượt rút khỏi các Hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc. Việc thiếu đi các cơ chế kiểm soát đa phương, nguy cơ tạo ra một khoảng trống phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược tăng cao.

Các quốc gia có thể tự phát triển các loại vũ khí mới, tăng cường các hoạt động thử nghiệm hạt nhân, tên lửa đạn đạo, thậm chí có thể dẫn đến các cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân, nguy cơ đẩy thế giới đến bên lề một cuộc Chiến tranh lạnh mới.

Có nhiều ý kiến cho rằng, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng đột biến trong thập kỷ qua nhưng có thể bị đảo ngược do hậu quả của đại dịch COVID-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế. Cắt giảm chi tiêu quốc phòng có thể sẽ là lựa chọn để cân bằng với các nhu cầu chi tiêu khác dành cho an sinh.

Tuy nhiên, Viện nghiên cứu Hoà bình quốc tế Stockholm cho rằng, chuyện giảm ngân sách quốc phòng trong bối cảnh khủng hoảng sẽ không kéo dài, có thể từ 1 đến 3 năm, rồi tăng lên trở lại những năm sau đó.

Từ năm 2019 – 2020, chính sách, chiến lược quốc phòng, sự xác định thách thức an ninh, quốc phòng và trọng tâm chiến lược của các nước, nhất là nước lớn có nhiều thay đổi. Các vận động quốc phòng cũng sẽ hướng theo những vận động chiến lược mới này.

RELATED ARTICLES

Tin mới