Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến giàn khai thác “Biển sâu số 1” của Trung Quốc ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Tạp chí Thời đại giới thiệu bài viết của TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về vấn đề này.
Giàn khai thác “Biển sâu số 1” trong ảnh chụp tại mỏ khí Lăng Thủy 17-2 ngoài khơi tỉnh Hải Nam.
Điều đầu tiên chúng ta nên xác định xem giàn khai thác biển sâu khổng lồ của Trung Quốc đã và đang hoạt động ở vị trí nào, có nằm trong vùng biển của Việt Nam hoặc ở trong vùng biển chồng lấn phía ngoài cửa vịnh Bắc Bộ hay không.
Thực chất đây là vị trí của một trong các lô dầu khí không thể tách rời của khu vực mỏ khí Lăng Thủy; bao gồm các lô Lăng Thủy 17-2, Lăng Thủy 25-1, Lăng Thủy 18-1 và Lăng Thủy 18-2 mà Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động thăm dò, nghiên cứu đánh giá trữ lượng từ trước, nhưng đẩy mạnh từ sau năm 2015. Căn cứ vào những thông tin được nhiều nguồn khác nhau công bố thì phạm vi khu mỏ khí Lăng Thủy nằm trong phạm vi biển ở cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam tuyên bố năm 1982 khoảng 120 hải lý; cách đường cơ sở ven bờ đảo Hải Nam Trung Quốc khoảng 70 hải lý; cách đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, khoảng 84 hải lý.
Với khoảng cách địa lý như vậy, phải chăng vị trí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn mà Việt Nam và Trung Quốc đã xác định tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của cả hai bên và liệu đường “đường trung tuyến giả định” có thể được sử dụng để phân chia quyền hạn và nghĩa vụ của hai bên trong khi đang đàm phán phân định vùng chồng lấn ở ngoài của vịnh Bắc Bộ?
Và liệu vị trí này, có nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), nếu tính từ Đá Bắc, một điểm cơ sở của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã quy định hệ thống đường cơ sở cho quần đảo theo tiêu chuẩn “Quốc gia quần đảo” năm 1996?
Đường trung tuyến trong đàm phán phân định ranh giới vùng chồng lấn
Theo quy định của UNCLOS 1982, vùng chồng lấn được tạo thành bởi phạm vi của Lãnh hải, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa giữa 2 quốc gia ven biển nằm đối diện hay liền kề nhau. Các bên cần đàm phán để phân định vùng chồng lấn được hình thành dựa theo quy định của UNCLOS1982. Khi đang đàm phán, mà chưa thống nhất được ranh giới cuối cùng, thì không bên nào được tự ý đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác hay bất cứ hành động nào để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong toàn bộ các vùng biển chồng lấn đó. Nếu muốn có hoạt động thăm dò, khai thác hay các hoạt động kinh tế – khoa học… trong vùng chồng lấn, nhất thiết phải được thỏa thuận giữa 2 bên về một “giải pháp tạm thời có tính thực tiễn” và khi áp dụng giải pháp này, không được làm ảnh hưởng đến quá trình đàm phán phân định theo nguyên tắc công bằng mà hai bên có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, quy định việc hoạch định vùng lãnh hải chồng lấn khác với vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.
Tại Điều 15 của UNCLOS 1982 đã quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau: “Khi hai quốc gia có bờ biển liền kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác.” Trong khi đó, việc hoạch định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn thì UNCLOS 1982 không có quy định nào đề cập đến đường trung tuyến theo nghĩa được coi là giới hạn tạm thời để phân biệt vùng biển của bên này hay bên kia.
Tại Điều 74 của UNCLOS1982, đã quy định về việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau:
1. Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.
2. Nếu không đi tới được một thỏa thuận trong một thời gian hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV.
3. Trong khi chờ ký kết thỏa thuận ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoán quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng.
4. Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế được giải quyết theo đúng điều ước đó.
Trong thực tế liên quan đến diễn đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ngoài cửa vịnh Bắc Bộ cho đến nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa thống nhất áp dụng đường trung tuyến, dù là một đường tạm thời hay một đường phân định cuối cùng.
Cho nên, nếu đơn phương dùng “trung tuyến giả định” để phân biệt phạm vi biển thuộc bên này hay bên kia khi xử lý các quan hệ xảy ra trong vùng chồng lấn thì có thể được hiểu đó là sự áp đặt đơn phương về đường phân định mà trong đàm phán cả 2 bên chưa đưa ra hoặc đã đưa ra mà một bên chưa chấp nhận. Điều này trái với quy định của Điều 74, UNCLOS1982; sẽ gây khó khăn, bất lợi, kể cả trong khi đang đàm phán, lẫn ứng xử trên thực tế…
Vị trí giàn khai thác có thuộc vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Hoàng Sa?
Một câu hỏi nữa rất quan trọng là liệu vị trí này có nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) hay không, nếu tình từ đảo Đá Bắc, một điểm cơ sở của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã quy định hệ thông đường cơ sở cho quần đảo theo tiêu chuẩn “Quốc gia quần đảo”?
Câu trả lời là không thể. Theo quy định của UNCLOS1982 quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không phải là “Quốc gia quần đảo” và xét từ nguồn gốc sơ khai, các thực thể địa lý ở đây đều rất bé nhỏ, không thích hợp cho đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, không có đời sống kinh tế riêng, nên chúng không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Lâu nay cùng với việc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc cố tình giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý cho các thực thể ở quần đảo này.
Công bố vị trí hoạt động của giàn khai thác “Biển sâu 01” nói trên, Trung Quốc, một lần nữa, đang giăng “bẫy pháp lý” để giành lấy sự công nhận trên thực tế quan điểm pháp lý sai trái của mình. Đó là việc họ sẽ lập luận rằng vị trí hoạt động của giàn khai thác “Biển sâu 01” là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế quần đảo “Tây Sa” tính từ đường cơ sở của “quần đảo Tây Sa” do họ chính thức công bố năm 1996. Nếu Việt Nam phản đối Trung Quốc đã vi phạm vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; có nghĩa là Việt Nam đã mặc nhiên thừa nhận các thực thể của quần đảo Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý theo quan điểm của Trung Quốc.
Ngược lại nếu Việt Nam không lên tiếng phản đối thì họ lại khẳng định rằng Việt Nam đã mặc nhiên từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với “quần đảo Tây Sa”. Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 Trung Quốc cũng đã làm điều tương tự khi hạ đặt tại một vị trí cách đảo Tri Tôn (một đảo đá nằm về phía cực Nam của quần đảo Hoàng Sa) 18 hải lý.
Từ thực tiễn này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên có phương án phản ứng phù hợp để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập theo đúng quy định của UNCLOS1982, cũng như cách xử lý đối với các vùng biển chồng lấn được hình thành trong khi đàm phán phân định, tránh những cái bẫy pháp lý hết sức nguy hiểm mà Trung Quốc đang cố tình giăng ra trong Biển Đông hiện đang tồn tại những bất đồng, tranh chấp đan xen, phức tạp, và nhạy cảm…
Như vậy, có thể khẳng định rằng, với cự ly, khoảng cách của vị trí giàn khai thác dầu khí nửa nổi nửa chìm mang tên “Biển sâu 01” thì đây là vị trí được Trung Quốc tính toán, lựa chọn khá kỹ để, một mặt, dễ bề áp đặt quan điểm có lợi cho mình trong khi hai bên đang tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ và mặt khác, để bảo vệ cho lập trường “chủ quyền lịch sử” không thể chối cãi của Trung Quốc đối với “quần đảo Tây Sa”, cũng như quan điểm pháp lý của họ dựa trên cơ sở giải thích và áp dụng sai quy định của UNCLOS 1982 nhằm biên minh cho yêu sách đường “lưỡi bò” phi pháp.