Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngCử tri 28 tỉnh muốn kiện TQ về Biển Đông

Cử tri 28 tỉnh muốn kiện TQ về Biển Đông

Cử tri 28 tỉnh, thành phố kiến nghị Chính phủ quyết liệt giữ độc lập, chủ quyền, sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân nguyện gửi Quốc hội, cử tri phản ánh diễn biến tại Biển Đông rất phức tạp. Tại nhiều địa phương, cử tri bức xúc trước những vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là hành động bồi lấp phi pháp đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Trường sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngang nhiên đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công các tàu của ngư dân Việt Nam.

Hạn chế các chính sách thỏa hiệp

Cử tri kiến nghị Bộ Ngoại giao chủ động và phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi, nắm chắc mọi diễn biến tình hình. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, có phương án đấu tranh, phản đối, ngăn chặn kịp thời mọi tình huống phát sinh liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cử tri Bình Định lên tiếng.

Cử tri của 28 tỉnh thành, đề nghị Bộ Ngoại giao có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, dư luận quốc tế trong việc đối phó với các hành động nêu trên của Trung Quốc. Bộ cần sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao cần thận trọng hơn trong các chính sách đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc.

Cử tri lưu ý cần hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc.

Tăng đầu tư tiềm lực Quốc phòng 

Cử tri cũng đề nghị chúng ta cần phải xây dựng, củng cố quốc phòng vững mạnh. Người dân Đồng Tháp, Hà Nam, TP HCM, Quảng Trị, Cà Mau, Hà Nội,  Khánh Hòa, Bình Định và Lào Cai đề nghị tăng đầu tư tiềm lực quốc phòng, tăng cường trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân trong việc khai thác hải sản, phát triển kinh tế.

Bộ Quốc phòng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biển. Ngăn chặn kịp thời tình trạng tàu nước ngoài có hành vi gây hấn đối với tàu của ngư dân Việt Nam đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân yên tâm khai thác trong vùng biển thuộc chủ quyền.

Việt Nam cũng cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại đảo Trường Sa, cử tri đề xuất.

Trong điều kiện kinh tế – xã hội đất nước đang còn gặp nhiều khó khăn, đề nghị nghiên cứu có chủ trương huy động kêu gọi sức mạnh, lòng yêu nước của toàn dân tộc để bảo vệ đất nước, cử tri Quảng Bình nhắn nhủ.

Lo an ninh biên giới Campuchia

Trong báo cáo của Ủy ban dân nguyện, cử tri cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình an ninh quốc gia.

Cử tri Bình Dương băn khoăn trước chủ trương chuyển nhượng quyền khai thác sân bay, cảng biển. Đây là vấn đề lớn, rất quan trọng đối với quốc gia dân tộc, chưa có tiền lệ, trực tiếp liên quan đến an ninh, quốc phòng, độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân… Do đó, cần cẩn trọng xem xét giữa lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và lợi ích quốc gia đối với các cảng biển, sân bay có vị trí chiến lượng về quốc phòng an ninh của quốc gia, cử tri tỉnh này đề xuất.

Trong khi đó, biên giới Campuchia và Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều bất ổn cũng gây quan ngại đặc biệt cho cử tri các tỉnh giáp ranh.

Cử tri Tiền Giang và TP HCM đề nghị thông tin cụ thể về tình hình và biện pháp của Nhà nước ta ở Campuchia để cử tri biết và cần hết sức quan tâm, giám sát chặt chẽ để xử lý triệt để vấn đề này không để xảy ra tái diễn.

“Cần tiến hành nhanh việc phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý biên giới, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam”, cử tri An Giang đề xuất.

Trong khi đó, cử tri Đắk Lắk cho rằng để đảm bảo an ninh vùng biên giới, cần phải cải thiện điều kiện sinh sống của nhân dân tại các xã thuộc biên giới của hai nước Việt Nam và Campuchia. 

Xóa lợi ích nhóm trong xây dựng luật

Cử tri Bình Định, Tây Ninh phản ánh hiện nay công tác xây dựng pháp luật còn nhiều bất cập. Việc các bộ, ngành hữu quan trực tiếp soạn thảo, trình dự án Luật để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến và Quốc hội thông qua như hiện nay là chưa khách quan, tạo ra lợi ích nhóm từ cơ quan soạn thảo.

Cử tri đề nghị Quốc hội có cơ quan chuyên trách, đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao tham gia xây dựng pháp luật để đảm bảo tính khách quan, chất lượng và “tuổi thọ” của Luật khi được ban hành. Hơn nữa, nhiều quy định pháp luật có các khung hình phạt quá rộng, dễ tạo khe hở cho người phạm tội chạy tội để chịu mức hình phạt thấp nhất, cử tri Quảng Bình phản ánh.

Cử tri cũng đòi một số món nợ luật của Quốc hội, trong đó có luật trưng cầu dân ý và luật biểu tình. Cử tri Hải Phòng và TP HCM đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Trưng cầu ý dân nhằm phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân có thể đóng góp ý kiến về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo đó, luật này quy định rõ vai trò của cử tri, công dân đối với quá trình tổ chức trưng cầu ý dân, cụ thể hóa cơ chế để nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp đối với hoạt động trưng cầu ý dân. Việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân cần gắn với Luật tổ chức chính quyền, địa phương nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Nhắc món nợ luật biểu tình, cử tri Đà Nẵng cho rằng, đây là văn bản luật rất quan trọng nhưng Quốc hội đã nhiều lần cho lùi thời gian trình ra Quốc hội để xem xét cho ý kiến và thông qua. Cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm sớm thông qua Luật này trong thời gian đến.​

RELATED ARTICLES

Tin mới