Tuesday, November 5, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biểnBiển Bắc và Trung VN: Các quan điểm khác nhau

Biển Bắc và Trung VN: Các quan điểm khác nhau

Đảo Vân Đồn và khu vực Hải Dương, Quảng Ninh ngày nay từng là một cấu phần quan trọng trong giao thương giữa Đại Việt và các quốc gia xung quanh giai đoạn thời nhà Trần và đầu nhà Lê.

Vân Đồn – một hải cảng chính của Đại Việt trong thời Trần.

Vân Đồn, hải cảng chính của Đại Việt trong thời nhà Trần và đầu nhà Lê đã không được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Sự kiện Vân Đồn, địa điểm có vẻ xa xôi và bị cô lập, đã được chọn làm hải cảng chính của xứ sở được nhìn như một sự xác nhận quan điểm cho rằng các triều đại Việt Nam ưa thích việc hoạt động ngoại thương nên được thực hiện ở nơi càng xa càng tốt đối với kinh đô và rằng hoạt động như thế không mang tính cách trung tâm của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhớ lại rằng cho đến thế kỷ thứ XV, thủy lộ chính nối liền kinh đô của Đại Việt và bờ biển Trung Hoa là con sông Bạch Đằng (khi đó là phụ lưu chính của sông Hồng, trong khi giờ đây phụ lưu chính chảy giữa Nam Định và Thái Bình), khi đó chúng ta sẽ thấy Vân Đồn tọa lạc trên thông lộ chính của thời đại. Nó đã được phát triển trong “cuộc cách mạng thương mại” đầu tiên của Trung Hoa dưới thời nhà Tống, và tọa lạc ở trung tâm khu mậu dịch Vịnh Bắc Việt nằm giữa đảo Hải Nam và Qinzhou, cả hai địa điểm được lui tới thường xuyên bởi các thương nhân Phúc Kiến, Chàm và Hồi Giáo. Chính sách của nhà Nguyên ưu đãi các quan chức, thương nhân, phong tục Hồi Giáo tại Phúc Kiến chắc hẳn đã góp phần nhiều hơn vào sự vươn cao của khu vực mậu dịch được thúc đẩy bởi Hồi Giáo này.

Một khu như thế trở nên rõ nét hơn khi chúng ta đưa các khu vực sản xuất đồ gốm chính yếu của Đại Việt thời điểm này vào bức tranh chung.  Đã có một sự tăng trưởng dân số quan trọng trong thời khoảng giữa năm 1200 đến năm 1340 – con số được gia tăng gấp đôi theo tác giả Yumio Sakurai – hẳn đã cổ vũ cho sự phân công và thúc đẩy ngành sản xuất thủ công nghệ. Đồ gốm được sản xuất tại nhiều địa điểm trong nước, chẳng hạn như Thanh Hóa và Thiên Trường. Từ thập niên 1350 trở đi, một số lò nung không chính thức xuất hiện tại khu vực giờ đây là Hải Dương, sản xuất các đồ gốm với sự tinh xảo cao cấp, đánh dấu một giai đoạn tiên tiến của sản xuất của người Việt Nam. Đa số trong tám lò nung này thuộc vùng Chu Đậu, chỉ cách Vân Đồn một đoạn đường sông ngắn.  Động cơ cho sản xuất đồ gốm này là thị trường Chàm/Hồi Giáo và điều đáng ghi nhận là sự phát triển đồ gốm Việt Nam trong suốt thế kỷ thứ XIV trùng hợp với thời cực thịnh của xứ Chàm, dưới vị vua được biết trong tiếng Việt là Chế Bồng Nga. Có bằng chứng rằng đồ gốm màu thiên thanh và trắng của Đại Việt đã được sản xuất để đáp ứng với nhu cầu từ các thương nhân phục vụ cho thị trường Tây Á, với các sản phẩm ngọan mục nhất được xuất cảng đến tận các nơi xa xôi như Ba Tư, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Các đồ gốm Việt Nam cũng đã được tìm thấy tại các khu vực Hồi Giáo lân cận, chẳng hạn như vùng Sulawesi và miền Trung và Nam Phillippines. Đồ gốm của Chàm tại Gò Sanh cũng được tìm thấy tại cùng các địa điểm này.

Đồ gốm Đại Việt đặc biệt được thiết kế cho việc bán ở nước ngoài làm nổi bật sự hội nhập của xứ sở vào thi trường quốc tế.  Chúng ta biết rằng các viên gạch lót men bóng với hình dạng khác nhau đã được chế tạo cho miền đông Java, theo các kiểu mẫu được cung cấp bởi triều đình Majapahit, và các loại đất nung và men bóng khiến ta nghĩ rằng chúng được sản xuất tại vùng Hải Dương. Điều cũng đáng lưu ý là các tạo phẩm Việt Nam cũng được tìm thấy trong một chiếc tàu bị đắm (khoảng năm 1370-1380) được trục vớt trong năm 1995 tại miền nam Phillippines bao gồm các hạt xâu chuỗi bằng thủy tinh và các chiếc nhẫn bằng đồng, biểu lộ tính phức tạp trong các sản vật được trao đổi xuyên khắp các hệ thống mậu dịch tại Đông Nam Á.

Cái nhìn từ biển vào này cũng còn chiếu rọi ánh sáng mới về ngành thủ công tại khu vực Hải Dương. Nhiều nhà buôn bán hàng thủ công tại Hà Nội tại 36 phố phường nổi tiếng (giờ được gọi là khu phố cổ) truy nguyên nguồn gốc của họ ở Hải Dương – thợ nề, thợ mộc, thợ nhuộm, làm giầy da, và những người có kỹ năng trong việc đục chạm gỗ hay trong ngành in, cũng như những người làm đồ kim loại tại phố Hàng Đồng và Hàng Bạc. Trong thực tế, ngay từ thế kỷ thứ XIII, Hải Dương đã sẵn nổi tiếng về việc chế tạo một loại nón bằng tre (nón Ma Lôi), không khác gì nón tre nổi tiếng của Huế trong thế kỷ thứ XVIII.

Việt Nam đang nỗ lực hồi phục lại nghề làm gốm ở Chu Đậu, Hải Dương.

Danh sách các nghề nêu trên không thuần sử dụng các nghệ nhân; mỗi ngành cũng sẽ đòi hỏi đến hàng ngàn thợ lao động. Thí dụ, ngành đồ gốm, cần đến nhiều lao động: một sản phẩm duy nhất có thể phải đi qua ít nhất 12 đôi bàn tay trước khi hoàn tất. Làm gạch, ít phức tạp hơn, liên hệ không chỉ đến các nghệ nhân mà còn đến cả các công nhân đốn củi trên núi đồi hay sản xuất than đá, cũng như đào và chế biến đất sét từ các vùng lân cận. Tại đảo Vân Đồn, có phế tích của bẩy ngôi chùa thời Trần, khiến chúng ta nghĩ đến một khối lượng đáng kể các vật liệu xây cất đã được sử dụng và chuyên chở đến đó. Con số các người liên hệ một cách gián tiếp đên ngành thủ công nghiệp tại Hải Dương, trong các lĩnh vực chẳng hạn như vận tải đường đất hay đường biển, xây dựng và biến chế thực phẩm hẳn phải là đáng kể.

Công nghiệp đồ gốm tại Hải Dương, bởi thế, không phải là hiện tượng phát sinh một cách ngẫu nhiên được thực hiện bởi một nhóm nhỏ các làng có tính cách nông thôn. Giống như nhiều trung tâm thương mại tại Trung Hoa, nó là một công nghiệp chuyên môn hóa được phát triển nhịp nhàng với các công nghệ địa phương khác; điều này cũng đúng cho việc đóng tàu thuyền, dệt vải, và sản xuất muối.

Trong khi sự tổ chức chính xác của ngành thủ công nghiệp trong giai đoạn này còn cần sự nghiên cứu thêm nữa, các ngôi chùa Phật Giáo có thể đã đóng một vai trò then chốt trong việc nối kết giới thượng lưu tinh hoa, sản xuất và các thị trường. Điều rõ ràng là các ngôi chùa đã là các khách hàng quan trọng nhất về đồ gốm và các vật liệu xây cất.

Điều đáng lưu y khi chúng ta nhớ lại rằng núi Yên Tử, trung tâm Phật Giáo chính của Đại Việt hồi cuối thế kỷ thứ XIII, tọa lạc trong miền này, Quảng Ninh ngày nay. Đây là nơi mà Hoàng Đế Trần Nhân Tông đã thiết lập một phái Phật Giáo Việt Nam nổi tiếng, Phái Trúc lâm – ngay tại trung tâm của khu mậu dịch. Một ngôi cùa nổi tiếng khác, Quỳnh Lâm, cũng đã được xây dựng tại khu vực này bởi nhà sư lừng danh, Pháp Loa, người được cho là đã đúc 1300 tượng Phật bằng đồng trong suốt cuộc đời của ông. Một công việc như thế sẽ đòi hỏi một số lượng tiền lớn và một khối nhân lực đáng kể, nhưng điều còn nổi bật hơn nữa là khối lượng đồng, khi xem xét rằng Đại Việt đã không sản xuất ra kim loại đó trong thời kỳ này. Xứ Chàm, qua các liên kết của nó với các thương nhân từ Trung Đông, có thể đã là nguồn cung cấp quan trọng kim loại này. Chàm cũng có thể tác động như một nguồn cảm hứng tôn giáo cho Đại Việt trong thời kỳ này. Điều quan trọng cần nhận thức rằng Đạo Phật Phái Đại Thừa (Mahayana) phát triển đáng kể cả ở Chàm lẫn Đại Việt, đã giải thích cho các cuộc thăm viếng của Vua Trần Nhân Tông đến nước láng giềng phương nam của ông.

Khu vực này cũng là trung tâm chính trị cụ thể của triều đình nhà Trần trong hơn 150 năm. Như các vua nhà Trần nhiều lần tuyên bố, gia tộc họ “khởi lên từ vùng duyên hải”. Khởi đầu trong năm 1239, triều đình nhà Trần đã xây dựng một nhóm các cung điện khác tại quê hương của họ thuộc huyện Thiên Trường, gần Nam Định ngày nay, một địa điểm gần biển hơn nhiều so với Hà Nội. Giống như Ayudhya một thế kỷ sau này, trung tâm chính trị này “được bao quanh bởi nước thủy triều, và bờ biển đầy các loại cây và hoa thơm ngát. Các chiếc thuyền giải trí được sơn vẽ một cách vui tươi đi tới đi lui [cung điện] giống như một khu đất thần tiên”. Các vua nhà Trần cư trú tại các cung điện ở Thiên Trường thường xuyên hơn là ở Hà Nội, biến khu vực này thành kinh đô trong thực tế.

Một quần thể tụ hội các trung tâm mậu dịch, tôn giáo và chính trị như thế tọa lạc cạnh nhau – và cạnh các trung tâm chính của ngành sản xuất đồ gốm – có vẻ xác định một mô thức cho các thể chế cổ xưa. Thể chế dọc dòng sông là một tổ chức ba thành phần trong đó một trung tâm tôn giáo (thường ở trên núi), một trung tâm chính trị (trong đồng bằng đất phù sa bồi đắp) và một thành phố hải cảng được nối liền với nhau bằng các đường sông. Các thí dụ khác về các sự nối kết giữa các trung tâm tôn giáo và các hải cảng là các sự liên kết giữa Mỹ Sơn và Hội An tại miền trung Việt Nam hay giữa Cát Tiên (tại tỉnh Lâm Đồng) với Cần Giờ (ngoại thành của Sài Gòn).

Cái nhìn từ biển vào phóng chiếu ra sự nghiêm trọng về mô thức nông nghiệp Trung Hoa trên nền kinh tế chính trị và tình trạng chủng tộc của Việt Nam thủa ban đầu, và đã đẩy Đại Việt lại gần hơn phần còn lại của Đông Nam Á. Chúng ta nhìn thấy các dây liên kết trải dài từ bờ biển này đến bờ biển kia tại Vịnh Bắc Việt, cũng như giữa Vịnh và quần đảo và xa hơn nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới