Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếTranh cãi trong nội bộ Philippines về thúc đẩy Phán quyết của...

Tranh cãi trong nội bộ Philippines về thúc đẩy Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc. Đây là thắng lợi lớn của Philippines, tuy nhiên, thời gian gần đây, chính trường Philippines lại nổ ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề Biển Đông và Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa.

Trụ sở Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan.

Để lấy lòng Bắc và phản bác lại phe đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới, hôm 06/5/2021, ông Duterte đã nói một cách vô trách nhiệm rằng Phán quyết ngày 12/7/2016 chỉ là “tờ giấy lộn” để “vứt sọt rác”, Phó Tổng thống nước này, bà Leni Robredo đã lên tiếng phản ứng, nhấn mạnh tuyên bố của ông Duterte là sai trái và bà không thể bỏ qua những hành động “thân Trung Quốc” của vị Tổng thống.

1. Trên các trang mạng xuất hiện nhiều tiếng nói phê phán phát biểu của ông Duterte, nhiều nhà nghiên cứu học giả đã lên tiếng bảo vệ giá trị của Phán quyết 12/7/2016. Đáng chú ý nhất là ý kiến của ba chuyên gia pháp lý cho rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nên biến những “lợi ích” của chiến thắng năm 2016 trở thành luật nhằm chấm dứt “thế bế tắc” giữa Bắc Kinh và Manila.

Ông Francis Jardeleza, một thẩm phán tòa án tối cao đã nghỉ hưu, cho biết ông và hai người khác đã thảo một dự luật có tên gọi “Luật Các thực thể hàng hải Philippines của Biển Tây Philippines (Biển Đông)”, theo đó có thể giúp chính quyền Manila đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền của mình với hơn 100 thực thể tại tuyến hàng hải này.

Dưới thời Tổng thống Aquino III, khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục VII UNCLOS 1982, ông Jardeleza làm việc trong đội ngũ pháp lý của Philippines để thúc đẩy vụ kiện này. Phán quyết ngày 12/7/2016 với chiến thắng vang dội thuộc về Philippines có công lao đóng góp của ông Jardeleza.
Trong bức thư gửi Tổng thống Duterte ngày 5/6/2021, ông Jardeleza viết: “Ngày 12/7/2021 đánh dấu kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về Biển Đông – một chiến thắng mà ông (Tổng thống Duterte) đã khẳng định trong bài phát biểu quốc gia đầu tiên, và đã tái khẳng định trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/9/2020. Không may thay, đã gần 5 năm sau chiến thắng này mà đất nước chúng ta dường như vẫn chia rẽ về cách thức để tận dụng nó hiệu quả nhất”. Ông Jardeleza cho rằng việc biến thắng lợi này thành một luật là “lựa chọn hiệu quả nhất và thực tế nhất” để làm cho phần thưởng mà Tòa Trọng tài quốc tế trao cho Philippines trở nên có sức mạnh hơn.

Nhóm chuyên gia đề nghị một dự luật mới, khẩn cấp đặt tên cho ít nhất 128 cấu trúc trên Biển Đông, mà theo họ Philippines có “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” và 35 “đá ngoài khơi và đá nổi được xác định” mà xung quanh đó Philippines có thể vạch ra từng đường cơ sở”. Họ cho rằng thay vì đòi chủ quyền với cả quần đảo Trường Sa, tốt nhất nên đòi hỏi chủ quyền từng rạn san hô hay đảo nhỏ cùng với lãnh hải xung quanh.

Đề xuất này được đưa ra dựa trên phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye rằng không một thực thể địa chất nào ở Biển Đông có thể được coi là đảo theo luật pháp quốc tế. Do đó, những gì thường được gọi là “các đảo” trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông chỉ là các đá và do đó chỉ tạo ra lãnh hải và không một thực thể nào trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines đủ điều kiện được coi là đảo theo Điều 121 UNCLOS 1982. Ông Jardeleza lập luận rằng: “Do một số đảo đá này và lãnh hải xung quanh đang bị quốc gia bên ngoài chiếm đóng, nên chúng ta (Philippines) cần phải phân định rõ EEZ của mình. Dự luật này vẽ ra các đường cơ sở xung quanh các bãi đá đang tranh chấp để cho phép Philippines thực hiện các quyền trong khu vực EEZ không bị kiểm soát của mình”. Đồng thời, ông Jardeleza nhấn mạnh việc đặt tên cho từng thực thể riêng biệt “cấu thành một hành động chủ quyền liên quan đến mỗi cấu trúc” của Philippines.

Theo ông Jardeleza, nếu Manila nhanh chóng đặt tên cho từng rạn san hô và đảo nhỏ thì họ sẽ khẳng định một cách hiệu quả các quyền của mình trong EEZ và các vùng lãnh hải có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông mà Philipines gọi là “Biển Tây Philippines”. Ông Jardeleza cho rằng: “Dự luật này là công cụ ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhất để thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài và củng cố các quyền lãnh thổ và hàng hải của chúng ta (Philippines) ở Biển Tây Philippines (Biển Đông)”.

Cùng tham gia nhóm chuyên gia, ông Melissa Loja – Tiến sĩ về công pháp quốc tế tại trường Đại học Hong Kong nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa Trọng tài tuyên bố “không một quốc gia ven biển nào, kể cả Philippines” có quyền tuyên bố Trường Sa là một quần đảo. Do vậy, trong bức thư gửi Tổng thống Duterte, các chuyên gia viết “không thể đơn thuần coi các thực thể này như là Nhóm đảo Kalayaan hay Trường Sa hay Nansha Qundao, mà đúng hơn là các thực thể tại Trường Sa phải được coi là những hòn đá độc lập với từng vùng lãnh hải”.

Ông Francis Jardeleza, không phải là thành viên trong Quốc hội Philippines – vốn đang bị chi phối bởi các đồng minh của Duterte, nên sẽ gặp khó khăn khi đưa dự luật ra Quốc hội. Tuy nhiên, Ông Romel Bagares, giảng viên môn luật quốc tế và cũng là người ủng hộ đề xuất này, cho rằng một khi ông Duterte xác nhận cần thúc đẩy khẩn cấp dự luật này thì việc tìm kiếm các nhà lập pháp thúc đẩy dự luật nhanh chóng được thông qua ở cả hai viện trước khi ông Duterte kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 7 năm sau chỉ là “chuyện nhỏ”.

2. Ý kiến không đồng tình với đề xuất của ông Francis Jardaleza và nhóm chuyên gia.

Nhà ngoại giao Philippines Henry Bensurto, một thành viên trong vụ kiện lên Tòa Trọng tài và là Tổng lãnh sự Philippines tại thành phố San Francisco – Mỹ, cho biết ông không đồng ý với ý tưởng để cho các nhà lập pháp quyết định đặt tên cho các cấu trúc trên biển theo danh sách mà ông Jardaleza đề xuất. Tại một cuộc họp báo trực tuyến với các chuyên gia nói trên ông Henry Bensurto cho rằng liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyển tài phán quốc gia “không phải là một vấn đề thích thì làm”.

Ông Henry Bensurto đóng vai trò quan trọng trong vụ kiện Biển Đông của Philippines. Trước khi đi làm Tổng lãnh sự tại San Francisco – Mỹ, ông Henry Bensurto được coi là cánh tay phải của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario – nhà “kiến trúc sư” vụ khởi kiện Trung Quốc (vì ông chính là người chủ trì việc chính phủ Philippines đâm đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài). Ông Henry Bensurto là quan chức pháp lý của Bộ Ngoại giao Philippines, trực tiếp tham gia cùng các chuyên gia tư vấn pháp lý của Mỹ soạn thảo Đơn khởi kiện và Bản biện hộ của Phippines đệ trình lên Tòa Trọng tài, đồng thời cùng các luật sư Mỹ trực tiếp tham gia tranh tụng tại Tòa. Là người trực tiếp tham gia tranh tụng tại Tòa Trọng tài, ông Henry Bensurto hiểu rõ những khía cạnh pháp lý liên quan đến tranh chấp Biển Đông, ý kiến của ông về đề xuất của nhóm chuyên gia do ông Francis Jardeleza dẫn đầu thể hiện rõ tính thận trọng của ông Henry Bensurto liên quan đến vấn đề chủ quyền và các lợi ích trên biển của Philippines.

Chuyên gia về luật biển quốc tế Jay Batongbacal –  Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines thì đưa ra quan điểm rằng dự thảo luật này là “không cần thiết” và cho rằng: “Chúng ta (Philippines không cần hợp pháp hóa tất cả 7.641 đảo của Philippines để có thể thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán với chúng. Sự xâm phạm vào các quyền của Philippines không xuất phát từ những bất đồng về việc nhận diện mà là vì các hành động của Trung Quốc chống lại các ngư dân và tàu của Philippines”.

Ông Batongbacal nói với tờ This Week in Asia trong một cuộc phỏng vấn: “Sự can thiệp, và dĩ nhiên là cả sự bế tắc đó sẽ tiếp tục bất chấp việc xác định rõ các thực thể này”; đồng thời, chỉ ra rằng Cơ quan Thông tin Tài nguyên và Bản đồ Quốc gia của Philippines đã xuất bản và phân phối nhiều biểu đồ có chứa tên và vị trí của các hòn đảo và thực thể ở quần đảo Kalayaan “từ những năm 1970” và “đây là sự thực hiện quyền chủ quyền rõ ràng và thực tế hơn rất nhiều so với giải pháp lập pháp được đề xuất”.

Chuyên gia Jay Batongbacal nói thêm rằng vốn dĩ đã có một “dự luật vùng hàng hải” đang chờ được phê chuẩn tại Thượng viện sau khi đã được Hạ viện thông qua và cho rằng: “Dự luật đó vốn đã bao gồm thẩm quyền cần thiết để vạch ra các khu vực sử dụng đường cơ sở thông thường xung quanh các thực thể tại quần đảo Kalayaan phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài. Việc thực thi dự luật nếu được thông qua sẽ giải quyết vấn đề đang được đề xuất”.

Ông Antonio Carpio, một thẩm phán Tòa án Tối cao đã nghỉ hưu, người đã giúp tranh luận về vụ kiện lên Tòa Trọng tài, cho rằng dự luật do ông Jardeleza đề xuất là không cần thiết. Ông nói rằng Duterte có thể chỉ cần đưa ra một tuyên bố Tổng thống liệt kê các thực thể địa chất với đầy đủ tên và tọa độ, và điều này sẽ nhanh hơn việc thông qua luật. Ông Antonio Carpio cho rằng: “Tình trạng của các thực thể địa chất có thể thay đổi do mực nước biển dâng. Việc đưa tình trạng của các thực thể địa chất vào một bộ luật là không thực tế”.

Sau gần 5 năm kể từ khi phán quyết về Biển Đông ra đời, một lần nữa vấn đề pháp lý xung quanh chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines lại nổi lên và trở thành mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia pháp lý ở Philippines. Đây là do sự nhún nhường của chính quyền Tổng thống Duterte trước Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông khiến Trung Quốc ngày càng lấn tới.

Trong 5 năm qua, mặc dù Tổng thống Duterte “hy sinh vấn đề Biển Đông” để thi hành chính sách thân cận với Bắc Kinh, nhưng các hoạt động của Trung Quốc nhằm vào Philippines ở Biển Đông vẫn tiếp tục gia tăng. Các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền, đuổi các tàu đánh cá của Philippines khỏi ngư trường truyền thống, thậm chí đâm chìm hoặc chặn các tàu của hải quân Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế cho các căn cứ trên biển….Bắc Kinh cũng đã đặt tên, lập bản đồ và đăng ký tên gọi cho hàng trăm thực thể địa lý nằm rải rác trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Tháng 3/2021, Bộ Quốc phòng Philippines đã lên án sự hiện diện của khoảng 240 tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc núp dưới danh nghĩa tàu cá neo đậu dài ngày tại đá Ba Đầu trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Manila đã yêu cầu các tàu Trung Quốc rút khỏi đây nhưng các tàu của Trung Quốc không rút mà tản sang neo đậu tại các bãi đá ngầm và đảo nhỏ khác. Cùng với việc liên tiếp gửi công hàm ngoại giao phản đối Bắc Kinh, chính quyền Manila đã tăng cường hoạt động của các tàu tuần tra trên biển, song với thực lực hải quân hạn chế, Philippines không thể đối phó được với các lực lượng trên biển của Trung Quốc. Con đường duy nhất để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích trên biển của Philippines là đấu tranh pháp lý như họ đã dũng cảm khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài và thành công.

Nhằm không để xảy ra một vụ việc tương tự như ở bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, ông Francis Jardeleza và các chuyên gia khác về luật hàng hải đã thúc giục chính phủ tận dụng phán quyết năm 2016 để tập hợp sự ủng hộ của quốc tế và gây áp lực buộc Bắc Kinh tuân thủ. Suy nghĩ và ý tưởng của ông Francis Jardeleza và nhóm chuyên gia là đúng đắn, song để đạt được hiệu quả, cần có sự thống nhất cao trong nội bộ, trước hết là trong giới luật gia của Philippines. Những tranh cãi giữa các luật gia về vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề Biển Đông chỉ càng khiến ông Duterte có cớ để thêm nhún nhường Bắc Kinh ở Biển Đông. Bài học của Philippines trong vụ kiện Biển Đông với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài cho thấy sự đồng lòng, thống nhất cao trong của giới luật gia Philippines và giữa chính phủ với quốc hội dưới thời cố Tổng thống Aquino III là yếu tố quyết định cho sự thành công.

RELATED ARTICLES

Tin mới