Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếVì sao Indonesia quyết định tăng cường sức mạnh hải quân vào...

Vì sao Indonesia quyết định tăng cường sức mạnh hải quân vào lúc này?

Ngày 10/6/2021, công ty đóng tàu Fincantieri của Italy thông báo rằng công ty này đã đạt được một thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Indonesia về việc cung cấp cho Jakarta 8 khinh hạm, gồm: 6 khinh hạm đa năng FREMM và 2 khinh hạm lớp Maestrale đã qua sử dụng của Hải quân Italy. Fincantieri cho biết thỏa thuận này “có tầm quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai quốc gia tại một khu vực chiến lược của Thái Bình Dương”. Mặc dù hai bên không tiết lộ thông tin về giá trị của thỏa thuận và việc giao hàng, nhưng hai tàu lớp Maestrale sẽ chỉ được bàn giao cho Hải quân Indonesia sau khi Hải quân Italy loại biên các tàu này và Fincantieri tân trang lại chúng.

Quân đội Indonesia hiện đang có sức mạnh số một Đông Nam Á

Năm 2021, ngân sách quốc phòng của Indonesia tăng 11%, lên khoảng 9,2 tỷ USD. Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng tính tỷ lệ theo GDP của Indonesia vẫn thấp thứ 2 ở Đông Nam Á. Năm 2019, Indonesia chỉ chi 0,7% GDP cho quốc phòng, so với 1% của Malaysia, 1,3% của Thái Lan và 3,2% của Singapore. Một tài liệu của chính phủ Indonesia bị rò rỉ gần đây đã hé lộ kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto nhằm củng cố quân đội với chi phí lên đến 125 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, gấp khoảng 3 lần kinh phí được phân bổ trong 5 năm qua. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành khiến kinh tế Indonesia  lao đao, liệu kế hoạch này có được phê duyệt hay không vẫn là điều chưa rõ, song quyết đinh mua 8 tàu chiến vào thời điểm hiện tại cho thấy quyết tâm của Indonesia trong việc tăng cường sức mạnh Hải quân Indonesia bất chấp khó khăn của dịch bệnh.

Quân đội Indonesia đã có các kế hoạch hiện đại hóa từ năm 2007, và đến năm 2010, Hải quân Indonesia đã đưa ra Chiến lược Lực lượng Thiết yếu Tối thiểu nhằm cập nhật và nâng cấp hạm đội cũng như trang thiết bị của lực lượng này đến năm 2024. Cuối tháng 3/2021, Indonesia đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Nhật Bản về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự của Nhật Bản cho quân đội Indonesia. Ngay sau đó đã xuất hiện thông tin Indonesia chuẩn bị chi 3,6 tỷ USD để mua 8 khinh hạm tàng hình mới lớp Mogami của Nhật Bản, song đến nay thông tin này chưa được làm rõ. Ngoài ra, Indonesia đang theo đuổi một thỏa thuận hợp tác sản xuất với Hàn Quốc, trong khi cũng đang có những thỏa thuận tiềm năng khác với Pháp, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ; Nhật Bản cũng đang nghiên cứu khả năng bán tàu ngầm cho hải quân Indonesia. Tất cả các hoạt động mua sắm này là một phần trong kế hoạch nhằm tăng cường đáng kể chi tiêu cho quốc phòng của Indonesia. Các nhà phân tích quân sự đã đưa ra những nhận định về lý do Inonesia quyết định tăng cường sức mạnh Hải quân vào thời điếm này:

Một là, sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng khống chế độc chiếm Biển Đông là nguyên nhân chính khiến Indonesia phải tăng cường lực lượng hải quân để ứng phó. Indonesia không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng yêu sách “đường lưỡi bò” hay yêu sách “Tứ Sa” được Bắc Kinh nêu ra sau khi Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” liên quan đến các vùng biển của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna khiến Jakarta không thể ngồi yên.

Nếu như trước đây, các hoạt động gây hấn ở Biển Đông của Trung Quốc chủ yếu nhằm vào Việt Nam và Philippines là 2 nước có tranh chấp lớn nhất với Trung Quốc thì sau khi thực hiện quân sự hóa Biển Đông, các hoạt động gây hấn của Trung Quốc đã mở rộng xuống phía Nam Biển Đông, bao gồm vùng biển xung quanh khu vực quần đảo Natuna của Indonesia. Indonesia ngày càng trở nên cảnh giác đối với những vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

Từ cuối năm 2019, Trung Quốc triển khai nhiều hoạt động gây hấn đối với Indonesia thông qua việc điều hàng chục tàu cá (trong đó có nhiều tàu dân quân biển núp dưới danh nghĩa tàu cá) dưới sự yểm trợ của các tàu Hải cảnh đánh bắt trái phép trong vùng biển xung quanh quần đảo Natuna gây tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp, mở rộng và quân sự hóa ở Trường Sa được Bắc Kinh sử dụng như các căn cứ xuất phát của các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển tiến hành các hoạt động xâm lấn vùng biển của Indonesia. Jakatar phản đối mạnh mẽ qua đường ngoại giao, đồng thời cử tàu chiến ra để ứng phó, thâm chí đích thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra quần đảo Natuna để khẳng định quyết tâm bảo vệ vùng biển của mình trước các hành động xâm lấn của Bắc Kinh. Tháng 1 năm nay, Trung Quốc còn điều tàu khảo sát hoạt động vùng biển xung quanh Natuna. Những tàu khảo sát của Trung Quốc bị tình nghi thả thiết bị không người lái được dùng để vẽ bản đồ đáy biển và những điều kiện khác có lợi cho tác chiến tàu ngầm.

Đặc biệt, việc giới cầm quyền Bắc Kinh lợi dụng các nước bận ứng phó với đại dịch Covid-19 để gia tăng các hoạt động gây hấn hung hăng ở Biển Đông khiến cho giới chức Jakarta phải cảnh giác.

Cho dù Trung Quốc ủng hộ Indonesia ứng phó với dịch Covid-19, bao gồm cả việc cung cấp vắc xin song Indonesia không vì những điều đó mà lơ là chủ quyền và lợi ích trên biển của mình. Indonesia nhận thức rõ ràng rằng chỉ có việc phát triển mạnh mẽ lực lượng hải quân mới có thể ứng phó được với những thách thức từ mưu đồ bành trướng, bá quyền trên Biển Đông của Bắc Kinh. Tham vọng của giới cầm quyền Trung Quốc là không có giới hạn. Indonesia đã rất bất ngờ khi phát hiện một bản đồ về hoạt động đánh bắt ở Biển Đông do Trung Quốc xuất bản từ tháng 8/1994 cho thấy ngư trường truyền thống của Trung Quốc đến tận phía nam của Natuna, vượt qua “đường lưỡi bò” mà nhiều chuyên gia cho rằng đó chính là yêu sách “Tứ Sa” mà Trung Quôc mới nêu ra thời gian gần đây.

Một số chuyên gia nghiên cứu đã đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Natuna khi nhấn mạnh rằng với tham vọng và dã tâm bành trướng, Bắc Kinh sẽ không chỉ dừng lại ở các hoạt động xâm lấn vùng biển của Indonesia mà sẽ tiếp tục lấn tới, thậm chí đánh chiếm Natuna. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp thúc giục Jakatar tăng cường sức mạnh hải quân.

Hai là, điểm yếu của lực lượng hải quân Indonesia đã bị phơi bày một cách bi thảm qua vụ tàu ngầm KRI Nanggala-402 bị chìm hôm 21/4 vừa qua, khiến toàn bộ 53 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Tàu ngầm KRI Nanggala-402 được sản xuất năm 1977 tại Đức, được Indonesia mua vào năm 1981 và sau đó được Hàn Quốc tu bổ lại năm 2012. Nhiều khả năng tàu KRI Nanggala-402 đã bị sóng ngầm lớn đánh chìm khi đang tiến hành các cuộc tập trận phóng ngư lôi ngoài khơi bờ biển Bali.

Sự yếu kém của Hải quân Indonesia đã ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng những thách thức hàng hải ngày càng gia tăng, nhất là trong bối cảnh các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã tiến vào vùng biển của Indonesia. Sau sự cố tàu ngầm KRI Nanggala-402 bị chìm, Hải quân Indonesia cho biết họ đang nỗ lực mở rộng hạm đội tàu ngầm lên gấp 3 lần, từ 4 lên 12 tàu.

Ông Khairul Fahmi – chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh và chiến lược Indonesia cho rằng nếu số tàu ngầm Indonesia có thể được tăng lên 12 thì có thể đảm nhiệm hoạt động giám sát ở những khu vực mà các tàu tuần tra Indonesia khó thực hiện nhiệm vụ; giúp giảm sự hiện của các tàu nước ngoài ở quần đảo Natuna. Là một quốc gia quần đảo và lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, song Indonesia chưa có được một lực lượng hải quân đủ mạnh xứng tầm với quốc gia có vị trí hết sức quan trọng ở khu vực này. Giới chức Jakarta nhận thức rằng đây là lúc Indonesia cần nâng tầm lực lượng hải quân để đúng với vị trí “người anh cả” trong ASEAN.

Lực lượng hải quân của Indonesia cũng bị ảnh hưởng do Jakatar quá tập trung vào các lực lượng bộ binh, vốn là kết quả của sự cạnh tranh lâu nay giữa các quân chủng và việc quân đội Indonesia có lịch sử đặt trọng tâm vào hoạt động trấn áp những lực lượng nổi dậy ở các khu vực như Aceh và Đông Timor. Sau vụ tai nạn của tàu ngầm, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto tỏ dấu hiệu rằng nước này sẽ đầu tư vào khí tài quân sự, nhất là lực lượng hải quân. Hợp đồng mua sắm 8 tàu chiến với Fincantieri đã đánh dấu một bước quan trọng để quốc đảo lớn nhất thế giới này nâng cao năng lực an ninh hàng hải xứng đáng với tên gọi của mình.

Ba là, Indonesia có một lập trường pháp lý rõ ràng trên vấn đề Biển Đông, là một trong số ít quốc gia trong ASEAN lên tiếng công khai ủng hộ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Hay. Mặc dù có lợi ích quan trọng trong hợp tác kinh tế, thương mại với Trung Quốc, song Indonesia luôn kiên định với lập trường pháp lý của mình trên vấn đề Biển Đông. Tháng 1/2020, khi hàng chục tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, Bộ Ngoại giao Indonesia ra tuyên bố nhấn mạnh: “Yêu sách của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên lý lẽ rằng các ngư dân của họ từng hoạt động từ lâu ở đó là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận”.

Ngoài việc cùng 3 nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông trong ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia) gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia thường xuyên lên tiếng công khai phản đối việc Trung Quốc mưu toan phá vỡ trật tự dựa trên pháp lý ở Biển Đông, trong đó có các dự luật được Trung Quốc ban hành. Indonesia lên tiếng phản đối mạnh mẽ Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép Lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài có hiệu lực từ ngày 01/2 năm nay. Phó đô đốc Aan Kurnia, Trưởng Cơ quan An ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA) cảnh báo việc Bắc Kinh thực thi Luật Hải cảnh mới thì “có nguy cơ xung đột sẽ xảy ra”.

Để có thể tham gia bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông, ứng phó với những các luật lệ đơn phương của Trung Quốc, nhất là Luật Hải cảnh mới và Luật An toàn giao thông hàng hải mới của Trung Quốc, việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, nhất là lực lượng hải quân là điều hết sức cần thiết đối với Indonesia cũng như các quốc gia ven Biển Đông.

Do vậy, dù phải đối mặt với những thách thức của đại dịch Covid-19, Indonesia vẫn quyết định phải mua ngay các tàu chiến để tăng cường sức mạnh hải quân của mình. Đây là lời đáp trả mạnh mẽ nhất của Indonesia đối với sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Những năm gần đây, quân đội Indonesia đã tăng cường lực lượng trên quần đảo Natuna và tổ chức các đợt diễn tập quân sự ở các vùng biển xung quanh quần đảo này. Tháng 7/2020, Hải quân Indonesia đã tổ chức diễn tập 4 ngày ở Biển Đông, trong đó một phần cuộc diễn tập được tổ chức gần quần đảo Natuna. Tháng 11/2020, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono, còn cho biết sẽ chuyển tổng hành dinh lực lượng tác chiến từ Jakarta đến Natuna.

Tuy Indonesia không nói rằng mục tiêu tăng cường sức mạnh hải quân là để đối phó với Trung Quốc, nhưng rõ ràng việc làm này là nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Indonesia trên biển. Nhìn tổng thể việc Indonesia tăng cường sức mạnh là có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Thứ nhất, Indonesia là nước lớn nhất cả về diện tích (trên 1,9 triệu km2) lẫn dân số (gần 275 triệu dân) trong ASEAN và có vai trò, ảnh hưởng quan trọng trong ASEAN. Cho dù không thể so sánh với sức mạnh của Trung Quốc, song việc Indonesia có một lực lượng hải quân mạnh sẽ là đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ hai, không phải là bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Indonesia có cùng lợi ích với các nước ven Biển Đông trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là trong việc bác bỏ các yêu sách phi lý về vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc hợp tác giữa hải quân Indonesia với hải quân các nước ven Biển Đông luôn là một nhân tố hết sức quan trọng chống lại sự cưỡng ép, bắt nạt các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc.

Thứ ba, việc Indonesia tăng cường sức mạnh hải quân đi đôi với việc mở rộng hợp tác trên biển với các nước ngoài khu vực như Nhật, Úc, Ấn Độ, Mỹ và các đồng minh châu Âu của Mỹ tạo ra một sức mạnh chung kiềm chế Trung Quốc. Indonesia chính là nước đưa ra sáng kiến về Tầm nhìn của ASEAN đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được các nước ASEAN thông qua và trở thành lập trường chung của ASEAN đối với chiến lược này của Nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn). Với một lực lượng hải quân mạnh, Indonesia sẽ cùng các nước khác trong ASEAN phát huy vai trò của ASEAN đối với các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Indonesia có cách ứng xử rõ ràng với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Trong khi rất coi trọng quan hệ hợp tác kinh tế, kể cả trong khuôn khổ “Vành đai, con đường” với Trung Quốc cũng như cần tranh thủ Trung Quốc trong ứng phó với dịch Covid-19, nhưng Indonesia luôn phản ứng bất cứ động thái nào của Trung Quốc ở Biển Đông mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của mình. Việc tập trung phát triển sức mạnh hải quân thể hiện rõ quyết tâm của Indonesia trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển của mình trước những thách thức từ sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc. Không đi theo “vết xe đổ” của Tổng thống Philippines Duterte hay chính quyền Kuala Lumpur nhún nhường trước sức ép của Bắc Kinh, chính quyền Jakatar luôn thể hiện thái độ không khoan nhượng trên vấn đề chủ quyền quốc gia. Đây là bài học hữu ích cho các nước ven Biển Đông trong ứng xử với Bắc Kinh. Việc tăng cường lực lượng hải quân và mở rộng hợp tác trên biển với các nước trong và ngoài khu vực là con đường duy nhất cho các nước ven Biển Đông để đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới