Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVì sao chậm giải ngân vốn đầu tư công ở VIỆT NAM

Vì sao chậm giải ngân vốn đầu tư công ở VIỆT NAM

Bất cập trong cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung; quy trình, thủ tục phức tạp; năng lực thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn yếu; nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, điều chỉnh dự án…

Trong 6 tháng năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu đề ra, chỉ đạt 29,02% kế hoạch Chính phủ giao.

Kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với 474/476 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội. Đây là một trong những động lực để các bộ, ngành, địa phương khắc phục nhanh khó khăn, vướng mắc, để hoàn thành kế hoạch giải ngân đề ra trong năm nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn trong thời gian tới thì cần nhiều giải pháp.

Trong 6 tháng năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu đề ra, chỉ đạt 29,02% kế hoạch Chính phủ giao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 3 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 1%. Theo các chuyên gia kinh tế, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh thì vẫn còn một số hạn chế lớn chưa được khắc phục triệt để.

Đó là chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư thấp, phân bổ vốn chậm, nhiều lần, bất cập trong cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung; quy trình, thủ tục phức tạp; năng lực thẩm định, kiểm tra, giám sát, thi công còn yếu; nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, điều chỉnh dự án.

Bà Đoàn Thị Lê An- Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho biết: “Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Hội đồng nhân dân họp mỗi năm ít nhất 2 kỳ và trong thực tế thực hiện xảy ra trường hợp thời điểm trình Hội đồng nhân dân phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, dự án và thời điểm xin ý kiến Hội đồng nhân dân về kế hoạch đầu tư công trung hạn nhiều lúc không trùng với thời điểm tổ chức kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân tỉnh”.

Riêng nguồn vốn ODA, việc giải ngân chậm do nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay, mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân… Do vậy trong những tháng cuối năm cần phải khắc phục những hạn chế này.

Ông Trần Anh Tuấn- Đại biểu Quốc hội TP.HCM đề xuất: “Ngoài việc huy động thông qua phương thức đối tác công tư thế này thì tôi xin có một đề xuất Chính phủ là có hướng dẫn cụ thể hơn về trong việc huy động nguồn lực thông qua chủ trương xã hội hóa các bộ, ngành cũng chưa có hướng dẫn rõ vấn đề này. Đặc biệt là huy động nguồn lực trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục môi trường văn hóa, thể dục, thể thao”.

Theo các đại biểu Quốc hội khóa XV, trong giai đoạn 2016-2020, việc tuân thủ các nguyên tắc “bố trí vốn đầu tư tập trung để khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, dở dang” chưa triệt để, vẫn còn tình trạng bố trí vốn dàn trải, manh mún, hiệu quả thấp, chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư hằng năm, giao nhiều lần, trong một số trường hợp, bố trí vốn chưa phù hợp thứ tự ưu tiên.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế này, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến bố trí vốn của Chính phủ sẽ tập trung hơn, tổng số dự án chỉ còn dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó cơ bản đã bố trí theo đúng thứ tự ưu tiên. Chính phủ khẳng định về cơ bản hành lang pháp lý liên quan đầu tư công đã và đang tích cực được hoàn thiện và tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả đầu tư công trong thời gian tới. Qua đó, cũng cần có sự nỗ lực trách nhiệm của toàn hệ thống.

Từ nay đến cuối năm, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cần các giải pháp quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công, làm động lực cho tăng trưởng, đi đầu là Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thực hiện.

“Tổ công tác có thể là một điểm tựa vững chắc để các bộ, ngành và địa phương yên tâm triển khai các hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công của mình một cách nhanh nhất hiệu quả nhất. Sẽ quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, đó là tăng cường công tác theo dõi, giám sát bằng các hình thức khác nhau, đặc biệt vào trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn chưa kết thúc thì có thể bằng các phương thức trực tiếp, nếu có điều kiện, phương thức gián tiếp để làm sao mà có thể hỗ trợ tối đa cho các bộ, ngành và địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cũng như thông qua đó để đôn đốc thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong công việc đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công”.

Nghị quyết xác định, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 90% với tổng mức vốn đầu tư là 2,87 triệu tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 32-34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong đầu tư công.

Do đó, định hướng thực hiện Nghị quyết xác định là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Đầu tư công cũng phải khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới; đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

RELATED ARTICLES

Tin mới