Monday, November 25, 2024
Trang chủQuân sựTên lửa Đài Loan mạnh cỡ nào?

Tên lửa Đài Loan mạnh cỡ nào?

Trước tình hình quân sự hai bên eo biển đang nóng lên, Đài Loan đang tích cực phát triển tên lửa tầm trung có tầm bắn hơn 1.000 km. Mỹ cũng đang thuyết phục Hàn Quốc và Nhật Bản triển khai tên lửa tầm trung.

Khi trả lời phỏng vấn về các vấn đề này, một chuyên gia quân sự Trung Quốc đã chỉ ra rằng nếu xảy ra xung đột giữa hai bên eo biển trong tương lai, tên lửa tầm trung của Đài Loan thực sự sẽ gây ra một số đe dọa đối với tiến trình thống nhất, nhưng Trung Quốc có một hệ thống phòng thủ tên lửa chuyên biệt đối phó với quân đội Đài Loan, và các rủi ro vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Về phía Hàn Quốc và Nhật Bản, họ vẫn thận trọng trong việc triển khai các tên lửa tầm trung, nên mối đe dọa đối với Trung Quốc không lớn.

Viện Khoa học Trung Sơn, Đài Loan mới đây thừa nhận đang phát triển loại đạn tên lửa “tấn công tầm xa” sản xuất nội địa, bao gồm 1 loại đã sản xuất hàng loạt và 3 loại đang trong quá trình nghiên cứu. Loại đã được sản xuất hàng loạt là tên lửa hành trình Hùng Phong-2E đã được quân đội Đài Loan triển khai, có tầm bắn ước tính khoảng từ 600 đến 1.200 km, đối với các loại đang nghiên cứu chưa sản xuất hàng loạt thì có “2 tầm xa và 1 tầm ngắn”. “Hai tầm xa”: một là tên lửa hành trình tầm xa có tầm bắn khoảng 1.200 đến 2.000 km; loại còn lại là tên lửa đất đối đất với tầm bắn hơn 1.000 km, có thể bao phủ các mục tiêu quân sự chính ở Bắc Kinh, Thượng Hải và khu vực ven biển của Trung Quốc. “1 tầm gần” dùng để chỉ hệ thống pháo phản lực nhiều nòng có tầm bắn khoảng 300 km.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Vương Vân Phi (Wang Yunfei), một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc, tuyên bố rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có một hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa tầm xa, tầm trung và tầm ngắn mà Mỹ và Đài Loan có thể sử dụng xung quanh Trung Quốc. Về công nghệ tuy không phải là tiên tiến nhất thế giới, nhưng cũng thuộc loại hàng đầu. Các vũ khí tầm xa và hỏa lực pháo binh do Đài Loan tự nghiên cứu phát triển sẽ gây ra một số mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Trung Quốc cũng như các lực lượng ở tuyến một và tuyến hai, nhưng chúng không thể phá hoại hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa tổng thể của Trung Quốc.

Vương Vân Phi chỉ ra rằng nếu xảy ra xung đột trong tương lai giữa hai bên eo biển, tên lửa tầm trung của Đài Loan có thể có một số ảnh hưởng đến việc điều động quân sự của Trung Quốc đại lục, nhưng đại lục nắm quyền chủ động ​​chiến lược. Các hệ thống vũ khí tên lửa của quân đội Đài Loan, vị trí phóng, hệ thống chỉ huy và tình báo, đều là mục tiêu được ưu tiên tấn công và tiêu diệt, nên rất khó để phát huy được hiệu quả thực tế. Dù có sót lại một ít thì đại lục vẫn chịu được và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Về việc Mỹ muốn xây dựng mạng lưới tên lửa bao vây trên Chuỗi đảo Thứ nhất, ông Vương Vân Phi cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc thực tế khá thận trọng trong việc triển khai tên lửa tầm trung. Hiện giữaHàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ chưa đạt được đồng thuận vì lo ngại sẽ khiến cục diện địa chính trị xấu đi. Trong thời gian tới, Mỹ chưa chắc đã thành công trong việc tên lửa tầm trung ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Vương Vân Phi chỉ ra rằng sau khi Hàn Quốc và Mỹ chấm dứt “Chuẩn tắc về tên lửa của Hàn-Mỹ”, nếu họ bắt đầu nghiên cứu phát triển tên lửa tầm trung, hướng mục tiêu tiềm năng đến Trung Quốc và Nga, điều này thực sự gây bất lợi cho chiến lược của Hàn Quốc, dẫn đến việc Hàn Quốc bị liệt vào danh sách mục tiêu tiềm tại của hệ thống tấn công chiến lược của Trung Quốc và Nga.

Đối với mong muốn phát triển vũ khí tấn công tầm xa của Nhật Bản, nước này bị hạn chế về mặt pháp lý bởi Điều 9 của Hiến pháp Hòa bình Nhật Bản (tức là từ bỏ mối đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực như một cách giải quyết các tranh chấp quốc tế). Hơn nữa, Nhật Bản thực tế không có lợi cho việc phát triển vũ khí tầm xa, vì Nhật Bản tung thâm sâu, nhiều núi, ít đường nên rất dễ bị vũ khí tầm xa của Trung Quốc và Nga phản công, gây bất lợi cho Nhật về phát triển chiến lược.

Vương Vân Phi cho rằng, không giống như tình hình hiện tại khi hai bên eo biển đang ở vào thế đối đầu quân sự, Đài Loan cần mua vũ khí từ Mỹ và phát triển tên lửa tầm trung của riêng mình để kiềm chế Trung Quốc; Nhật Bản và Hàn Quốc hiện không có nhu cầu nhập khẩu tên lửa tầm trung của Mỹ. Họ biết rõ ràng rằng Đại lục sẽ không xung đột quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản trong tương lai; vì vậy, không cần thiết phải trói mình vào cỗ xe tăng Mỹ, tham gia vào cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc.

Vương Vân Phi chỉ ra rằng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Trung Quốc chủ yếu phòng ngự tên lửa đạn đạo chiến lược của quân đội Mỹ, trong khi đối với tên lửa tầm trung của Đài Loan cũng có hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực chuyên biệt; tên lửa tầm trung của Đài Loan sẽ mang lại một số nhân tố phức tạp cho quá trình thống nhất hai bên eo biển, nhưng không thể giải quyết một cách căn bản ưu thế tấn công của Trung Quốc.

Về loại tên lửa được cho là mạnh nhất của Đài Loan hiện nay, theo trang Phong cách Chiến lược (Strategystyle) Tên lửa Hùng Phong-2E (HF-2E) được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm Hùng Phong-2 (HF-2) và tham khảo thiết kế của tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Quá trình phát triển được bắt đầu vào năm 2000.

Tuy nhiên, do Mỹ không muốn Đài Loan có vũ khí tấn công tầm bắn hơn 130km nên trong giai đoạn đầu nghiên cứu và phát triển nên đã hạn chế việc bán cho Đài Loan các thành phần và công nghệ quan trọng cho tên lửa hành trình. Ví dụ, tháng 1/2007, Bộ Ngoại giao Mỹ đã gia hạn việc rà soát các bộ phận chính xác quân sự xuất khẩu sang Đài Loan. Phía Đài Loan đã tìm cách có được các thứ cần thiết để nghiên cứu, phát triển HF-2E.

Do yêu cầu giữ bí mật nên đến nay không có ảnh nào bị tiết lộ, có phán đoán là nó được mở rộng từ tên lửa chống hạm HF-2. Ví dụ, chiều dài tăng từ 4,8m lên 6,25m (tham khảo kích thước của tên lửa Tomahawk) để chứa nhiều nhiên liệu hơn.

Trọng lượng của quả đạn nhiều khả năng sẽ tăng từ 685kg của tên lửa HF-2 lên khoảng 1400kg, phần lớn trọng lượng mới được dùng cho nhiên liệu, cũng có thể tăng trọng lượng đầu đạn từ 180kg lên mức 454kg của tên lửa Tomahawk để tăng uy lực đòn đánh.

Tên lửa HF-2 có độ cao bay khoảng từ 5m đến 250m và tốc độ bay Mach 0,85. Hiệu suất của bộ phận này của HF-2E phải tương đương, nhưng không loại trừ khả năng tốc độ bay sẽ bị giảm do trọng lượng của thân tên lửa và nhu cầu tiết kiệm nhiên liệu cho bay đường dài, có thể giảm xuống Mach 0,8.

Tên lửa HF-2E được cho là có tầm bắn 1200km, gấp sáu lần tên lửa chống hạm HF-2. Mặc dù phương pháp phóng giống nhau, nhưng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn giúp tăng thêm tốc độ bay và độ cao, sau đó là động cơ tuốc bin phản lực được sử dụng cho hành trình. Người ta cho rằng “xe phóng trên đất liền” đã được nạp và phóng thử và có những bức ảnh vệ tinh được chụp từ trên không để chứng minh phỏng đoán này.

Phương thức dẫn đường của HF-2E tích hợp các phương thức quán tính, đo độ cao chính xác, hiệu chỉnh liên kết dữ liệu vệ tinh và quét địa mạo cùng các cơ chế định vị và đo lường khác để dẫn đường cho tên lửa đi theo quỹ đạo chuyển hướng chiến thuật định sẵn, tránh tầm phát hiện của trạm radar đối phương và bám sát mặt đất bay đến mục tiêu.

Cơ chế dẫn đường pha cuối phải là một tổ hợp nhiều công cụ tìm mục tiêu, bao gồm radar chủ động (RF Seeker) và hình ảnh hồng ngoại (IR Seeker), với cơ chế đối phó điện tử để tăng độ khó cho việc gây nhiễu của đối phương, dẫn đường cho tên lửa đi trúng mục tiêu và kích nổ đầu đạn.

Về số lượng, một số thông tin viết rằng lô 245 quả HF-2E đầu tiên đã được sản xuất, nhưng số lượng thực tế là bao nhiêu thì vẫn không rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới