PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản là không phù hợp.
HoREA đưa ra nhiều đề xuất nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong văn bản này, HoREA đề nghị NHNN và các NHTM xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà; không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.
HoREA đề nghị các NHTM xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, những đề xuất HoREA đưa ra có lợi cho doanh nghiệp bất động sản và đó cũng là điều dễ hiểu, bởi Hiệp hội đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là bảo vệ lợi ích của các hội viên.
Bản thân các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao.
Tuy nhiên, ở đây dường như Hiệp hội mới nghĩ nhiều đến lợi ích của doanh nghiệp hội viên mà chưa nghĩ đến cái chung của nền kinh tế.
Ông Thịnh vẫn ví dụ, HoREA đề xuất doanh nghiệp được phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) số 14/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4, Điều 1 Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 quy định: “Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền tham gia dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế”.
Như vậy, đề xuất nêu trên của Hiệp hội là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Ở đây, hiệp hội đang tính lợi cho doanh nghiệp bất động sản vì nếu đề xuất này được chấp thuận thì thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp thấp đi rất nhiều, ngân sách nhà nước cũng từ đó mà giảm thu.
Tương tự, đối với các đề xuất hỗ trợ khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cũng cần xem xét cẩn trọng. Việc giảm lãi suất cho vay, giữ nguyên nhóm nợ… có thể khiến vốn đổ vào bất động sản nhiều hơn.
Theo vị chuyên gia, bất động sản không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Đáng lưu ý, thời gian qua, đại dịch bùng phát, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vô cùng phức tạp gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế nhưng đối với bất động sản thì chưa hẳn là như vậy.
Bằng chứng là giá giao dịch nhà ở tại các địa phương trong quý II/2021, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt là là ở Hà Nội và TP.HCM, vẫn tăng 5-7% so với quý I. Chính các nhà đầu tư, chuyên gia bất động sản cũng đã tổng kết rằng: Đầu tư vào đất thì không bao giờ lỗ.
Vị chuyên gia lưu ý, chính ngành bất động sản đã tổng kết rằng thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú – ăn uống và tài chính – ngân hàng… Đây có thể là một cái cớ để các doanh nghiệp bất động sản xin hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Thịnh nêu rõ, ngành nào cũng có tính lan tỏa đến các ngành khác trong nền kinh tế.
“Bất kể hoạt động đầu tư nào cũng đều tạo ra nhu cầu về vật tư, thiết bị phục vụ cho ngành nghề đó phát triển. Cho nên, Việt Nam thúc đẩy đầu tư công là vì thế.
Tuy nhiên, ngành có khả năng lan tỏa cao nhất chính là nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến sản phẩm của nông nghiệp.
Bất động sản rất quan trọng, nhưng nó không làm cho nền kinh tế phát triển bền vững. Không phải tự nhiên Nhà nước không ưu tiên cho đầu tư bất động sản và yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đổ vào bất động sản, bởi một khi vốn đổ vào thị trường này nhiều quá dễ dẫn đến rủi ro – đó là nguy cơ bong bóng bất động sản, nếu bong bóng vỡ sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho nền kinh tế”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.
Đây cũng là lý do khiến ông tin rằng chưa nên vui mừng khi bất động sản là một trong bốn nguồn thu đột biến (cùng với ngân hàng, chứng khoán, sản xuất lắp ráp ô tô) cứu nguy cho nguồn thu ngân sách trong 7 tháng đầu năm 2021. Bởi nguồn thu từ đất đai nói chung tăng không ảnh hưởng gì bởi hoạt động hay sức mạnh của nền kinh tế. Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững, không thể cứ chăm chắm dựa vào FDI và đất, mà phải dựa vào hệ thống doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nước có mạnh lên thì nền kinh tế mới phát triển được.
Từ những phân tích trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định: “Ăn cây nào rào cây ấy, HoREA đề xuất nhiều chính sách có lợi cho hội viên là đương nhiên, và cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét những đề xuất này.
Tuy nhiên, như đã nói, không thể thả lỏng lĩnh vực bất động sản trong điều kiện nền kinh tế đang cần vốn và có nhiều biến động. Cần ưu tiên hỗ trợ cho những ngành nghề khác thực sự khó khăn và cần thiết hơn để từ đó có thể tạo ra được lực tăng trưởng cho nền kinh tế, đảm bảo cho sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai”.