Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục “đóng băng” vì...

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục “đóng băng” vì dịch bệnh

Khách sản được rao bán khắp nơi, các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng không ra hàng khi thị trường ảm đạm và ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng giao dịch không đáng kể

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng “ảm đạm” cả năm mới tiêu thụ chỉ được khoảng 120 sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, sức cầu chung của thị trường tiếp tục thấp. Trừ một số dự án bản chất là nhà ở nhưng được hoạt động theo hình thức du lịch – nghỉ dưỡng có tỉ lệ hấp thụ khoảng 30-40%, các dự án còn lại, có giao dịch nhưng không đáng kể.

Ngoài tác động của dịch bệnh còn có những vướng mắc về pháp lý chưa thực sự được tháo gỡ khiến thị trường bất động sản du lịch thiếu sức hút đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, quý 2 năm 2021, nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước là rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu quý 2 năm 2021 khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên. Tuy nhiên, sang nửa cuối quý 2, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh.

Giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng giảm khoảng 20 – 25% so với quý trước, có nơi giảm 50-70% để tìm nguồn thu duy trì hoạt động nhưng vẫn không có khách.

Một số khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, cơ sở kinh doanh lưu trú gặp khó khăn liên tục trong 2 năm qua, cùng với đó thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không còn sức hấp dẫn như trước, giao dịch tiếp tục ở mức thấp. Điều này do 2 nguyên nhân là nguồn cung hạn chế và tâm lý “cố thủ, chờ đợi” của các nhà đầu tư xem diễn biến của tình hình dịch bệnh.

“Phân khúc khó khăn nhất trong thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, condotel. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ còn khó khăn khi dịch bệnh vẫn chưa thể kiểm soát, sẽ có những doanh nghiệp không còn tiếp tục duy trì được khi dịch bệnh kéo dài” – ông Nguyễn Thế Điệp nói.

Khách sạn rao bán khắp nơi

Trong cả năm 2020 và 2 quý của năm 2021, vì dịch bệnh mà cả nước gần như “trắng” khách quốc tế. Khách nội địa là nguồn thu để duy trì hoạt động của các khách sạn cầm cự với dịch bệnh cũng không có công suất phòng giảm mức dưới 30%, có những thời điểm không có khách.

Tại Hà Nội, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã khiến các khách sạn tại phố cổ Hà Nội doanh thu giảm. Các tháng vắng bóng khách du lịch kéo dài, kinh doanh thua lỗ khiến nhiều khách sạn đã phải đóng cửa.

Thậm chí, một số khách sạn trên khu phố cổ đã dán thông báo rao bán với mức giá gần 70 tỷ đồng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, không dễ để tìm được người mua.

Tại Đà Nẵng một trung tâm về du lịch của miền Trung, hàng loạt khách sạn đã rao bán vì không chịu nổi áp lực của dịch Covid-19. Phần lớn các khách sạn đều đóng cửa hoặc chỉ mở để duy trì hoạt động. Trên các web bất động sản, nhiều tin rao bán khách sạn được đăng liên tục. Cụ thể, một khách sạn 12 tầng, diện tích 200 m2 với 52 phòng đang kinh doanh, tiện ích 3 sao, mặt tiền biển Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà được rao bán giá 75 tỷ đồng.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, dịch bệnh liên tục diễn ra doanh nghiệp kinh doanh lưu trú đã kiệt quệ, thêm một đợt dịch khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Nhiều nhà hàng, khách sạn rao bán tại Đà Nẵng đây cũng là quy luật thị trường và đó là thực tế khi các cơ sở không duy trì được hoạt động.

“Một số nhà đầu tư kinh doanh lưu trú với quy mô không lớn và khả năng tài chính yếu không chịu được áp lực thì phải bán cắt lỗ, chỉ tập trung ở phân khúc hạng thấp. Số lượng các cơ sở kinh doanh này cũng không quá nhiều” – ông Cao Trí Dũng cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới