Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinBắc Kinh tiến hành "diệt chủng văn hóa" ở Nội Mông

Bắc Kinh tiến hành “diệt chủng văn hóa” ở Nội Mông

UCA News đưa tin, các nhà hoạt động và nhà bình luận cho biết động thái của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm mở rộng giáo dục tiếng Quan Thoại bắt buộc tại các trường mầm non trên khắp đất nước là một phần của “cuộc diệt chủng văn hóa” ở Nội Mông và các khu vực có nền văn hóa khác biệt.

Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin hôm 11/8, các quan chức ngành giáo dục của ĐCSTQ đã hướng dẫn các trường mẫu giáo tại các vùng dân tộc thiểu số và nông thôn giới thiệu [cho học sinh về] tiếng Quan thoại.  

Một chỉ thị cho biết, kế hoạch mới này nhằm tạo điều kiện cho trẻ em mẫu giáo ở các vùng dân tộc thiểu số và nông thôn dần có khả năng giao tiếp tiếng Quan Thoại ở mức cơ bản và tạo nền tảng cho giai đoạn giáo dục bắt buộc.  

Yang Haiying, giáo sư tại Đại học Shizuoka, Nhật Bản, cho biết động thái này là một phần trong kế hoạch của ông Tập Cận Bình nhằm áp đặt chương trình nghị sự chính trị của ĐCSTQ cho trẻ em từ khi còn nhỏ.

Ông Yang nói: “Ông Tập đã tuyên bố đã đưa Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo, và giờ ông ấy cũng đang cố gắng thống nhất đất nước Trung Quốc về mặt văn hóa. Điều đó có nghĩa là thống nhất ngôn ngữ, theo quan điểm của ông ấy”.

Kể từ năm ngoái, chính sách cưỡng bức giáo dục tiếng Quan thoại của ĐCS Trung Quốc đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở Nội Mông. Những người dân tộc Mông Cổ đã tẩy chay các lớp học, biểu tình trên phố và tố cáo quá trình này là “tội ác diệt chủng văn hóa”.

Phản ứng lại các cuộc biểu tình, nhà chức trách đã đàn áp mạnh tay trên toàn khu vực và khai triển lực lượng cảnh sát chống bạo động. Trong một số trường hợp, chính phủ đã sử dụng vũ lực để khiến học sinh quay trở lại trường học, bao gồm đe dọa và bắt giữ.

Ngày 24 tháng 11, người dân tộc Mông Cổ đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Quốc hội Nhật Bản ở Tokyo trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới nước này. Cuộc biểu tình kéo dài hai ngày đòi đảo ngược chính sách giáo dục mới của ĐCS Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nội Mông không phải là dân tộc duy nhất chịu sự đàn áp về văn hóa.

Chính sách giáo dục tương tự đã được áp dụng ở Tân Cương, nơi sinh sống của những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp, ở Tây Tạng và tại các trường dạy tiếng Hàn ở đông bắc Trung Quốc, nơi tập trung khoảng 2,3 triệu người dân tộc Triều Tiên.

Ngôn ngữ được coi là một phần không thể thiếu trong bản sắc dân tộc và đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh của người Tây Tạng chống lại sự cai trị đàn áp của ĐCS Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đã loại bỏ cả các khóa học ngôn ngữ không chính thức trong các tu viện và thị trấn. Bắc Kinh cũng đàn áp giáo viên dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số bằng cách bắt và giam giữ họ.

Tịch Hải Minh (Xi Haiming), Chủ tịch Quốc hội miền Nam Mông Cổ, coi hành động của Bắc Kinh vi phạm rõ ràng hiến pháp của Trung Quốc và luật về các khu tự trị dân tộc.

Ông Tịch nói “Theo hiến pháp Trung Quốc, tất cả các nhóm dân tộc đều có quyền và tự do bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của mình. Luật Khu tự trị dân tộc cũng bảo đảm những quyền đó”.

Enghebatu Togochog thuộc Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ có trụ sở tại New York cho biết ĐCSTQ đang thực hiện “cuộc diệt chủng văn hóa toàn diện” ở Nội Mông.

Ông nói “Mục tiêu của đợt diệt chủng này rất rõ ràng: xóa sổ hoàn toàn ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc Mông Cổ khỏi [Nội] Mông Cổ để tạo ra một xã hội Trung Quốc đồng nhất, không có bất kỳ vấn đề sắc tộc nào”.

Ông Togochog kêu gọi cộng đồng quốc tế tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 tại Trung Quốc.

Ông nói: “Cho phép [ĐCS] Trung Quốc đăng cai Thế vận hội cũng giống như cho phép Đức Quốc xã đăng cai một kỳ Thế vận hội khác. [ĐCS] Trung Quốc đang thực hiện nhiều vụ diệt chủng trước con mắt của cộng đồng quốc tế [và] đàn áp mọi bất đồng chính kiến, đàn áp bất kỳ cuộc biểu tình hòa bình nào.”

Ông cho biết thêm “[ĐCS Trung Quốc] là một mối đe dọa đối với nhân loại. Nó là một mối đe dọa hiện hữu đối với các giá trị cốt lõi của dân chủ, nhân quyền và phẩm giá con người”.

RELATED ARTICLES

Tin mới