Thursday, November 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thống Obama và "những bước đi táo bạo" trên Biển Đông

Tổng thống Obama và “những bước đi táo bạo” trên Biển Đông

“Các bạn có thể dựa vào Hoa Kỳ”, ông Obama nói.

LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông về những diễn biến mới nhất trên Biển Đông xung quanh hội nghị thượng đỉnh APEC, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

VOA ngày 18/11 cho biết, sau cuộc họp chung với Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho rằng cần có “những bước táo bạo” để giảm thiểu những mối căng thẳng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc và 5 nước khác, trong đó có Việt Nam và Philippines, có những yêu sách chủ quyền và hàng hải chồng lấn nhau.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn lời ông chủ Nhà Trắng cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về ảnh hưởng của những hoạt động lấp biển lấy đất và những hoạt động xây dựng của Trung Quốc đối với sự ổn định của khu vực. Chúng tôi đồng ý với nhau là cần có những bước táo bạo để giảm thiểu căng thẳng, trong đó có cam kết ngưng cải tạo đất, không xây dựng thêm, và không quân sự hoá những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.”

“Bạn có thể dựa vào Hoa Kỳ”

Nikkei Asian Review ngày 18/11 cho biết, Hoa Kỳ sẽ cung cấp 259 triệu USD giúp 4 nước Đông Nam Á bảo vệ vùng biển của mình và chống lại sự hiện diện quân sự (bất hợp pháp) ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhà Trắng công bố gói viện trợ này hôm Thứ Ba khi Tổng thống Barack Obama sang Philippines dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

Ông chủ Nhà Trắng đã có một cử chỉ tượng trưng mang nhiều hàm ý khi lên thăm tàu BRP Gregorio del Pilar, con tàu đã đương đầu với tàu Hải giám Trung Quốc ngoài Scarborough trong cuộc khủng hoảng tháng 4/2012. Mỹ có nghĩa vụ theo hiệp ước, cam kết bọc thép để bảo vệ đồng minh của mình – Philippines. “Các bạn có thể dựa vào Hoa Kỳ”, ông Obama nói sau khi thăm tàu BRP Gregorio del Pilar.

Trong số 259 triệu USD viện trợ lần này, Philippines nhận được 79 triệu nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển nước này hiện chỉ có khoảng 40 tàu nhỏ lẻ trong biên chế. Số tiền này sẽ được dùng để mua lại một tàu tuần tra cũ của Cảnh sát biển Hoa Kỳ. Số còn lại, Mỹ tài trợ cho Việt Nam khoảng 40 triệu USD với 19,6 triệu trong năm tài khóa 2015 và 20,5 triệu trong năm tài khóa 2016.

Mức viện trợ của Mỹ cho Indonesia là 21 triệu USD và Malaysia là 2,5 triệu USD và đều phân bổ làm 2 đợt, năm tài khóa 2015 và 2016.

Theo đài VOA Hoa Kỳ, ngày 17/8 Nhà Trắng ra thông cáo báo chí cho biết, Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ các cơ quan thực thi hàng hải của Việt Nam tăng cường năng lực kiểm soát và chỉ huy, đồng thời nhắc lại tuyên bố trước đây rằng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương liên quan đến hàng hải, đồng thời mở rộng các hoạt động huấn luyện giữa hai nước, tập trung vào vấn đề cứu nạn, nhân đạo.

Tổng thống Obama thăm chiến hạm cũ bán cho Philippines và đã từng được Manila sử dụng để đương đầu với tàu Hải giám Trung Quốc ngoài Scarborough. Ảnh: mb.com.ph.

Tờ VnEconomy ngày 18/11 dẫn thông cáo báo chí Nhà Trắng nói rằng, chương trình hỗ trợ phát triển năng lực an ninh trên biển của Mỹ dành cho Đông Nam Á nhằm mục đích giúp các nước trong khu vực “đáp trả các nguy cơ trên vùng biển của họ”.

“Nước Mỹ sẽ tiếp tục cam kết cải thiện năng lực an ninh trên biển ở Đông Nam Á. Chúng tôi sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để phát triển năng lực phòng thủ và tuần tra trên biển một cách hiệu quả nhất. Chúng tôi sẽ tham vấn các đồng minh và đối tác để chắc chắn về nhu cầu của họ và tìm hiểu các cơ hội mới về hợp tác trên biển”, tuyên bố viết.

Bình luận về động thái này, Nikkei Asian Review ngày 18/11 nhận xét, Mỹ đã rót tiền viện trợ an ninh hàng hải cho 4 nước Đông Nam Á trong bối cảnh Việt Nam và Philippines đã nâng cấp quan hệ song phương thành đối tác chiến lược, hợp tác chặt chẽ, mạnh mẽ hơn về an ninh hàng hải cũng như các vấn đề khác.

Phản ứng đầy ẩn ý của Bắc Kinh

Hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với báo giới rằng: “Mỹ nên dừng ngay việc làm rối tung các vấn đề về Biển Đông, dừng gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tranh chấp trên Biển Đông. Không một quốc gia nào có quyền chỉ đạo việc xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc”.

Đáng chú ý hơn nữa, ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố trước báo giới từ Bắc Kinh rằng: “Chính phủ Trung Quốc có quyền và có khả năng ‘thu hồi’ các đảo, đá ngầm bị các nước láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp. Nhưng chúng tôi đã không làm điều này. Chúng tôi đã duy trì sự kiềm chế rất lớn với mục đích để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, ông Lưu Chấn Dân đã bất chấp công luận, bất chấp luật pháp quốc tế và lẽ phải khi đưa ra tuyên bố này.

Phát biểu của ông Lưu Chấn Dân cho thấy một thái độ thách thức công luận và luật pháp quốc tế, bất chấp tất cả để thực hiện yêu sách đường lưỡi bò hết sức phi lý mà Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947.

Nếu như các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bao gồm ông Tập Cận Bình mới chỉ tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền từ thời cổ đại, do cha ông để lại” đối với “các đảo” ở Biển Đông, bao quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, và Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng, Việt Nam thì phát biểu của ông Dân dường như đã tiến thêm một bước.

Trung Quốc nói họ đã “kiềm chế lắm” mới không “thu hồi” (?) các thực thể ở Biển Đông do các bên khác đang đóng giữ. Nói cách khác phải chăng họ muốn ám chỉ rằng, cứ đợi đấy, khi đủ điều kiện và gặp thời cơ, họ sẽ sẵn sàng thực hiện cái gọi là “thu hồi” bằng mọi giá? Hy vọng rằng người viết phán đoán nhầm.

Tuy nhiên không thể không cảnh giác trước nguy cơ Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp quân sự để đánh chiếm nốt các thực thể ở quần đảo Trường Sa đang ngày một hiện hữu. Phát biểu của ông Dân phải chăng muốn dọn đường dư luận cho việc này? Việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa cũng có thể không ngoài mục đích ấy?

Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc với thông điệp đầy ẩn ý. Ảnh: EPA.

Chính vì vậy cá nhân tôi đánh giá rất cao những phát biểu và hành động thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý và lẽ phải, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Hoa Kỳ đang tiến hành.

Với sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực, không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm, nhưng một khi họ đã để lộ ý đồ mà ông Dân gọi là “kiềm chế lắm” thì các bên liên quan phải đặc biệt lưu ý, đề phòng và có phương án sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống.

Hai gọng kìm xiết chặt tham vọng bành trướng của Trung Quốc

Quan sát những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông cũng như những diễn đàn quốc tế, khu vực mà Biển Đông được lôi ra mổ xẻ có thể thấy đã có 2 gọng kìm hình thành nhằm kiềm chế, xiết chặt lại tham vọng bành trướng lãnh thổ hàng hải một cách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Gọng kìm thứ nhất là pháp lý, đó chính là thông cáo báo chí ngày 29/10 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan phán quyết, PCA đủ thẩm quyền xét xử vụ việc Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông. Dù Bắc Kinh tham dự hay không, phiên tòa vẫn được tiến hành bình thường và có thể có phán quyết cuối cùng vào giữa năm tới.

Có thể nói đây là thắng lợi lớn của Công pháp quốc tế mà quan trọng nhất là UNCLOS, thắng lợi của khu vực và quốc tế, công lý trước cường quyền. Mặc dù hiện tại Liên Hợp Quốc chưa có cơ quan thi hành án trong khi Trung Quốc là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết mọi phán quyết bất lợi cho họ, nhưng phán quyết bước đầu này của tòa vẫn có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Trong trường hợp Tòa xử cho Philippines thắng kiện, tức là bác bỏ đường lưỡi bò vô lý của Trung Quốc mà cá nhân tôi cho rằng có nhiều khả năng xảy ra, Bắc Kinh càng chối bỏ thì càng tự vạch mặt mình trước dư luận quốc tế rằng anh đang bất chấp luật pháp, bất chấp dư luận. Cái giá họ phải trả về uy tín quốc tế không hề nhỏ, dù có đổ bao nhiêu tiền viện trợ đồng minh đối tác để mua tiếng nói ủng hộ cũng không lại được.

Mặt khác, phán quyết đó của tòa sẽ cổ vũ các bên liên quan sử dụng kênh pháp lý, thông qua cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp với Trung Quốc theo khuôn khổ của UNCLOS mà Trung Quốc là một thành viên. Bắc Kinh sợ nhất là các bên đồng loạt khởi kiện mình.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Gọng kìm thứ 2 chính là sự can thiệp ngày càng rõ ràng và hiệu quả hơn của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền tự do hàng không, hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Việc tuần tra của tàu USS Lassen trong 12 hải lý quanh đá Xu Bi hôm 27/10 cho thấy điều này.

Gần đây nhất là ngày 12/11 phía Mỹ thông báo 1 chiếc B-52 đã tuần tra tự do hàng không bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, một thực thể khác Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp và xây dựng đảo nhân tạo ở phía Đông Trường Sa.

Những gì Hoa Kỳ đã nói và đã làm về vấn đề Biển Đông vừa qua có thể thấy, Washington quyết không để mất vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên những tuyên bố và hành động của phía Trung Quốc cũng thể hiện rằng họ vẫn muốn phiêu lưu với cái mác “mở rộng không gian chiến lược”, cụ thể là hiện thực hóa đường lưỡi bò.

Nguy cơ chạm trán, đối đầu giữa hai siêu cường trên Biển Đông vẫn còn đó. Tuy nhiên, với những nỗ lực từ hải quân hai phía thời gian qua có thể thấy, Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh, USS Lassen hay B-52 tuần tra không có nghĩa là dấu hiệu của một kịch bản xấu nhất.

Trước những diễn biến mới mau lẹ như vậy, thiết nghĩ các bên liên quan cần lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, bảo vệ công lý và thượng tôn pháp luật, nhằm góp phần ngăn chặn những âm mưu biến Biển Đông thành ao nhà, thành thùng thuốc súng trong thời gian tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới