Saturday, November 9, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnGS Thayer dự đoán 4 chủ đề chính trong chuyến thăm Việt...

GS Thayer dự đoán 4 chủ đề chính trong chuyến thăm Việt Nam của bà Harris

Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales (Australia) đã dự đoán 4 chủ đề chính trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đặt chân tới Hà Nội vào tối ngày 24/8, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam đến ngày 26/8. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một phó tổng thống Mỹ đương nhiệm đến Việt Nam và cũng là chuyến thăm đầu tiên của bà Harris tới khu vực Đông Nam Á.

Chuyến thăm Đông Nam Á của bà Harris, cũng bao gồm điểm đến là Singapore, thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế, trong bối cảnh có các dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy quan hệ với các nước chủ chốt trong khối ASEAN nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.

Trao đổi qua email với phóng viên Dân trí trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ, giáo sư Carl Thayer đã nhận định về các vấn đề trọng tâm trong chuyến công du này.

Thứ nhất, theo ông Thayer, bà Harris sẽ tái khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực Đông Nam Á và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như một trật tự khu vực dựa trên luật lệ với cơ sở là luật pháp quốc tế và quyền tự do thương mại trên biển. Ông nói, Việt Nam hoan nghênh đây là một đóng góp mang tính xây dựng cho hòa bình, ổn định và an ninh.

Thứ hai, ông Thayer dự đoán, trong chuyến thăm của bà Harris, Mỹ và Việt Nam có thể sẽ công bố một loạt sáng kiến tập trung vào hợp tác nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, trước hết sẽ là đối phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực hợp tác khác có thể sẽ bao gồm giảm thiểu biến đổi khí hậu, an ninh mạng, thương mại và đầu tư (thương mại kỹ thuật số và an ninh chuỗi cung ứng), giáo dục và giao lưu nhân dân.

Thứ ba, chuyên gia Australia cho rằng bà Harris sẽ nêu vấn đề Biển Đông và cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục tăng cường năng lực an ninh biển.

Thứ tư, ông Thayer dự đoán, hai bên cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện nhằm nâng tầm quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược trong tương lai.

Theo chuyên gia Australia, chính quyền Tổng thống Biden đã xác định Việt Nam (và Singapore) là đối tác tiềm năng trong bản “Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” được đưa ra hồi tháng 3 năm nay, tài liệu là cơ sở cho việc soạn thảo Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ dự kiến hoàn thành cuối năm. Điều đó là bởi cả Việt Nam và Singapore đều là những bên đóng góp tích cực và mang tính xây dựng cho an ninh khu vực thông qua sự ủng hộ và lãnh đạo trong ASEAN và các tổ chức đa phương khác có liên quan đến ASEAN như Hội nghị Cấp cao Đông Á, ADMM+, Diễn đàn Khu vực ASEAN…

Theo ông Thayer, Mỹ sẽ ưu tiên hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực nhằm tăng cường phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực, đặc biệt trong lĩnh vực thực thi pháp luật và an ninh hàng hải.

Ông Thayer cũng nêu ra một số nhận định cho rằng Phó Tổng thống Harris và các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ thảo luận các cơ hội trong việc đưa ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam lên một tiêu chuẩn cao hơn nhằm thiết lập chuỗi cung ứng an toàn cho các nhà sản xuất Việt Nam đến thị trường Mỹ.

Nhận định về chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, nhà nghiên cứu James Borton từ Viện chính sách đối ngoại thuộc (SAIS) Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định rằng Mỹ hiểu rõ cầu nối chiến lược và những lợi ích chung với Việt Nam vì cả hai quốc gia đều chia sẻ mối quan tâm chung về khu vực.

Ông Borton cho hay, trải qua nhiều năm để hàn gắn những vết thương chiến tranh, hai nước đã có những bước đi tích cực, đầy ấn tượng để thúc đẩy quan trọng, nổi bật là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào năm 2015, sau đó là chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2016, với việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Các cuộc gặp cấp cao trực tiếp và nhiều hoạt động khác đã giúp củng cố mối quan hệ giữa hai nước.

Chuyên gia Borton dự đoán, các vấn đề chính sẽ được quan tâm trong chuyến thăm lần này là thương mại, Biển Đông, Covid-19, các vấn đề biến đổi khí hậu sông Mekong.

Văn phòng CDC Đông Nam Á tại Hà Nội

Cũng liên quan tới chuyến thăm Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/8 cho biết Mỹ sẽ mở văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tại Hà Nội nhằm hỗ trợ khu vực ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đánh giá về động thái trên, giáo sư Thayer cho rằng đây sẽ là một bước phát triển quan trọng vì nó thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ không chỉ đối với Việt Nam mà cả khu vực trong việc đối phó với Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

“Trung tâm CDC sẽ cho phép sự hợp tác trong khu vực giữa các chuyên gia y tế để thu thập dữ liệu về việc sử dụng và hiệu quả của vắc xin và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đối phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch”, ông Thayer nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới