Thay đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Ngày 24/8, lãnh đạo chủ chốt họp để nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng…
Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự báo thời gian tới, diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế – xã hội, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, hội nghị cán bộ chủ chốt thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. Theo đó, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.
Cùng với đó, Tổng Bí thư nêu rõ một số nhiệm vụ, yêu cầu Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch khẩn trương triển khai.
Thứ nhất, sau khi đánh giá tổng thể việc thực hiện chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua, bên cạnh phát huy những kết quả đạt được, địa phương cần phân tích thẳng thắn, rút kinh nghiệm sâu sắc những mặt chưa làm được. Lãnh đạo các địa phương cần dự báo đúng tình hình, tham khảo chuyên gia để thống nhất giải pháp chỉ đạo, hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới.
Thứ hai, các địa phương cần tập trung nguồn lực chăm lo sức khoẻ, bảo vệ tính mạng cho nhân dân, ưu tiên khám chữa bệnh, hạn chế lây nhiễm chéo, giảm thiểu tử vong. Nguồn lực cho an sinh xã hội cần sử dụng hiệu quả, bảo đảm cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm và các hỗ trợ cần thiết cho người dân, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.
Thứ ba, các địa phương, đặc biệt vùng đang có dịch cần khẩn trương tập trung triển khai chiến lược vắc xin, sớm thực hiện tiêm vắc-xin diện rộng để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Thứ tư, lãnh đạo các cấp ngành cần quan tâm chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời không để các thế lực thù địch, phản động kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, cản trở công tác phòng, chống dịch.
Thứ năm, các địa phương cần tập trung làm tốt hơn công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay, tạo sự đồng thuận nên được biểu dương, khích lệ, động viên, khen thưởng. Mặt khác, các vi phạm về phòng, chống dịch, các thông tin xấu độc, sai sự thật, kích động, gây tác động tiêu cực cần được kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương đối với các kiến nghị của Chính phủ về các giải pháp huy động lực lượng, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội triển khai các bước để khẩn trương cụ thể hoá, bố trí ngay nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho các cấp, ngành, địa phương. Đồng thời, công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được tăng cường, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Tổng Bí thư cũng tiếp tục kêu gọi tinh thần tương thân, tương ái, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch.